Bác sĩ 'giải mã' hành động bứt tóc mỗi khi bị stress của người bệnh, nếu ai mắc phải tuyệt đối không được coi thường

Theo chuyên gia tâm thần, tật nhổ tóc mỗi khi stress nằm trong nhóm bệnh rối loạn lo âu, chia nhánh nhỏ ra gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng bức.

Những ngày này, bà Trương Thị May (Định Công, Hà Nội) không dám đi ra ngoài. Bà phải ở nhà trông chừng cô con gái 22 tuổi. “Nó hay bị stress lắm. Mỗi lần như thế nó lại bứt tóc trên đầu. Tôi thấy tóc con thưa dần, dưới sàn có nhiều tóc rụng nhưng ban đầu chỉ nghĩ con bị bệnh gì về da đầu và cũng khuyên con đi khám bác sĩ da liễu nhưng nó không chịu đi. Một hôm đi chợ về, tôi thấy nó đang ngồi 1 mình bứt tóc, người thẫn thờ. Tôi khuyên con làm sao nó cũng không nghe nên tôi phải ở nhà trông chừng con”, bà May nói.

Trao đổi với PV, Ths.BS Đinh Hữu Uân – Giám đốc Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần, Thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ (APA) cho biết, tật nhổ tóc mỗi khi stress nằm trong nhóm bệnh rối loạn lo âu. Chia nhánh nhỏ ra gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng bức hay còn gọi là rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ám ảnh nghi thức.

“Ám ảnh là những ý tưởng, hồi ức, cảm xúc, hành vi không phù hợp với thực tế lặp đi lặp lại trong ý thức người bệnh một cách cưỡng bức. Người bệnh biết đó là sai, là vô lý, là không cần thiết muốn tự xua đuổi đi mà không được.

Hành động tự nhổ tóc khi bị stress dù đó không phải tóc sâu, tóc gây ngứa, bản thân người có hành động đó thấy không cần thiết nhưng họ cứ nhổ tới khi rụng tóc hết tóc thì thôi. Đã từng xảy ra trường hợp, người rối loạn hành vi nhổ tóc để ăn dẫn tới tắc ruột”, Ths.BS Đinh Hữu Uân chia sẻ.

Ths.BS Đinh Hữu Uân đang tư vấn cho người nhà bệnh nhân.

Cũng theo Ths.BS Uân, rối loạn ám ảnh cưỡng bức (OCD) là một rối loạn tâm lí mang tính chất mãn tính. Biểu hiện của bệnh là những ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lí do chính đáng và phải thực hiện các hành vi mang tính chất ép buộc để giảm bớt căng thẳng, lo âu.

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức là một rối loạn tâm thần đặc biệt. Người bệnh thường giữ kín những triệu chứng của mình. Vì thế từ khi bị bệnh cho đến khi đi khám ở bác sĩ tâm thần trung bình là 8 năm.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy OCD là một bệnh tâm thần rất phổ biến chiếm khoảng 2% dân số, tỷ lệ mắc bệnh của nam và nữ là như nhau nhưng tuổi khởi phát của nam sớm hơn của nữ. Ở trẻ em bệnh OCD nam chiếm 70%.

Cần lưu ý gì?

Các ám ảnh phổ biến nhất là sợ bị bẩn, sợ gây tổn hại tới người khác, sợ mắc sai lầm, sợ hành vi của mình không được chấp nhận, đòi hỏi tính cân đối và sự chính xác cao, nghi ngờ quá mức. Theo đó, người mang các ám ảnh này sẽ có các hành vi cưỡng bức phổ biến như: nhổ tóc gây mất tóc; nhai liên tục (vì hai hàm răng luôn có cảm giác ngứa), gây mòn răng, lộ tủy răng dẫn đến buốt răng, sâu răng và làm người bệnh gặp khó khăn trong giao tiếp; rửa tay nhiều lần trong ngày vì luôn cho rằng tay mình bị bẩn; lau chùi và giặt giũ; kiểm tra; sắp xếp đồ đạc; sưu tầm và tích trữ; đếm các con số (ví dụ bệnh nhân cứ đếm đi đếm lại 135...135...135...).

“Tật nhổ tóc cần được phân biệt với một số bệnh về da liễu như nấm da đầu dẫn tới rụng tóc, rụng tóc kiểu rừng thưa… Với những trường hợp như trường hợp bệnh nhân hay tự nhổ tóc, khi đi khám bác sĩ da liễu kết luận bệnh nhân không bị nấm hay bất kì bệnh gì về da liễu, người nhà bệnh nhân phải đưa người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa tâm thần”, Ths.BS Uân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị bác sĩ này cũng đưa ra lời khuyên: Ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân OCD nhưng đây là triệu chứng của bệnh và có thể điều trị được.

Điều trị rối loạn ám ảnh cưỡng bức cần kiên trì bằng liệu pháp hóa dược và liệu pháp hành vi. Bên cạnh đó, người bệnh cần được định kì khám bệnh lại theo ngày hẹn của bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

“Bệnh nhân cần liệt kê tất cả những ý nghĩ ám ảnh và hành vi cưỡng bức, thảo luận với thầy thuốc về các biện pháp chống lại hành vi cưỡng bức. Hãy tự nhủ rằng đó chỉ là những ý nghĩ ám ảnh mà ta có thể không cần phải thực hiện hành vi cưỡng bức đó. Đồng thời, người bị ám ảnh cưỡng bức không được lạm dụng rượu, thuốc bình thần, ma túy... để đối phó với lo âu, ám ảnh”, BS.Uân nói.

Thủy Nguyên

Tags : Từ khóa

Nguồn Em Đẹp: http://emdep.vn/song-khoe/bac-si-giai-ma-hanh-dong-but-toc-moi-khi-bi-stress-cua-nguoi-benh-neu-ai-mac-phai-tuyet-doi-khong-duoc-coi-thuong-2018100723182534.htm