Bác sĩ BV Mắt phân tích lợi, hại của việc nối mi mắt

Nối mi là phương pháp làm đẹp cứu cánh cho những người có lông mi mỏng, ngắn, không cong, nhạt màu… mà không muốn dán mi giả, chuốt mascara thường xuyên. Áp dụng cách làm đẹp này lâu ngày có an toàn cho đôi mắt?

TS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho rằng, phương thức làm đẹp này của chị em chỉ có thể an toàn khi người áp dụng nó thực sự cẩn trọng.

Để có được lông mi dài bất thường, thợ làm đẹp dùng 3 cách nối mi phổ biến là dùng vật liệu tổng hợp, dùng chỉ lụa và lông chồn. Các vật liệu trên khác nhau về kích cỡ và hình dạng.

Thường làm đẹp sẽ dùng các nhíp chuyên dụng, keo dán loại không vĩnh cửu để nối phần lông mi tự nhiên và lông mi nhân tạo. Thường mỗi lần làm đẹp mất khoảng 2 giờ, mắt của người được nối mi phải nhắm kín suốt quá trình. Lông mi giả có tuổi thọ khoảng 3 - 4 tuần, sẽ rụng đi cùng với lông mi thật.

Thường xuyên nối mi sẽ gây ra tình trạng ngứa cộm mắt, đỏ mắt, dị ứng mắt... Ảnh minh họa

Sau khi làm xong lông mi dài bất thường, có khúc nối giữa phần lông tự nhiên và phần nối dài nhân tạo và không có gì đảm bảo về chất lượng keo dán, lông mi nhiều chất bám bẩn nên nhiều người bị ngứa cộm mắt…

Vậy nên, để mắt được an toàn, nối lông mi phải được thao tác bởi những kỹ thuật viên đã được đào tạo trong điều kiện vệ sinh sạch sẽ, với các hóa chất an toàn cho da.

Bởi nguồn gây nhiễm có thể đến từ vệ sinh kém ở các tiệm làm đẹp, hàng rào bảo vệ mắt tự nhiên bị phá bỏ khi thao tác làm đẹp.

Bên cạnh đó, các thành phần trong keo dán cũng có thể gây dị ứng. Phản ứng dị ứng có thể gây ra đau, ngứa, đỏ và sưng nề tại chỗ, cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc nhìn nhất thời.

Ngoài ra, các hành động gãi, giật hay kéo, tháo gỡ mi giả có thể làm đứt gãy lông mi tự nhiên, thậm chí làm tổn hại nang lông. Cho dù là hiếm gặp nhưng nối dài lông mi có thể dẫn tới các sợi lông mi bị chôn lấp dưới lớp bề mặt nhãn cầu, có thể phải phẫu thuật để lấy bỏ.

Việc tháo gỡ mi nối không hề đơn giản, nếu không cẩn thận và chuyên nghiệp rất có thể sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho đôi mắt và hàng mi thật.

Hiện nay để tháo mi, thợ nối mi có thể sử dụng dung dịch tháo mi, sáp tháo mi, gel tháo mi hoặc tăm tháo mi. Tuy nhiên, bất cứ tác động vào mi lúc nào cũng có thể gây rụng mi thật.

Cách tốt nhất là hãy hạn chế nối mi. Nếu muốn đẹp, chỉ nên dùng mi giả trong thời gian ngắn và nên mua mi giả và keo dán đảm bảo chất lượng. Sau khi dùng xong cần tẩy trang kỹ càng, sạch sẽ để loại bỏ các hóa chất, hoặc bụi bặm có thể chui vào mắt.

Trong trường hợp sau khi nối mi cảm thấy mắt ngứa ngáy, đỏ ngầu hoặc cộm mắt… cần đi khám bác sĩ ngay lập tức để tránh tổn thương cho giác mạc.

Linh Nhi

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/bac-si-bv-mat-phan-tich-loi-hai-cua-viec-noi-mi-mat-d11047.html