Bác sĩ biến mất sau khi bị phát hiện 'xài' bằng giả

Trong lúc đang khó khăn về nhân lực, tưởng sẽ có một bác sĩ giỏi, nhưng Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) lại 'mừng hụt'. Bằng bác sĩ loại giỏi của người được ký hợp đồng thử việc lại là bằng dỏm. Sau khi sự việc bị phát hiện, thủ phạm đã 'biến mất'.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, nơi xảy ra sự việc.

Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, nơi xảy ra sự việc.

Dùng bằng giả để xin việc

Theo bác sĩ Dương Văn Hóa, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, cuối tháng 6/2016, Bệnh viện nhận được hồ sơ xin việc có tên Nguyễn Văn Thủ (SN 21/11/1992, nơi sinh xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định), trình độ chuyên môn bác sĩ đa khoa, hình thức đào tạo chính quy, tốt nghiệp khóa học 2010 - 2016 tại Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh.

Bằng tốt nghiệp số hiệu 0084108, số vào sổ cấp bằng 1026/ĐH16, ký ngày 27/5/2016. Theo phiếu điểm, Nguyễn Văn Thủ là sinh viên lớp BS2, điểm trung bình chung là 8,5 tính theo thang điểm 10.

Ngày 30/6, Nguyễn Văn Thủ được ký hợp đồng thử việc, thời hạn hợp đồng từ 1/7 đến 31/8/2016. Cũng trong ngày này, Giám đốc Hóa đã ký quyết định phân công “bác sĩ” Thủ đến nhận công tác tại Khoa Truyền nhiễm kể từ ngày 1/7.

Thời gian đầu thử việc tại bệnh viện, “bác sĩ” Thủ chấp hành tốt các quy định tại bệnh viện. Do là bác sĩ thử việc chủ yếu học việc các bác sĩ có kinh nghiệm tại Khoa Truyền nhiễm, chưa được tham gia khám bệnh cho người bệnh.

Tuy nhiên, khoảng một tuần sau, dư luận trong bệnh viện bắt đầu râm ran, nhiều người cho rằng đến tháng 6/2016, Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh chưa tổ chức tổng kết, sao sinh viên lại có bằng tốt nghiệp được.

Trong khi đó, tại huyện Vĩnh Thạnh (quê quán của Thủ), dư luận cũng xôn xao, nhiều người cho rằng Thủ không học bác sĩ sao lại có bằng bác sĩ.

“Huyện Tây Sơn giáp ranh với huyện Vĩnh Thạnh nên thông tin lan truyền rất nhanh. Một số ở người Vĩnh Thạnh trực tiếp đến bệnh viện thông tin cho chúng tôi rằng, Thủ chưa từng đi học bác sĩ nên khi biết thông tin Thủ công tác tại bệnh viện, họ rất bất ngờ. Không những thế, họ sợ Thủ không được đào tạo nhưng làm bác sĩ thì rất nguy hiểm cho người bệnh”, bác sĩ Hóa cho biết.

Theo ông Nguyễn Khắc Sâm, Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Hành chính - Quản trị, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, khi dư luận râm ran, phòng có gọi “bác sĩ” Thủ lên để hỏi cho rõ thông tin. “Bác sĩ” Thủ cho biết mình được đặc cách cấp bằng sớm vì có thành tích xuất sắc.

“Sau đó, Thủ cung cấp giấy xác nhận của Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh chứng nhận Nguyễn Văn Thủ hiện là sinh viên lớp BS02, ngành bác sĩ đa khoa. Tuy thời gian của khóa học là từ tháng 8/2010 - 5/2016, nhưng giấy lại ký ngày 11/8/2016; giấy xác nhận có chữ ký của hiệu trưởng nhưng không có tên người ký”, ông Sâm cho biết.

Trước những sự việc đáng ngờ, ngày 18/8/2016, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong đã gửi văn bản số 658/BVĐKKV-TCCB nhờ Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh xác minh.

Ngày 29/8/2016, công văn phản hồi số 840/ĐHYD-ĐT của Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh do Phó hiệu trưởng Đỗ Văn Dũng ký nêu rõ: “Bằng tốt nghiệp có số hiệu 0084108, số vào sổ 1026/ĐH16, ký ngày 27/5/2016 của Nguyễn Văn Thủ không do ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh cấp và không có tên trong danh sách công nhận tốt nghiệp bác sĩ đa khoa”.

Bác sĩ Dương Văn Hóa cho biết: “Từ công văn phản hồi của Trường ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi có đủ cơ sở để khẳng định bằng bác sĩ của Nguyễn Văn Thủ là bằng giả”.

Bằng bác sĩ đa khoa giả của Nguyễn Văn Thủ.

“Biến mất” sau khi bị lộ tẩy

Theo bác sĩ Dương Văn Hóa, đến nay thông tin Thủ sử dụng bằng giả để xin việc đã lan truyền nhanh trong bệnh viện, cũng như người dân ở huyện Tây Sơn và Vĩnh Thạnh. Cũng từ ngày phát hiện sự việc, Thủ chưa lần nào xuất hiện tại bệnh viện. Bệnh viện cũng đã đến địa phương xác minh nhưng không gặp được Thủ.

Bác sĩ Hóa cho biết: “Sau khi phát hiện sự việc, Thủ “biến mất”. Chúng tôi liên lạc qua số điện thoại nhưng thuê bao liên lạc không được. Chúng tôi cũng đến địa phương tìm gặp nhưng không ai biết Thủ ở đâu”.

“Việc tuyển dụng Thủ vào làm việc tại bệnh viện là một sai sót của bộ phận tuyển dụng. Sau sự việc này, bệnh viện sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc trong khâu tiếp nhận nhân sự, đặc biệt là kiểm tra kỹ các loại văn bằng. Đồng thời, ghi nhận, lắng nghe ý kiến phản hồi từ dư luận để có những bước điều chỉnh kịp thời”, bác sĩ Hóa cho biết.

Bác sĩ Hóa cũng cho hay, sau sự việc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đại diện Công an huyện Tây Sơn cho biết, cơ quan này đã nhận được hồ sơ từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong về hành vi sử dụng bằng giả của Nguyễn Văn Thủ. Hiện cơ quan đang vào cuộc điều tra, làm rõ hành vi trên.

Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định xác nhận, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong vừa phát hiện một trường hợp bác sĩ sử dụng bằng giả để xin việc.

“Sở Y tế Bình Định xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến ngành y nên cần phải hành động ngay để ngăn chặn các vụ việc tương tự tái diễn”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng cho biết thêm: “Theo quy định của ngành y tế, thời gian thử việc của bác sĩ tại các bệnh viện phải là 12 tháng. Trong thời gian này, bác sĩ thử việc chưa được thăm khám hay điều trị cho người bệnh.

Trong vụ việc này, Ban giám đốc của Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong phát hiện kịp thời và có hình thức xử lý ngay nên chưa gây hậu quả gì. Hiện Ban giám đốc bệnh viện đã chấm dứt hợp đồng đối với Thủ. Cũng theo báo cáo từ bệnh viện, từ khi vụ việc bị phát giác, Thủ không còn đến bệnh viện”.

“Sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong là một kinh nghiệm cần phải rút ra bài học sâu sắc không chỉ đối với bệnh viện trên, mà cả toàn ngành y tế Bình Định trong việc kiểm tra, thẩm định bằng cấp người xin việc, tiếp nhận nhân sự y, bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế. Nếu như việc này làm không cẩn thận sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm cho người bệnh, gia đình và xã hội”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho hay, hiện Sở Y tế Bình Định đã yêu cầu các bệnh viện trong toàn tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra xem có tồn tại trường hợp tương tự hay không.

“Sau sự việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong, Sở Y tế cũng đã yêu cầu tất cả các bệnh viện trong toàn tỉnh phải rà soát thật kỹ lưỡng, nếu có tình trạng tương tự thì xử lý ngay, nhằm tránh làm ảnh hưởng đến toàn ngành y tế, cũng như gây bức xúc trong dư luận”, ông Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, ngày 28/10, Sở Y tế Bình Định đã phát đi văn bản gửi đến Sở Y tế các tỉnh, thành trong cả nước để cảnh báo việc Bệnh viện Đa khoa khu vực Phú Phong phát hiện một trường hợp sử dụng bằng bác sĩ giả để xin việc. Điều đáng nói bằng giả này lại là loại giỏi. Đây là lần đầu tiên ngành y tế Bình Định xảy ra sự việc này.

Trong văn bản, Sở Y tế Bình Định cũng cảnh báo hiện đang có một số người mua bằng bác sĩ giả rồi làm hồ sơ, xin vào làm việc tại các bệnh viện cấp huyện. Nếu các bác sĩ dỏm này lọt vào ngành y tế thì sẽ vô cùng nguy hiểm, gây ra hậu quả khó lường khi khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Nhuận Oanh - Đại Chơn

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/camera-benh-vien/bac-si-bien-mat-sau-khi-bi-phat-hien-xai-bang-gia-303877.html