Bác sĩ bị cấm hiến máu giúp bệnh nhân mắc virus vì là người đồng tính

Huyết tương từ người đã khỏi bệnh giúp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nhiễm virus. Tuy nhiên, một bác sĩ ở Mỹ đã hồi phục không được phép làm vậy vì là người đồng tính nam.

Jack Turban, một bác sĩ ngoại trú ở Bệnh viện bang Massachusetts (Mỹ) từng mắc virus corona chủng mới, lên tiếng phản đối sau khi bị từ chối hiến máu để phục vụ việc chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.

Lý do nằm ở việc anh là người đồng tính.

Hồi đầu tháng 4, Turban gặp các triệu chứng như ho nhẹ và sổ mũi. Nghĩ mình chỉ bị cúm mùa, nam bác sĩ không mấy lo lắng, cho đến ngày hôm sau, khi anh cảm thấy đau đầu và cơ thể rã rời.

 Jack Turban, một bác sĩ ở Mỹ bị từ chối hiến máu vì là người đồng tính. Ảnh: Twitter.

Jack Turban, một bác sĩ ở Mỹ bị từ chối hiến máu vì là người đồng tính. Ảnh: Twitter.

Là một bác sĩ, Turban được yêu cầu xét nghiệm trước khi quay lại làm việc tại phòng cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh dương tính với Covid-19.

May mắn mỉm cười với Turban khi cơ thể anh nhanh chóng bình phục. Sau khi khỏi bệnh, nam bác sĩ tự nguyện hiến tặng máu của mình để cứu giúp những người bệnh khác.

Nhưng vì là người đồng tính, mong muốn của anh không thể thực hiện.

Năm 1985, trong bối cảnh đại dịch AIDS xảy ra, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ban lệnh cấm hiến máu đối với tất cả đàn ông từng quan hệ đồng giới. Chính sách này được thiết lập để giảm thiểu rủi ro số máu thu thập được có chứa HIV.

“Chính sách hiện tại của FDA là phân biệt đối xử và không dựa trên khoa học. Trên thực tế, người đồng tính nam chiếm tỷ lệ cao trong các trường hợp nhiễm HIV mới mỗi năm. Nhưng nguy cơ nhiễm HIV từ việc truyền máu ở mức rất thấp, tỷ lệ 1/1,5 triệu. Vấn đề là việc đồng tính nam không phải là yếu tố rủi ro thực sự ở đây”, Turban nhấn mạnh.

Việc sử dụng huyết tương từ những người đã khỏi bệnh trước đó được coi là cách hiệu quả để chữa trị cho bệnh nhân vẫn đang chiến đấu với Covid-19 ở thời điểm hiện tại. Ảnh: Reuters.

Năm 2015, dưới thời Tổng thống Obama, FDA giảm lệnh cấm suốt đời xuống 12 tháng. Đầu tháng này, 3 tháng là khoảng thời gian FDA đặt ra khi người đồng tính muốn đi hiến máu.

“Việc thay đổi của FDA là một bước tiến tốt nhưng chưa đủ. Nó vẫn sẽ gieo rắc suy nghĩ việc quan hệ đồng giới nam là tội lỗi và khiến tâm lý kỳ thị với đối tượng này nặng thêm”, Turban cho hay.

“Thay vì cấm người đồng tính nam hiến máu, chúng ta cần hỏi họ các thông tin cần thiết như việc sử dụng bao cao su, số lượng bạn tình, những thứ hữu ích để ngăn ngừa HIV”, anh nói thêm.

Hôm 27/3, nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đưa ra kết quả 10 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở tình trạng nguy kịch đã hồi phục nhanh chóng sau khi được điều trị bằng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh trước đó.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ cũng phê chuẩn sử dụng phương pháp huyết tương trong thử nghiệm lâm sàng cũng như cho các bệnh nhân nguy kịch khi các phương pháp khác không phát huy hiệu quả.

“Việc hiến máu đã giảm mạnh kể từ khi dịch Covid-19 tấn công. Lực lượng y tế đang hết sức kêu gọi những người khỏi bệnh hiến tặng huyết tương để phục vụ điều trị. Họ cần hiểu rằng những người đồng tính như tôi rất muốn giúp đỡ. Dỡ bỏ lệnh cấm này có thể cứu được nhiều mạng sống”, nam bác sĩ kết luận.

Hóa trang thành lính Stormtrooper trong Star Wars để đi siêu thị Chàng trai ở Anh diện trang phục lính Stormtrooper trong loạt phim Star Wars nổi tiếng để đi mua nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Cẩn thận hơn, anh chàng còn đeo thêm khẩu trang.

Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-si-bi-cam-hien-mau-giup-benh-nhan-mac-virus-vi-la-nguoi-dong-tinh-post1075155.html