Bác sĩ hết lòng vì sức khỏe cộng đồng và đồng đội

1. Gần 90 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, nhưng Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh vẫn minh tuệ. Hiện, ông là Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học Đông Nam Á. Đây là cơ sở chuyên nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao các chế phẩm sinh học: Acid amin phục vụ người bệnh, tinh chế Prolanb (HCG) kích thích cá đẻ nhân tạo và thuốc điều khiển sinh sản cho gia súc (PMSG).

Từ yêu cầu cứu chữa thương binh, bệnh binh và người bệnh trong những năm kháng chiến; từ yêu cầu bức thiết của ngành thủy sản và chăn nuôi gia súc, đã thúc đẩy ông hơn 50 năm phấn đấu trở thành nhà khoa học sinh học.

Năm 1964, bác sĩ Phan Ngọc Minh được cử làm Chủ nhiệm Quân y Đoàn 95 chuyên gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp cách mạng Lào. Hàng chục năm công tác tại chiến trường, ông cùng đồng đội vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh và chăm sóc sức khỏe các nhà lãnh đạo nước bạn. Chứng kiến nhiều đồng đội bị bỏng nặng, hoặc sốt rét ác tính mà chưa có cách cứu chữa khiến ông trăn trở, tìm cách tách chiết các thành phần của máu, trong đó có acid amin giúp cơ thể phục hồi nhanh, tránh được tình trạng suy kiệt.

 Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh (bên trái) báo cáo với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ về các chế phẩm sinh học của Labo (năm 2008). Ảnh tư liệu

Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh (bên trái) báo cáo với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ về các chế phẩm sinh học của Labo (năm 2008). Ảnh tư liệu

Nhiều năm chuẩn bị, đến năm 1974, bác sĩ Phan Ngọc Minh xây dựng đề án và được lãnh đạo, Ban giám hiệu Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) cho thành lập Labo tách chiết thành phẩm máu. Với nhiệm vụ trước mắt là tách chiết acid amin cung cấp cho thương binh ở chiến trường; tiếp đó là tách chiết các chế phẩm khác phục vụ cuộc sống, trong đó có những chế phẩm quan trọng giúp tăng cường miễn dịch cho cơ thể để phòng, chống các dịch bệnh. Ngay sau khi có quyết định thành lập, Labo đã nghiên cứu tách chiết được acid min, làm hàng triệu viên Polyamin cung cấp kịp thời cho các bệnh viện và quân y các đơn vị, giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho thương binh nặng và người bệnh sốt rét bị suy kiệt. Chế phẩm acid amin từ những năm 90 của thế kỷ trước được chính thức đưa vào dự án cấp Nhà nước (64D-040), sản xuất hàng chục triệu viên Polyamin phục hồi sức khỏe cho người bệnh bỏng nặng, trẻ em suy dinh dưỡng và phục vụ bộ đội ở các đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt như: Phi công, đặc công, công tác ở biên giới, hải đảo…

Đặc biệt, sau khi thành lập Labo nghiên cứu tách chiết thành phẩm máu, ngành thủy sản của nước ta gặp phải thách thức lớn, bởi không có thuốc kích thích cá đẻ nhân tạo (do nước bạn đột ngột ngừng cung cấp), các trại cá giống không còn cá đáp ứng yêu cầu của người chăn nuôi, ảnh hướng đến nguồn thực phẩm cho nhân dân. Trong lúc chúng ta đang rất khó khăn, bác sĩ Phan Ngọc Minh cùng tập thể cán bộ Labo tự tin, mạnh dạn nhận nhiệm vụ Nhà nước giao tách chiết và tinh chế HCG từ máu nhau thai. Vận dụng kiến thức đã học tập và tích lũy được, bác sĩ Minh cùng với cộng sự đã tinh chế thành công chế phẩm HCG. Từ tháng 7-1974, Labo nghiên cứu tách chiết thành phẩm máu của Đại học Quân y đã có sản phẩm cung cấp cho ngành thủy sản. Từ năm 1975 đến 1977, Labo đã cung cấp hàng triệu đơn vị chế phẩm HCG đáp ứng đủ nhu cầu cho các trại cá giống trong cả nước. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu tách chiết và tinh chế chế phẩm HCG, tập thể Labo đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Những năm 80 của thế kỷ trước, ngành chăn nuôi gia súc của nước ta gặp nhiều khó khăn. Trâu, bò, lợn chậm sinh sản có tỷ lệ cao (có lúc từ 25 đến 40%). Nếu không khắc phục được tình trạng này sẽ thiệt hại lớn về kinh tế và thiếu thực phẩm trầm trọng. Bác sĩ Phan Ngọc Minh lại nhận nghiên cứu, tách chiết thành công chế phẩm Gravohocmon từ huyết thanh ngựa chửa (thuốc điều khiển sinh sản cho gia súc, ký hiệu là PMSG). Chế phẩm được Viện khoa học Nông nghiệp, Viện Thú y nghiệm thu và cấp phép sản xuất thương mại cung cấp cho các trang trại chăn nuôi trong cả nước. Công trình nghiên cứu tách chiết PMSG của bác sĩ Minh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cuối năm 1989, được nghỉ chế độ, bác sĩ Minh nhận thấy nhu cầu acid amin, HCG và PMSG ngày càng nhiều, trong khi đó Học viện Quân y ngừng sản xuất, nếu nhập của nước ngoài thì giá thành cao nên ông đề nghị thành lập Trung tâm Công nghệ sinh học Đông Nam Á, thu hút nhiều nhà khoa học và đồng nghiệp tự nguyện tham gia. Chỉ tính từ năm 1990 đến 2019, trung tâm đã cung cấp hàng trăm triệu viên Polyamin cho các bệnh viện, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, chữa bệnh cho trẻ em suy dinh dưỡng; gần 60 triệu đơn vị chế phẩm HCG và PMSG phục vụ ngành thủy sản và ngành chăn nuôi. Sản phẩm của trung tâm đạt chất lượng tốt, giá thành chỉ bằng một nửa so với chế phẩm nhập ngoại, nên ngành thủy sản và chăn nuôi, cũng như bà con nông dân luôn tin dùng.

Hơn 50 năm miệt mài, kiên trì làm việc với phương châm: “Nghiên cứu khoa học phải gắn liền với thực tế, phải cho kết quả thiết thực phục vụ người bệnh và góp phần phát triển kinh tế đất nước”, tạo ra 3 chế phẩm: Polyamin, HCG và PMSG là những đóng góp quan trọng của bác sĩ Phan Ngọc Minh. Kết quả đó được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các chuyên gia cũng như những người được thụ hưởng đánh giá cao…

2. Không chỉ hết lòng vì sức khỏe của cộng đồng, bác sĩ Phan Ngọc Minh còn hết lòng vì đồng đội. Năm 1964, ông được Văn phòng Trung ương Đảng điều động làm Chủ nhiệm Quân y Đoàn 95. Hoạt động của Đoàn 95 hoàn toàn bí mật và chủ yếu trên đất bạn, trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, xa sự chỉ đạo của Trung ương, địch lại thường xuyên vây giáp, khủng bố. Hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn 95 luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả; dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 1975, sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Đoàn 95 được lệnh giải thể. Cán bộ, chiến sĩ của đoàn trở về nước, người tiếp tục công tác trong lực lượng vũ trang, người chuyển ngành, người xuất ngũ về các địa phương trong cả nước. Từ đầu năm 2000, Bộ Chính trị và Ban Bí thư chủ trương tổng kết, xét khen thưởng và giải quyết chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 95. Với sự cố gắng liên tục, tỉ mỉ và bảo đảm đúng quy định, bác sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng ban cùng Ban liên lạc đoàn cho rằng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm…”, ông cùng Ban liên lạc thực hiện phương châm: Không để sót các cựu cán bộ, chiến sĩ có thành tích nhưng không được khen thưởng. Ban liên lạc đã nghiên cứu các tài liệu lưu trữ, làm việc với cán bộ lãnh đạo đoàn, đồng thời xác minh thành tích, cống hiến của cựu cán bộ, chiến sĩ Đoàn 95, đề nghị Nhà nước giải quyết các chế độ, chính sách đối với nhiều người. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Đoàn 95 và 3 cá nhân danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; trao tặng 392 Huân chương Chiến công các hạng, công nhận 15 liệt sĩ và giải quyết chế độ, chính sách cho nhiều cựu cán bộ, chiến sĩ trong đoàn...

Ngày 16-10-2018, trong buổi gặp thân mật cựu cán bộ, chiến sĩ Đoàn 95, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Đảng, Nhà nước phát biểu tri ân sâu sắc đối với các cựu cán bộ, chiến sĩ và gia đình các đồng chí trong Đoàn 95 và nhấn mạnh: “Các danh hiệu, huân chương, huy chương mà Đảng, Nhà nước đã truy tặng, trao tặng là rất cao quý; nhưng không thể nào sánh được với sự chịu đựng gian khổ, hy sinh xương máu của các đồng chí. Tôi được biết vẫn còn một số đồng chí có công chưa được khen thưởng. Các đồng chí Ban liên lạc Đoàn 95, đặc biệt là Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh, Trưởng ban đang cùng các cơ quan hữu quan không quản ngại khó khăn, tìm và xác minh các thông tin. Đây là việc làm rất cấp thiết vì đồng đội. Tôi hoan nghênh tinh thần tích cực của các đồng chí, làm sao để không đồng chí nào có công mà không được khen thưởng!”.

Hằng ngày, Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh vẫn cần mẫn làm việc. Ba chế phẩm nghiên cứu khoa học của Labo thường xuyên góp phần chăm sóc sức khỏe người bệnh, người cao tuổi, trẻ em suy dinh dưỡng và phát triển kinh tế đất nước. Không chỉ có vậy, khi xưa ở chiến trường ông "đồng cam cộng khổ", chung một chiến hào với cán bộ, chiến sĩ Đoàn 95, thì nay ông lại tận tâm, tận lực làm việc nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Tuổi cao chí khí càng cao, nhiều năm qua, Đại tá, bác sĩ Phan Ngọc Minh là tấm gương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

HOÀNG VÂN - THÁI MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/bac-si-het-long-vi-suc-khoe-cong-dong-va-dong-doi-611940