Bác sĩ chuyên khoa cảnh báo bệnh viêm loét miệng tái phát nhiều lần: Khi nào là dấu hiệu của ung thư?

Viêm loét miệng là tình trạng tổn thương khoang miệng rất hay gặp. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đâu là những dấu hiệu điển hình khi bệnh liên quan tới ung thư khoang miệng.

Viêm loét miệng tái diễn (hay viêm miệng áp-tơ, aphthous) là tình trạng lặp đi lặp lại của loét miệng lành tính và không truyền nhiễm. Tỷ lệ xuất hiện thường xuyên của loét miệng tái diễn là 25%, tỷ lệ tái phát trong 3 tháng cao tới 50%. Bệnh xảy ra nhiều nhất ở tuổi thanh, thiếu niên và ít gặp hơn ở người lớn tuổi.

Thương tổn là các viết loét hình tròn hoặc hình ovan, kích thước to nhỏ khác nhau, số lượng ít hoặc nhiều, xung quanh có quầng đỏ, đáy vết loét có màu vàng hoặc màu xám.

Theo bác sĩ Hy Quang, chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, bệnh viện E Trung ương, các vết loét miệng thường có hình tròn, bầu dục, với màu trắng hoặc vàng ở trung tâm, màu đỏ ở viền xung quanh.

Những ổ loét có thể hình thành ở bất cứ đâu bên trong miệng, trên hoặc dưới lưỡi, bên trong má hoặc môi, ở gốc của nướu răng, trên khẩu cái mềm/ cứng, họng. Tăng cảm giác đau cơ học khi có sự chuyển động của niêm mạc vùng đó. Có thể thấy ngứa ran hoặc rát 1-2 ngày trước khi các vết loét thực sự xuất hiện.

Khi nào viêm loét miệng liên quan đến bệnh ung thư?

Theo bác sĩ Quang, có 3 loại viêm loét miệng tái diễn bao gồm:

- Loét áp tơ nhỏ (chiếm 90-95%): vết loét nhỏ dưới 5mm, loét nông, có thể lành trong 1 - 2 tuần mà không để lại sẹo.

- Loét áp tơ lớn (5-10%): vết loét lớn 1 - 3cm, loét sâu. Có thể rất đau và diễn biến tới 6 tuần, khi lành có thể để lại sẹo.

- Loét áp tơ dạng herpes (1-5%): vết loét kích thước chính xác 1 - 3mm, loét nông, thường xuất hiện các cụm từ 10 - 100 vết loét. Có thể lành trong 1 - 2 tuần mà không để lại sẹo.

Trong chấn đoán bệnh, bác sĩ Quang lưu ý, chúng ta cần nghĩ đến và loại trừ ung thư khoang miệng khi có các dấu hiệu như:

- Vết loét không tự lành hoặc không lành sau điều trị 2 tuần.

- Vết loét xuất hiện cố định ở một vị trí, có xu hướng lan rộng.

- Vết loét dễ chảy máu. Tổn thương xơ cứng, chồi dạng bông cải trong miệng.

- Có hạch cổ cùng bên, đặc biệt hạch cổ chắc và không di động.

- Ngoài ra sụt cân, mệt mỏi, trở ngại chức năng như nuốt sặc, nuốt nghẹn, khó khăn khi nuốt, khàn tiếng bất thường.

Các yếu tố phổ biến liên quan đến cơ chế sinh bệnh viêm loét miệng

Viêm miệng áp-tơ tuy là một bệnh phổ biến nhưng căn nguyên, cơ chế bệnh sinh vẫn chưa rõ ràng. Các yếu tố sau đây có thể góp phần vào cơ chế bệnh sinh của bệnh.

- Yếu tố di truyền:

Khoảng 40% bệnh nhân có tiền sử trong gia đình bị loét áp tơ. Những người này thường khởi phát bệnh sớm hơn và mức độ bệnh nặng hơn.

- Chấn thương cơ học

Các sang chấn của niêm mạc miệng do các yếu tố cơ học như ăn nhai, răng sắc nhọn, bàn chải đánh răng thô ráp, tiêm tê, các can thiệp nha khoa...

- Thiếu hụt vitamin hoặc khoáng chất như B3 (niacin), B9 (axit folic), B12 (cobalamin), kẽm, sắt, hoặc canxi... có thể kích hoạt hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng loét miệng.

Sự thiếu hụt các yếu tố tạo máu như sắt, vitamin B12 và axit folic ở những người bị bệnh loét áp tơ cao gấp hai lần so với nhóm chứng.

- Căng thẳng (stress): Sự căng thẳng tinh thần gián tiếp gây loét áp tơ thông qua những hành động hàng ngày làm tăng nguy cơ sang chấn mô mềm như cắn môi, cắn má. Các nghiên cứu cho thấy không có mối tương quan giữa mức độ căng thẳng với độ nặng của loét áp tơ.

- Loét áp tơ và liên cầu: Liên cầu trong miệng được xem là vi sinh vật liên quan trực tiếp tới bệnh sinh của loét áp tơ. Nó góp phần gây nên các vết loét áp tơ đồng thời đóng vai trò là kháng nguyên, kích thích cơ thể sản xuất kháng thể. Những kháng thể này phản ứng chéo với niêm mạc miệng. Loài liên cầu tan huyết alpha gây bệnh loét áp tơ là Streptococcis sanguis (hay Streptococcus mitis).

- Nhiễm Virus: Một số virus có thể tham gia vào cơ chế bệnh sinh của loét áp tơ như cytomegalovirus ở người, Epstein-barr virus.

- Loét áp tơ và trào ngược dạ dày, Helicobacter pylori: Các nghiên cứu chỉ ra trào ngược dạ dày làm gia tăng, nặng hơn và kéo dài thời gian lành của loét áp tơ, đây là kết quả tác động tại chỗ vết loét của acid dạ dày, ngoài ra các bệnh lý viêm loét dạ dày thường gây giảm hấp thu các vitamin và khoáng chất.

- Helicobacter pylori từng được xem là yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của bệnh loét áp tơ. Vi khuẩn này có mặt trong các mảng bám răng. Tuy nhiên, vai trò của nó chưa rõ ràng.

- Thay đổi nội tiết, hệ thống miễn dịch, thói quen hút thuốc lá, sử dụng 1 số loại thuốc...

Quan trọng nhất trong điều trị viêm loét miệng là phát hiện tất cả các yếu tố liên quan

Bác sĩ Quang cho biết, việc điều trị viêm loét miệng bao gồm nhiều yếu tố, quan trọng là trên mỗi bệnh nhân cần phát hiện tất cả các yếu tố liên quan. Loét áp tơ nhỏ thường không cần điều trị mà có xu hướng tự biến mất trong 1-2 tuần.

Loét áp tơ lớn, dai dẳng, bất thường cần được điều trị và theo dõi với các phương án điều trị như bôi, uống thuốc... Ngoài ra cần giảm các yếu tố nguy cơ từ thức ăn, kem đánh răng, căng thẳng tâm lý...

Thiên An

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bac-si-chuyen-khoa-canh-bao-benh-viem-loet-mieng-tai-phat-nhieu-lan-khi-nao-la-dau-hieu-cua-ung-thu-4202087182939241.htm