Bác sĩ BV Phổi Trung ương buồn vì lây nCoV cho đồng nghiệp

Nam bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) có tình trạng viêm phổi và tâm trạng vẫn còn sự băn khoăn sau sự cố lây nhiễm cho 2 đồng nghiệp.

Chỉ trong vòng 4 ngày, Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội) ghi nhận 3 ca mắc Covid-19 là nhân viên bệnh viện. Đây là bệnh viện tuyến Trung ương thứ 3 tại Hà Nội có ca dương tính, sau Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung) và Bệnh viện K (cơ sở Tân Triều).

Zing có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), liên quan các ca mắc Covid-19 và giải pháp kiểm soát dịch xâm nhập của bệnh viện này.

Điều đã được dự đoán

- Bệnh viện Phổi Trung ương đã ghi nhận 3 ca dương tính là nhân viên y tế. Tâm trạng của ông lúc đó ra sao?

- Tôi rất buồn nhưng đã dự đoán trước. Đây không phải là lần đầu Bệnh viện Phổi Trung ương ghi nhận ca bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trong 2 lần trước đó, các bệnh nhân đều được phát hiện qua cửa sàng lọc, chưa lọt vào trong bệnh viện nên không ảnh hưởng nhiều và được kiểm soát ngay từ vòng ngoài.

Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, chúng tôi luôn đặt ở mức cảnh báo dịch cao. Ngay cả khi cộng đồng chưa ghi nhận ca mắc, bình yên thì chúng tôi vẫn đặt trạng thái phòng dịch cao. Tuy nhiên, dù sao tình hình dịch khó có thể lường trước được.

Tôi cảm thấy bệnh viện khá may mắn vì 2 bác sĩ làm việc tại phòng Chỉ đạo chương trình, không có nhiều mối liên quan khoa, phòng trong bệnh viện. Nếu dịch xâm nhập sâu và tiếp xúc nhiều nhân viên y tế, công tác dập dịch có thể khó khăn hơn.

- Có nhiều ý kiến cho rằng bệnh viện quản lý không tốt trường hợp tiếp xúc F0, từ đó khiến ca mắc Covid-19 thứ 3 được phát hiện tại cộng đồng?

- Ca mắc Covid-19 thứ 3 tiếp tục là nhân viên Phòng Chỉ đạo chương trình. Thông tin này thật sự không vui. Trong tối 16/5, qua chủ động xét nghiệm bằng hệ thống Xpert, ca dương tính này được ghi nhận.

Đây là trường hợp có tiếp xúc với F0 là bác sĩ N.V.C. (55 tuổi) và bác sĩ N.V.P (42 tuổi), tuy nhiên, bác sĩ này tiếp xúc xa. Sau khi bác sĩ C. mắc Covid-19, ngày 14/5, chúng tôi đã cách ly y tế phòng Chỉ đạo Chương trình ngay lập tức, cán bộ chỉ đến làm xét nghiệm và đã phát hiện ra trường hợp F0 thứ 2 là bác sĩ N.V.P.

Trường hợp thứ 3 này đến lấy mẫu thứ 6 ngày 14/5 và sau 15 phút đã trở về nhà tự cách ly, kết quả ngày đó là âm tính. Suốt thời gian đó, anh này hoàn toàn cách ly ở nhà đúng tiêu chuẩn. Vì vậy, từ lúc mẫu âm tính đến lúc chuyển sang dương tính, bác sĩ này không tiếp xúc với nhân viên bệnh viện.

Mặc dù vậy, chúng tôi thành thực xin lỗi trong quá trình rà soát, chúng tôi có để lọt trường hợp này là F1, chứ không phải F2 nên thông báo địa phương chậm mất 2 ngày.

 Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phổi Trung ương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Phổi Trung ương lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

- Hiện tại, tình trạng sức khỏe các bác sĩ mắc Covid-19 thế nào?

- Bác sĩ N.V.C. đã được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị. Anh C. có tình trạng viêm phổi nhưng đã tương đối ổn định.

Tuy nhiên, về tâm lý, anh ấy rất băn khoăn về sự việc ngẫu nhiên này. Tôi có gọi cho đồng nghiệp để anh ấy yên tâm, dù vậy, đồng nghiệp của chúng tôi rất sốc và buồn sau sự cố lây nhiễm cho 2 đồng nghiệp. Hy vọng anh ấy sẽ hồi phục sớm. Hai đồng nghiệp còn lại của chúng tôi có sốt nhưng phim phổi bình thường.

"Khi dịch xâm nhập bệnh viện, tình hình sẽ nghiêm trọng"

- Vậy Bệnh viện Phổi Trung ương có còn an toàn và khám, chữa bệnh bình thường?

- Chúng tôi đã quyết định nâng nguy cơ cảnh báo dịch lên cao nhất. Toàn bộ cán bộ phòng Chỉ đạo chương trình là F1 và thông báo địa phương để được cách ly tập trung. Các nhân viên này cũng được rà soát thật kỹ tiền sử tiếp xúc.

Buổi trưa 17/5, 50 mẫu xét nghiệm của người có nguy cơ cao nhất đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Đến 21h, chúng tôi đã xét nghiệm toàn bộ những đối tượng cần thiết gần 500 người cả nhân viên y tế, bảo vệ, vệ sinh viên bệnh nhân dều cho kết quả âm tính. May mắn, đến trưa 18/5, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.

Đội lấy mẫu với xe chuyên dụng dành riêng, bảo hộ và trang thiết bị đầy đủ luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ. Bệnh viện thực hiện giãn cách đầy đủ.

Mặc dù, vẫn đánh giá khu vực lâm sàng là an toàn nhưng bệnh viện đề nghị chỉ mở khám ngày thứ 2 đến thứ 6 tại 2 khoa Khám bệnh, không mở khám ngày thứ 7 và chủ nhật cho đến khi có thông báo lại và tăng cường khám bệnh online. Việc khám cấp cứu vẫn đảm bảo bình thường.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) là thành trì đầu tiên SARS-CoV-2 xâm nhập trong đợt bùng phát dịch lần 4. Ảnh: Việt Linh.

Chiều 17/5, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng cục Quản lý Khám Chữa bệnh, cũng đã dẫn đoàn Bộ Y tế về kiểm tra, chỉ đạo, động viên Bệnh viện và hoàn toàn thống nhất với các can thiệp tích cực của chúng tôi.

Chiều nay, chúng tôi sẽ có kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của 2 bác sĩ. Đây là dữ liệu quan trọng để chúng tôi đánh giá chủng virus và nguồn gốc dịch tễ.

- Khi các ổ dịch cơ bản được khoanh vùng, việc xuất hiện nguồn lây mới do khai báo không trung thực gây ảnh hưởng thế nào như trường hợp cựu giám đốc Hacinco?

- Ảnh hưởng rất nhiều. Bởi vì khi khi dịch xâm nhập bệnh viện, tình hình sẽ nghiêm trọng. Gần đây, các bệnh viện ghi nhận một số trường hợp người dân khai báo không trung thực, điều này quá nguy hiểm.

Việc bỏ sót người mang mầm bệnh có thể khiến dịch lây lan và bùng phát. Đặc biệt, khi virus lây nhiễm trong các khoa, phòng bệnh nặng, chưa kể tốc độ lây lan nhanh, bệnh nền trở nên trầm trọng cũng có thể khiến người mắc rơi vào nguy hiểm.

Các bệnh viện cần xây dựng hệ thống sàng lọc nghiêm ngặt, kiểm soát tất cả trường hợp đến có triệu chứng, khoanh vùng ngay từ ở cổng bệnh viện. Bệnh viện Phổi Trung ương chúng tôi có đến 3 lớp phòng hộ. Do đó, chúng tôi 2 lần phát hiện người mắc Covid-19 là bệnh nhân có yếu tố dịch tễ, được cách ly ngay từ cổng.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-bv-phoi-trung-uong-buon-vi-lay-ncov-cho-dong-nghiep-post1216533.html