Bác sĩ chuyên khoa bệnh viện K: Sau 50 tuổi, nguy cơ ung thư đại tràng tăng rõ rệt

Theo bác sĩ bệnh viện K Tân Triều, ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được sàng lọc, phát hiện sớm.

Đại trực tràng thuộc về phần thấp của ống tiêu hóa, hay còn gọi là đường tiêu hóa dưới. Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất hiện nay, với khoảng 1,8 triệu trường hợp mới mắc và gây ra khoảng 800 nghìn trường hợp tử vong mỗi năm và xu hướng ngày càng gia tăng.

Ở nam giới, ung thư đại trực tràng có mức độ phổ biến chỉ sau ung thư phổi và ung thư tiền liệt tuyến. Ở nữ giới, ung thư đại trực tràng có mức độ phổ biến chỉ đứng sau ung thư vú. Tại Việt Nam, bệnh ung thư đại trực tràng là 1 trong 5 bệnh lý ung thư phổ biến nhất.

Ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được sàng lọc, phát hiện sớm. Hiện nay có nhiều phương pháp sàng lọc ung thư đại trực tràng rất hiệu quả đang được áp dụng, từ các phương pháp không xâm lấn đến các phương pháp xâm lấn.

Ảnh minh họa.

Dựa vào yếu tố nguy cơ thể khám sàng lọc, phát hiện ung thư đại trực tràng sớm

Theo bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại Bụng 1- Bệnh viện K Tân Triều, các yếu tố nguy cơ của bệnh là các yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng mắc bệnh của con người, từng loại ung thư sẽ có các yếu tố nguy cơ khác nhau. Có những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được và những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được.

Tuy vậy, có một hay nhiều yếu tố nguy cơ cũng không chắc chắn sẽ mắc bệnh, mà chỉ là khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn người không có yếu tố nguy cơ, từ đó cần quan tâm tới sức khỏe để đi sàng lọc sớm.

Bác sĩ Nam chỉ ra các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:

- Tuổi: thường sau 50 tuổi, nguy cơ bị ung thư đại tràng tăng cao rõ rệt.

- Tiền sử bản thân bị viêm đại trực tràng, kể cả bệnh Crohn.

- Tiền sử bản thân bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư hoặc polyp tuyến: thống kê cho thấy, cứ 1 trong 5 bệnh nhân ung thư đại trực tràng có thành viên trong gia đình đã từng bị ung thư đại trực tràng, hay gặp bố mẹ, anh chị em ruột.

- Các hội chứng di truyền: có khoảng 5-10% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có các đột biến gen di truyền, hay gặp nhất là bệnh lý đa polyp tuyến gia đình (Familial Adenomatous Polyposis-FAP) và hội chứng Lynch (ung thư đại tràng không phải đa polyp di truyền-Hereditary Non-Polyposis Colon Cancer-HNPCC). Các bệnh nhân này thường bị bệnh khi còn trẻ.

- Chủng tộc, dân tộc: người Mỹ gốc Phi, người Do Thái gốc Đông Âu có tỷ lệ mắc, tử vong cao nhất.

- Đái tháo đường type 2: làm tăng nguy cơ và khiến tiên lượng điều trị trở nên kém hơn.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống có thể thay đổi được bao gồm :

- Thể trạng béo phì.

- Ít hoạt động thể lực

-Chế độ ăn nhiều thịt đỏ (thịt bò, lợn,cừu) và thịt chế biến công nghiệp (xúc xích, đồ ăn nhanh), thịt nấu ở nhiệt độ rất cao (rán, nướng)

- Hút thuốc lá, thuốc lào.

- Lạm dụng đồ uống có cồn (bia, rượu)

Đối với các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được, chúng ta có thể xây dựng lối sống lành mạnh, tập thể dục điều độ để cải thiện sức khỏe, phòng tránh các bệnh tật nói chung, chứ không riêng bệnh ung thư.

Trong sàng lọc bệnh ung thư đại trực tràng, có 2 xét nghiệm chính là xét nghiệm phân và xét nghiệm hình thái, cấu trúc. Mỗi loại xét nghiệm đều có ưu điểm, nhược điểm và hạn chế riêng, nếu chỉ áp dụng một kỹ thuật đơn lẻ thì dù kỹ thuật có hoàn thiện và bác sỹ có trình độ chuyên môn cao thì vẫn có một tỉ lệ bỏ sót ung thư đại trực tràng nhất định, đặc biệt là ung thư ở giai đoạn sớm. Do đó, khi thực hiện tầm soát ung thư đại trực tràng, nên kết hợp nhiều phương pháp cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh với nhau.

Xét nghiệm máu chưa đủ để khẳng định bệnh ung thư

Trả lời câu hỏi về phương pháp phát hiện ung thư sớm thông qua xét nghiệm máu, bác sĩ Hà Hải Nam cho biết: "Ung thư là bệnh lý đa dạng đa hình thái, với trên 200 loại ung thư khác nhau và có thể gặp ở hầu như tất cả các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư có phương pháp phát hiện sớm khác nhau, cho nên nếu chỉ 1 xét nghiệm máu để phát hiện tất cả các loại ung thư khác nhau là không có".

Bác sĩ Nam nhấn mạnh, không thể xét nghiệm máu để phát hiện ung thư vú, ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung,ung thư phổi.... Việc xét nghiệm máu chỉ giúp tìm kiếm chất chỉ điểm ung thư, hay còn gọi là dấu ấn ung thư. Ví dụ như AFP trong UT gan, PSA trong UT tiền liệt tuyến, CEA trong UT tiêu hóa, CA 12.5 trong UT buồng trứng, CA 15.3 trong UT vú...

Khi các dấu ấn này tăng, bác sĩ có thể nghi ngờ có bất thường ở cơ quan tương ứng,từ đó sẽ cho chỉ định làm các xét nghiệm chuyên sâu thêm để tìm kiếm câu trả lời: có hay không có ung thư? Ở khía cạnh này, xét nghiệm máu đóng vai trò "chỉ điểm" cho các xét nghiệm chuyên sâu khác.

Mặt khác, xét nghiệm máu cũng có thể giúp tìm kiếm phát hiện các đột biến gen-điều các nhà khoa học tin rằng có liên quan tới ung thư. Ví dụ: đột biến gen APC có nguy cơ cao với ung thư Đại tràng,đột biến gen BRCA2 liên quan tới ung thư vú. Ở mặt này, xét nghiệm máu giúp tìm mối liên quan mật thiết giữa yếu tố nguy cơ cao là "đột biến gen" với các tổn thương ung thư tiềm tàng ở người làm xét nghiệm. Đây là phương pháp còn khá mới mẻ, và cũng khá đắt tiền,nhưng có hiệu quả cao hơn xét nghiệm máu tìm "dấu ấn" ung thư kể trên.

Bác sĩ Nam cho biết, để sàng lọc phát hiện sớm ung thư, xét nghiệm máu không phải là phương pháp "tất cả trong 1", "đơn giản, hiệu quả, chất lượng" như trong các quảng cáo mà các mọi người có thể bắt gặp. Đó chỉ là bước đệm để các bác sĩ tư vấn chỉ định cho người bệnh làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu: nội soi, chụp cắt lớp, cộng hưởng từ, sinh thiết....để khẳng định bệnh, hoặc giúp đánh giá cụ thể nguy cơ mắc ung thư đối với từng trường hợp có gen đột biến. Ngoài ra, xét nghiệm máu có giá trị nhất giúp theo dõi, tiên lượng sau điều trị (khi đã chẩn đoán ung thư).

Xét nghiệm máu chẩn đoán ung thư sớm, dưới góc nhìn y khoa,là sự khẳng định chưa chính xác và thiếu tính thuyết phục. Mỗi loại bệnh ung thư sẽ có các biện pháp sàng lọc, phát hiện sớm khác nhau. Do đó, mọi người cần luôn thận trọng và tìm hiểu kĩ lưỡng về các phương pháp giúp chẩn đoán ung thư sớm.

Thiên An

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bac-si-chuyen-khoa-benh-vien-k-sau-50-tuoi-nguy-co-ung-thu-dai-trang-tang-ro-ret-42020297154218259.htm