Bác sĩ 9X và những ngày chiến đấu với đại dịch Covid-19

Những tháng ngày chiến đấu với dịch Covid-19, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc (sinh năm 1990) - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư không chỉ giành giật sự sống cho bệnh nhân (BN) mà trên đôi vai anh còn là cả niềm tin, sự kỳ vọng của người dân với y học nước nhà.

“Trắng đêm” giành giật sự sống cho bệnh nhân

Đến Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, nhiều BN không còn lo sợ hay hồi hộp như trước. Nhưng khi chứng kiến hình ảnh những BN nặng nơi lằn ranh giữa sự sống và cái chết, họ được quấn quanh mình bởi mớ dây chằng chịt, kèm tiếng máy thở… cảm giác đau nhói lồng ngực lại bao quanh chúng tôi.
Hướng ánh mắt về phía BN, bác sĩ Phúc chia sẻ, các ca cấp cứu, hồi sức cứ ra vào liên tục. Thời gian này, khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát, công tác điều trị của các bác sĩ tại khoa đỡ vất vả hơn khi không phải mang theo những bộ đồ bảo hộ. “Với bác sĩ, chuyện trực dịch Covid-19 hay trực ngày nghỉ lễ, Tết là chuyện rất bình thường. Nên chúng tôi lúc nào cũng trong tinh thần sẵn sàng. Trong trường hợp có BN Covid-19 nặng, khoa sẵn sàng giải tán để thiết lập lại phòng điều trị BN”- bác sĩ Phúc chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Bằng khen cho bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Trần Thảo

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trao Bằng khen cho bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Trần Thảo

Trong cuộc chiến với dịch Covid-19, bác sĩ Phúc và đồng nghiệp đã phải trải qua nhiều thời điểm cam go, căng thẳng, lo âu. Nhất là thời gian trước đó, khi gặp những BN nặng đầu tiên được chuyển lên khoa, vị bác sĩ trẻ cảm thấy lo lắng vô cùng. Nhiều đêm trực, bác sĩ chẳng thể chợp mắt nổi khi người bệnh rơi vào trạng thái nguy kịch. Khó khăn, căng thẳng, có lúc tưởng chừng như phải buông tay nhưng bác sĩ Phúc và đồng nghiệp không chịu đầu hàng. Họ đã đấu trí với tử thần đề giành sự sống cho BN. “Trường hợp tôi nhớ nhất là khi BN19 (64 tuổi) nhập viện, một trong những BN có tình trạng nặng nhất trong số các ca mắc Covid-19 phải can thiệp thở máy xâm nhập, ECMO (tim phổi nhân tạo). Thời điểm đó, BN19 ngừng tuần hoàn 1 lần trong khoảng 45 phút. Chúng tôi phải sốc điện đến 3 lần mới tạo được nhịp độ ổn định hơn. Việc cấp cứu ngừng tuần hoàn cho BN trong vòng 45 phút thực sự là khủng khiếp. Nhưng đây cũng không phải lần đầu tiên, chúng tôi đối diện trực tiếp với “tử thần” để giành sự sống cho BN”- bác sĩ Phúc nhớ lại.
Trăn trở tìm ra phác đồ điều trị
Trong đợt dịch, những BN mắc Covid-19 đều phải cách ly với người nhà, người bệnh an thần thì không sao, còn những trường hợp khác sẽ có triệu chứng như hoảng loạn. Khi ấy, anh vừa là bác sĩ, vừa đóng vai trò như người thân thay gia đình chăm sóc BN. Ngoài sử dụng thuốc, bác sĩ Phúc giúp BN kết nối với người nhà qua điện thoại để họ được động viên, chia sẻ. Khi đó, họ sẽ có thêm tinh thần để vượt qua dịch bệnh.
Ở thời điểm ấy, những bác sĩ, cán bộ y tế tiếp xúc điều trị cho BN mắc Covid-19 nặng được tính là F1, phải cách ly tuyệt đối, gần như không tiếp xúc với đồng nghiệp khác, lẫn người ngoài. Thế nên, bác sĩ Phúc cùng nhiều nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị BN Covid-19 đã tạm quên gia đình để cứu người bệnh. “Áp lực công việc, cùng với những lo lắng, trăn trở để tìm ra phác đồ điều trị cho những ca bệnh nặng đã cuốn tôi vào guồng quay công việc, quên đi nỗi nhớ nhà" - bác sĩ Phúc tâm sự.
Là bác sĩ cách ly điều trị trực tiếp cho các BN Covid-19 nặng và nguy kịch vào khoa, bác sĩ Phúc cùng với nhân viên y tế triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao để điều trị cho BN nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp thu phân tử (lọc Cytokines); trao đổi oxy qua màng ngoài ngoài cơ thể (ECMO). Nhờ đó, toàn bộ các BN nguy kịch khi điều trị tại khoa đều được khỏi bệnh, trong đó có cả những BN rất nặng, có tình trạng suy đa tạng, từng có ngừng tuần hoàn vẫn được cứu sống. Ít ai biết, chàng trai trẻ 9X này vừa là bác sĩ, vừa tích cực tham gia các nghiên cứu khoa học về bệnh do SARS-CoV2 gây ra. Anh còn thường xuyên tham gia hoạt động đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp nhằm trang bị kiến thức cơ bản cũng như kinh nghiệm thực tế cho các đồng nghiệp ở tuyến cơ sở.

Với những cống hiến cho cộng đồng, đặc biệt là trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/bac-si-9x-va-nhung-ngay-chien-dau-voi-dai-dich-covid-19-414065.html