Bác sĩ ám ảnh khi cấp cứu cho hai bé trai bị chó nhà tấn công

Các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) vừa trực tiếp điều trị cho một bệnh nhi mất mũi, một bé nguy kịch vì bị chó nhà tấn công vào mặt, cổ.

Sáng 11/1, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), cho biết vừa cấp cứu cho hai bé trai bị chó nhà cắn.

Bệnh nhi đầu tiên là Lê Nguyễn Tường Nguyên (3 tuổi, ngụ Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng mất một phần cánh mũi, phần mũi và miệng dập nát.

Bé trai bị chú chó cắn đứt lìa phần mũi đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: Phú Mỹ

Sau sự việc, gia đình đưa bé vào bệnh viện sơ cứu đồng thời lấy phần thịt bị đứt rời bỏ vào thùng đá bảo quản rồi chuyển bé xuống TP.HCM tiếp tục cấp cứu. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các bác sĩ đánh giá vết thương, xử lý phần thịt bị đứt rời để phẫu thuật tạo hình đắp lại phần cánh mũi. Các bác sĩ tiên lượng phần cánh mũi được nuôi sống khoảng 50/50. Nếu thất bại, họ sẽ tiếp tục dùng sụn tai để đắp vào mũi. Bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt, dùng kháng sinh, chống nhiễm trùng bằng cách thay băng gạc thường xuyên.

Ông Lê Viết Hùng, cha của bệnh nhi, cho hay hàng ngày thấy chú chó nuôi trong nhà hiền lành, thân thiện nên không xích lại. Khi bé Nguyên cầm chiếc đũa đùa giỡn, con chó nhảy vào cắn khiến em bị thương. Do quãng đường di chuyển từ Đắk Lắk đến TP.HCM kéo dài hơn 12 tiếng, phần thịt bảo quản đã qua thời gian vàng nên bác sĩ chỉ sử dụng một phần để đắp vào vết thương.

Bệnh nhi thứ hai cũng nhập viện sau khi bị chó nhà tấn công là Nguyễn Tiến Đồng (5 tuổi, ngụ Long Thành , Đồng Nai). Bệnh nhi bị hai chú chó béc-giê cắn vào phần cổ, đùi.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bé được chẩn đoán suy hô hấp, tràn khí màng phổi 2 bên, tràn khí trung thất. Các bác sĩ đã dẫn lưu màng phổi, hồi sức nội khoa. Sau khi bé có dấu hiệu thở lại, Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất chuyển bé sang Bệnh viện Nhi Đồng 1 để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Hiện, bé Đồng vẫn phải thở máy và chăm sóc tại khoa Hồi sức ngoại. Bác sĩ cho biết trong 2-3 ngày tới bé có thể cai máy thở.

Bé trai bị 2 chó béc-giê cắn vào cổ đang được thở máy, theo dõi tại khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Ảnh: Phú Mỹ

Bà Nguyễn Thị Vốc (42 tuổi, ngụ Đồng Nai), mẹ của bệnh nhi, chia sẻ: "Hàng ngày hai chú chó ở nhà không dám cào hay cắn bé, không hiểu vì sao khi tôi vắng nhà, nó lại hung dữ đến vậy". Lúc phát hiện, cha của bệnh nhi chỉ kịp hô hấp, cầm máu rồi chuyển con đến bệnh viện.

Bác sĩ Trần Tuấn Như, Trưởng khoa Tai - Mũi - Họng chia sẻ: "Trường hợp hai bệnh nhi bị thú cưng cắn khiến chúng tôi ám ảnh, nhất là vết thương của bé Nguyên, phần mũi bị đứt lìa, phần mô bị dập nát nhiều, thời gian vàng đã mất khiến vết thương không được cứu chữa hoàn toàn. Đối với bệnh nhi Đồng, về mặt thẩm mỹ, bé không gặp không nguy hại song em bị chó cắn vào cổ gây tràn dịch màng phổi nếu không cấp cứu kịp thời khó lòng giữ tính mạng"

Chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ không nên cho con cái chơi gần thú cưng đặc biệt là chó mèo. Thông thường, miệng của chó có chất dịch nhầy chứa nhiều vi khuẩn, nanh vuốt sắc nhọn có thể làm trẻ bị thương. Đặc biệt, các bé còn quá nhỏ khi bị vật nuôi cắn vào mặt sẽ khó phẫu thuật thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sự tự tin sau này của trẻ trong cuộc sống.

* Tên bệnh nhi đã được thay đổi

Phú Mỹ

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bac-si-am-anh-khi-cap-cuu-cho-hai-be-trai-bi-cho-nha-tan-cong-post810983.html