Bác sĩ 'chôn chân' 8 tiếng 'bắc cầu vượt mạch máu' cứu bé gái 13 tuổi

Trải qua 8 giờ phẫu thuật căng thẳng, các sĩ phẫu thuật bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã nối thành công tĩnh mạch cửa vào cửa gan, bằng một đoạn mạch máu cổ của chính bệnh nhân.

Ngày 12/7, BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc bệnh viện nhi đồng 1 cho biết, vừa phẫu thuật thành công 1 trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo. Bệnh nhân là bé N.T.T.A (nữ 13 tuổi, ngụ tại Long An), cách đây hơn 1 năm bé A bị một khối u bướu vùng đầu tụy khiến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng. Sau đó, bé A được các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 phẫu thuật cắt bướu thành công. Tưởng chừng mọi chuyện đã êm xuôi, nhưng cách đây 6 tháng, bé A lại có triệu chứng bị ói ra máu. Đi khám tại các bệnh viện tuyến dưới thì không tìm ra nguyên nhân.

Cách đây vài hôm, bé A vào cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng ói ra máu. Kết quả xét nghiệm cho thấy hồng cầu của bệnh nhân chỉ còn 25%, giảm 3/4 so với lượng hồng cầu người bình thường.

Bệnh nhân đang có dấu hiệu phục hồi tốt sau phẫu thuật.

Qua thăm khám kết hợp với siêu âm và hội chẩn, các bác sĩ bệnh viện Nhi đồng 1 xác định bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch cửa trước gan. Đây là nguyên nhân khiến cho máu trong tĩnh mạch bị ứ, khiến cho việc tuần hoàn tiêu hóa về gan phổi bị tắc và gây vỡ tĩnh mạch khiến bệnh nhân ói ra máu.

Trước nguy cơ bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào vì hồng cầu xuống thấp, sau khi xác định nguyen nhân và vị trí gây tắc, các các sĩ phẫu thuật bắc cầu cửa - cửa (từ cửa tĩnh mạch này sang cửa tĩnh mạch khác). Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tách một đoạn mạch máu ở cổ có kích thước khoảng 10cm để làm “cầu” nối giữa 2 cửa, cho đường tuần hoàn máu lưu thông về gan, phổi.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Siêu Âm và Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, đây là một ca phẫu thuật vô cùng phức tạp. Do bệnh nhân có tiền sử đã trải qua phẫu thuật mổ u bướu đầu tụy, khiến cho hình dạng bên trong nội tạng nơi phẫu thuật đã biến dạng không còn như bình thường. Quá trình phẫu thuật kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ, chưa kể thời gian gây mê.

Theo bác sĩ Ngô Kim Thơi, Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện Nhi đồng 1,cho biết, để thực hiện ca mổ này, cả khoa hôm đó chỉ làm tập trung cho 1 ca này. Quá trình phẫu thuật, bác sĩ phải làm sao không làm thương tổn các bộ phận khác mà làm lộ mạch máu bị tắc, khoanh vùng vị trí tắc.

"Dùng một đoạn mạch máu cổ một đoạn đem xuống nối vào thông qua chỗ tắc. Bác sĩ phải dùng các thiết bị khá tinh tế đặc biệt riêng trong phẫu thuật để thực hiện ca mổ này. Trước đây, với các trường hợp như vậy sẽ tiến hành phẫu thuật nối hệ cửa - động mạch chủ. Cách này không tốt vì nó đi thẳng vào động mạch chung; không tốt cho người bệnh, vì máu không qua gan lọc độc tố mà chất độc chạy luôn vào cơ thể. Còn phẫu thuật cửa - cửa thì máu vẫn qua gan để lọc độc tố", bác sĩ Thơi chia sẻ.

Kết quả sau 24 giờ phẫu thuật, tình hình sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt, huyết áp nhịp tim ổn định. Máu trong tĩnh mạch trước gan lưu thông nuôi tốt.

Tiến Đạt

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/bac-si-chon-chan-8-tieng-bac-cau-vuot-mach-mau-cuu-be-gai-13-tuoi-c2a289785.html