Bắc Ninh: Về bên kia sông Đuống nghe câu ca Quan họ

Phía bờ nam sông Đuống với bao di tích huyền thoại còn được lưu giữ không chỉ trở thành địa danh du lịch hút khách mà ngày nay di sản văn hóa Quan họ Bắc Ninh còn được người dân nơi đây thực hành, gìn giữ và phát huy.

Một tiết mục Quan họ của huyện Thuận Thành tại hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh

Quan họ vùng nam Đuống
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, sông Đuống vẫn “trôi đi một dòng lấp lánh” ôm ấp, chở che đất và người phía bờ nam sông Đuống gồm 3 huyện: Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài. Nếu có dịp về bên kia sông Đuống, du khách hãy dừng chân nghe Quan họ do những liền anh, liền chị ở các làng Quan họ thực hành biểu diễn để không hoài phí một chuyến đi. Vừa có dịp trải nghiệm tìm hiểu Quan họ bờ nam Đuống, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi các thôn, xóm nơi đây đều có các tổ, đội, nhóm, CLB sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và điều đặc biệt là các thành viên đều đang rèn luyện hát dân ca Quan họ. Từ cụ già ngoài 70 tuổi đến các em thiếu nhi 5, 6 tuổi cũng hát Quan họ. Quan họ được biểu diễn ở đám cưới, mừng thọ, các chương trình văn nghệ địa phương dân dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, ngày hội làng, xã.
Trò chuyện với Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm (Gia Bình) Nguyễn Thị Hồng La, tôi càng hiểu hơn sức sống và sự lan tỏa của Quan họ trong cộng đồng. Bà La chia sẻ: Là làng nghề 80% người dân làm nghề may mặc, nhưng họ rất yêu văn hóa, văn nghệ. Một năm ít nhất chúng tôi biểu diễn 3 lần vào ngày hội chùa, đình, đền của thôn. Khoảng 10 năm về trước chủ yếu là CLB diễn các vở chèo cổ, trích đoạn chèo nhưng 5-7 năm trở lại đây xu hướng đã thay đổi nhiều, người dân yêu thích Quan họ nên chúng tôi chăm chỉ tập luyện hát Quan họ để phục vụ công chúng.

Nghe liền chị Hồng La hát Quan họ khi tôi yêu cầu được thưởng thức thật khó lòng mà dứt ra được: Người ơi người ở đừng về/Người về em dặn người rằng/Đâu hơn người kết đâu bằng đợi em/Người về em vẫn khóc thầm/Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa… Bản thân là người yêu chèo được theo chị gái đi hát chèo từ nhỏ, nhưng ý thức được trách nhiệm gìn giữ di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh nên bà La cùng 25 thành viên trong CLB đã quyết tâm học hỏi, rèn luyện các làn điệu Quan họ cổ dễ thuộc, dễ hát và rồi bà cũng yêu Quan họ như món ăn tinh thần thứ hai cùng với chèo. “Không phải làng Quan họ gốc, không có người dìu dắt, truyền dạy nhưng ngày nay, các thành viên có nhiều thuận lợi là được học Quan họ qua internet, băng, đĩa. Vì thế, có thể câu ca chưa được nhuần nhuyễn, “vang, rền, nền, nảy” như các nghệ nhân Quan họ nhưng bằng tấm lòng của mình chúng tôi vẫn kiên trì, bền bỉ học hỏi hàng ngày. Tự học nhưng mỗi thành viên trong CLB Đàn hát dân ca thôn Ngăm Lương cũng có vốn Quan họ vài chục bài để đi giao lưu biểu diễn sân khấu với các CLB bạn từ Hải Phòng, Hải Dương đến các CLB trong và ngoài huyện” Bà La chia sẻ.
Dân ca Quan họ ngày nay đã trở thành món ăn tinh thần thân thuộc với mỗi người dân nơi đây. Họ không chỉ hát Quan họ mà còn ngấm dần phong cách lịch lãm để học cách “chơi Quan họ” sao cho tinh tường. Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp gặp liền anh Tống Đức Tám, 62 tuổi ở Lương Tài tại nhà riêng. Đón khách, anh cũng ca câu Quan họ “Mời nước, mời trầu”: Mấy khi khách đến chơi nhà/Đốt than quạt nước pha trà em mời người xơi/Trà này quý vậy người ơi/Mỗi người mỗi chén cho em vui lòng…”. Lời bài hát không nhạc đệm như rót vào tâm hồn người nghe, ngọt ngào, đằm thắm.
Liền anh Đức Tám bộc bạch: “Tôi theo anh trai và cô đi hát Quan họ từ nhỏ nên yêu say lúc nào không hay. Ngày mười tám đôi mươi còn theo cô đi giao lưu Quan họ ở các làng gốc trên thành phố Bắc Ninh nên tôi biết hát đối đáp thế nào, hát trên sân khấu ra sao? Khi hát ca từ luyến láy ở câu nào để đạt độ rền, vang…”. Liền anh Tống Đức Tám là một trong những thành viên nòng cốt truyền dạy Quan họ cho các thành viên trong CLB Dân ca Quan họ của thôn Văn Phạm, xã Lai Hạ. Vốn liếng Quan họ thuộc nằm lòng của anh khoảng 40 đến 50 bài Quan họ cổ nhưng để hát được thì số làn điệu cũng hơn thế.
Dù đi đâu cũng hát Quan họ
Sau hơn 10 năm Dân ca Quan họ được UNESCO vinh danh, khẳng định sự trường tồn và lan tỏa của di sản văn hóa Quan họ. Suốt dọc bờ nam sông Đuống không có làng Quan họ gốc nhưng đến nay có 65 làng được công nhận là làng Quan họ thực hành, trong đó huyện Thuận Thành có 6 làng, Gia Bình 27 làng, Lương Tài 32 làng. Điều đáng mừng là sau khi được công nhận là làng Quan họ thực hành các CLB ngày càng tích cực tập luyện say mê, bởi có sự động viên hỗ trợ kịp thời của tỉnh. Để các liền anh, liền chị thực hành hát Quan họ không bị sai làn điệu, cách hát, hàng năm, Trung tâm Văn hóa-Thể thao của 3 huyện đều phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh mở các lớp truyền dạy Quan họ. Mỗi lớp truyền dạy thường từ 50 đến 100 học viên, hầu hết các địa phương đều cử thành viên ở các tổ, đội, nhóm, CLB văn nghệ tham gia. Việc truyền dạy được các cán bộ Trung tâm Văn hóa tỉnh soạn giáo án chi tiết, cụ thể từ làn điệu Quan họ cổ dễ hát đến làn điệu khó.
Đánh giá về việc thực hành gìn giữ di sản Quan họ bờ nam sông Đuống, bà Lê Thị Ngọc Lương, Trưởng Phòng Nghệ thuật quần chúng (Trung Tâm Văn hóa tỉnh) cho biết: Những năm gần đây phong trào văn nghệ quần chúng các huyện bờ nam sông Đuống phát triển mạnh mẽ, sôi nổi, trong đó chất lượng hát Quan họ được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua hội thi đầu xuân ở nội dung sân khấu ca nhạc Quan họ. Tuy nhiên hát Quan họ truyền thống theo lề lối còn gặp khó khăn, do số thành viên hiểu và thuộc cách hát, cách chơi Quan họ còn ít, trong khi đó để tổ chức canh hát vốn liếng Quan họ của CLB phải tương đối. Điều này cần sự đam mê của thành viên các CLB, bởi học Quan họ cổ cần sự kiên trì, bền bỉ. Thời gian tới, Trung tâm Văn hóa tỉnh cũng có định hướng phối hợp với các huyện nam Đuống đưa Quan họ truyền thống đến các CLB, tập luyện cho các thành viên học hát đối đáp…
Dù không được sinh ra ở làng Quan họ gốc nhưng những người con quê hương phía bờ nam sông Đuống vẫn đau đáu một trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Tuy nhiên ngoài học ca Quan họ, những liền anh, liền chị vẫn luôn có ý thức học cả lối chơi văn hóa để rồi đi đâu cũng hát, cũng chơi Quan họ cho trọn nghĩa vẹn tình.
Khi Quan họ sinh sôi nảy nở trên miền đất mới và được vun trồng chăm sóc đúng cách ắt sẽ cho ra quả ngọt. Quan họ với sức sống bất diệt sẽ ngày càng lan tỏa, số lượng người thực hành cũng sẽ không ngừng tăng lên và du khách về bên kia sông Đuống lại được thưởng thức những làn điệu Quan họ mượt mà, đằm thắm, ngân vang để rồi lại vương vấn khôn nguôi khi nghe câu Quan họ “người ơi người ở đừng về...”.

Minh Hường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/ve-ben-kia-song-duong-nghe-cau-ca-quan-ho-80215