Bác sĩ có bàn tay vàng ở Việt Nam: Người hồi sinh những trái tim lỗi nhịp

Trong cuộc vinh danh Nhân tài đất Việt năm 2019 được tổ chức mới đây, trong nhiều giải thưởng dành cho ngành Y nổi lên cái tên Lê Ngọc Thành, người đã có nhiều cống hiến cho ngành Y dược nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực về tim mạch. GS.TS Lê Ngọc Thành được mệnh danh là 'bàn tay vàng' trong phẫu thuật tim mạch, lồng ngực.

Với hơn 32 năm công tác, GS.TS. Lê Ngọc Thành là một trong những người thuộc thế hệ có nhiều đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực tim mạch và lồng ngực. Ông đã đặt những nền móng quan trọng cho sự phát triển ngành can thiệp tim mạch tại nước ta, đặc biệt là phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ.

GS.TS Lê Ngọc Thành.

GS.TS Lê Ngọc Thành.

Thời điểm năm 2006, mặc dù đội ngũ bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện mổ được một số ca bệnh phức tạp nhưng vẫn chưa triển khai được mổ tim hở cho bệnh nhân dưới 10kg. GS.TS Lê Ngọc Thành sau khi triển khai một nhóm đi đào tạo tại Pháp trở về, đã bắt đầu mổ những ca đầu tiên cho những bệnh nhân cân nặng thấp với các bệnh lý như: thông liên thất, thông liên nhĩ, tứ chứng Fallot... Ông chính là một trong những người tiên phong, đặt nền móng cho sự phát triển của lĩnh vực phẫu thuật tim bẩm sinh, đặc biệt là những bệnh nhân sơ sinh, cân nặng thấp.

Tháng 8/2010, từ Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Lê Ngọc Thành được Bộ Y tế điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Tim mạch trực thuộc Bệnh viện E kiêm Phó Giám đốc Bệnh viện và đến nay là Giám đốc Bệnh viện E. GS.TS Lê Ngọc Thành đã tập trung nguồn nhân lực, phát triển chuyên môn và chỉ sau 2 năm hoạt động, Trung tâm Tim mạch của Bệnh viện đã là đơn vị chuyên môn kỹ thuật hàng đầu trong cả nước trong lĩnh vực phẫu thuật tim cho trẻ em; khám và điều trị cho gần 50.000 lượt, phẫu thuật được gần 10.000 bệnh nhân mắc các bệnh về tim mạch, trong đó 60% bệnh nhân là trẻ em.

Đặc biệt, trong năm 2013, dưới sự chỉ đạo của GS.TS Lê Ngọc Thành, Bệnh viện E là cơ sở đầu tiên trên cả nước thực hiện thành công kỹ thuật phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ. Đây là một kỹ thuật rất khó, đòi hỏi trang thiết bị hiện đại và nhân lực có trình độ cao mới có thể thực hiện được.

Cùng với đó, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật ít xâm lấn có nội soi hỗ trợ cũng đã được triển khai trong các chuyên ngành phẫu thuật từ nhiều năm nay với kết quả hết sức khả quan, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: hồi phục nhanh, giảm nguy cơ nhiễm trùng, bảo đảm vấn đề thẩm mỹ với sẹo mổ nhỏ. Sự phát triển của phẫu thuật ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi gắn liền với sự phát triển của công nghệ. Phương pháp này có nhiều ưu điểm, tuy nhiên do đặc thù của phẫu thuật tim hở sử dụng máy tim phổi nhân tạo, sự phức tạp của quy trình phẫu thuật ngay cả đối với mổ mở kinh điển cũng ảnh hưởng nhiều đến việc thực thi kỹ thuật.

GS.TS Lê Ngọc Thành thực hiện một ca mổ tim phức tạp.

Trong nước mới chỉ có những công trình công bố về phẫu thuật nội soi cho lồng ngực nói chung, như: phẫu thuật u trung thất, phẫu thuật nội soi khoang màng phổi, phẫu thuật cắt thùy phổi với nội soi hỗ trợ…của hai trung tâm phẫu thuật lớn trong nước là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Việc triển khai mổ tim hở có nội soi hỗ trợ tại Việt Nam là một thách thức kể cả về trình độ chuyên môn lẫn cơ sở vật chất.

Kỹ thuật khó là vậy, nhưng ngay từ năm 2013, GS.TS Thành và ekip đã bắt đầu thực hiện những ca mổ tim hở có nội soi hỗ trợ đầu tiên trên cả nước. Tính đến thời điểm này, GS.TS Lê Ngọc Thành và cộng sự đã thực hiện thành công gần 800 ca phẫu thuật tim có nội soi hỗ trợ và nội soi toàn bộ, bao gồm: thay van hai lá, thay van động mạch chủ, vá thông liên thất, vá thông liên nhĩ, lấy u nhầy nhĩ...

Kỹ thuật này đã góp phần rất lớn trong việc thay đổi tích cực kết quả điều trị cho người bệnh về tính thẩm mỹ, độ an toàn trong phẫu thuật tim. Đây cũng là kỹ thuật để Trung tâm thực hiện đề tài cấp Bộ đã được nghiệm thu. Trung tâm Tim mạch cũng là cơ sở chuyển giao kỹ thuật này cho hầu hết các đơn vị phẫu thuật tim mạch trên cả nước.

GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết: Ngoài phẫu thuật tim cho người bệnh nói chung, phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em là ưu tiên hàng đầu của ông và nhất là phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo. Không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật cho trẻ em mà ông đã thực hiện và nhớ nhất là cuộc phẫu thuật miễn phí cho đoàn trẻ em nghèo đi tàu hỏa từ Đà Nẵng ra. Đoàn gồm khoảng hơn 20 cháu do tổ chức Đông Tây hội ngộ phối hợp với quỹ từ thiện TP Đà Nẵng thực hiện. Những cuộc phẫu thuật đã thực hiện thành công, tuy vất vả nhưng tràn ngập niềm vui và tiếng cười của tập thể các y, bác sĩ khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực cùng gia đình người bệnh. “Điều đặc biệt của những ca phẫu thuật này là khám sàng lọc tại Đà Nẵng nhưng Mổ tại Hà Nội. Mọi thứ đều trọn vẹn, thành công” - GS.TS Lê Ngọc Thành cho hay.

GS.TS Lê Ngọc Thành nhận giải thưởng Nhân tài đất Việt (người thứ 3 từ trái sang).

Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, chính những ca mổ từ thiện thành công, hiệu quả, năm 2007 đã thắp lên những đốm lửa đầu tiên của chương trình Trái tim cho em. Chương trình đầu tiên đã được phát sóng trên Đài truyền hình Việt Nam, ca sĩ Mỹ Linh được mời làm đại sứ thiện chí hát bên ngoài phòng mổ Bệnh viện Việt Đức, khi đó GS.TS Lê Ngọc Thành đang thực hiện ca mổ vá thông liên thất cho một bệnh nhi có cân nặng dưới 10kg. Sự ra đời của chương trình Trái tim cho em được khởi đầu và triển khai tại khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Việt Đức, sau này (từ 2010) được Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E phát triển và hiện được tiến hành trên hầu hết các tỉnh, thành từ miền Bắc tới miền Trung.

Các nội dung của chương trình đều thực hiện theo ý tưởng của GS Thành và các đối tác đã hoạch định ngay từ khi bắt đầu, như: Hỗ trợ kinh phí mổ, khám sàng lọc miễn phí ở các tỉnh, đầu tư trang thiết bị y tế cho một số cơ sở đầu ngành và bước đầu đào tạo nhân lực cho tuyến cơ sở, đã giúp cho nhiều bệnh nhi mắc bệnh tim bẩm sinh được phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm, nhiều gia đình bệnh nhân nghèo được hỗ trợ kinh phí, và đặc biệt hầu hết các bệnh tim bẩm sinh đều có thể điều trị trong nước, giảm “chảy máu” tiền tệ ra nước ngoài trong lĩnh vực này. Giá trị nhân văn và hiệu quả của chương trình được toàn xã hội, đồng nghiệp trong nước và quốc tế đồng lòng ủng hộ.

Những ca mổ thành công, những công trình nghiên cứu khoa học về lĩnh vực tim mạch không chỉ chứng minh ông là “bàn tay vàng” trong phẫu thuật tim, lồng ngực mà còn khẳng định trong 32 năm say mê cống hiến cho nghề, GS Lê Ngọc Thành đã có những đóng góp lớn cho nền y học nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, khơi nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ không ngừng học tập, nghiên cứu.

PGS.TS Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: “GS.TS Lê Ngọc Thành về mặt chuyên môn được đánh giá là rất tốt, xuất phát từ cái nôi là Bệnh viện Việt Đức. Khi được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm tim mạch, rồi Giám đốc Bệnh viện E, ông đã phát triển Trung tâm này thành đơn vị mũi nhọn của Bệnh viện E nói chung và chuyên ngành tim mạch trong cả nước nói riêng. Hiện nay, Bệnh viện E là một địa chỉ tin cậy trong điều trị cũng như đào tạo bài bản về phẫu thuật tim nội soi ít xâm lấn”.

Chị Nguyễn Thị Phượng, có chồng bị bệnh tim may mắn được chữa khỏi, cho biết: “Được các bác sĩ Bệnh viện E phẫu thuật, điều trị, sức khỏe chồng tôi nay đã ổn định. Cảm động trước sự tận tình, vất vả của các bác sĩ, gia đình tôi bày tỏ mong muốn được bồi dưỡng thêm nhưng các bác sĩ đều từ chối. Tôi rất biết ơn và cảm kích tâm đức của các bác sĩ Bệnh viện E, đặc biệt là GS.TS Lê Ngọc Thành, người đã luôn coi bệnh nhân như người thân”.

Lê Sử

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/bac-si-co-ban-tay-vang-o-viet-nam-nguoi-hoi-sinh-nhung-trai-tim-loi-nhip-80852.html