Bắc Ninh: Ươm mầm nghệ thuật

Không phải đợi đến mùa hè thiếu nhi mới có cơ hội được trải nghiệm hoạt động năng khiếu nghệ thuật mà bây giờ, xu hướng cho con học nghệ thuật để giải trí, thư giãn và xua tan áp lực học tập căng thẳng đang được nhiều phụ huynh quan tâm ngay giữa năm học chính khóa.

Ươm mầm non nghệ thuật góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của quê hương, đất nước

Con vừa bước vào lớp 1, thông thường các phụ huynh thường tập trung tìm lớp rèn chữ, luyện đọc cho con nhưng chị Trương Thị Oanh, Ninh Xá (thành phố Bắc Ninh) lại đang hỏi han khắp nơi tìm lớp cho con gái học múa, học vẽ. “Vốn là một cô bé hiếu động, đang quen nếp học ở trường mầm non, thường xuyên được tham gia các hoạt động vui chơi múa hát, nay bước vào môi trường học tập mới luôn phải duy trì nền nếp chỉn chu, gò bó trong khuôn khổ nên dường như con gái mình đang gặp phải một chút vấn đề tâm lý. Mình muốn đăng kí cho con tham gia các lớp học nghệ thuật để con được thư giãn, giảm bớt áp lực học tập...” - chị Oanh bộc bạch.
Chẳng riêng chị Oanh mà ngày càng nhiều phụ huynh quan tâm đầu tư cho con em theo học các bộ môn năng khiếu nghệ thuật như: Học đàn Piano, Organ, Guitar, Cảm thụ âm nhạc, Thanh nhạc, Nhạc cụ dân tộc, Múa, Dancesport, Dẫn chương trình, Mỹ thuật, Thiết kế thời trang...
Thầy giáo Nguyễn Văn Khánh, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Bắc Ninh cho biết: Hàng năm, nhà trường vẫn mở các lớp dạy thanh nhạc, múa, hội họa, dân ca Quan họ, các loại nhạc cụ truyền thống vào dịp hè. Các bậc phụ huynh cho con học nghệ thuật phần lớn không phải họ nuôi ước vọng con em mình trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ hay diễn viên... mà đơn giản họ chỉ muốn cho những thiên thần nhỏ của mình được tiếp cận và thư giãn với nghệ thuật, xem nghệ thuật như một chất xúc tác làm cho cuộc sống thêm vui tươi, ý nghĩa. Nếu phụ huynh có nhu cầu vẫn có thể liên hệ với nhà trường để được tư vấn, giới thiệu những thầy cô có trình độ chuyên môn cao, có kĩ năng sư phạm, biết cách khơi dậy, nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật.

Thầy giáo Vương Quốc Việt tận tình dẫn dắt từng nốt nhạc cho trẻ em khu vực nông thôn ở các huyện Thuận Thành, Tiên Du, Quế Võ...

Nhiều năm gần gũi truyền dạy, uốn nắn cho học trò từng câu hát, điệu múa đến cách đi đứng, biểu diễn, Thạc sĩ, ca sĩ Chu Phương Anh, cô giáo có thâm niên dạy thanh nhạc cho thiếu nhi khu vực thành phố Bắc Ninh chia sẻ: “Nếu trẻ được giáo dục nghệ thuật sớm với phương pháp phù hợp, sáng tạo thì trẻ sẽ không đánh mất tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề khi bước vào tuổi trưởng thành tự lập cuộc sống. Học nghệ thuật giúp các con biết thưởng thức vẻ đẹp, hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Và một điều tôi luôn tin tưởng rằng, học trò của mình cũng như những người hoạt động nghệ thuật thường giàu có về mặt cảm xúc, được bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách nên sẽ không bao giờ làm điều xấu hay có ý định làm hại người khác...”.
Lâu nay, khi đề cập đến câu chuyện bồi dưỡng, giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi, trong suy nghĩ nhiều người vẫn cho rằng đó là “lãnh địa xa xỉ” dành cho trẻ em thành phố, nơi có cung thiếu nhi, nhà văn hóa và các trung tâm nghệ thuật thanh thiếu niên. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu này cũng đang phát triển mở rộng ở khu vực nông thôn. Nhiều cơ sở đào tạo, các giáo viên thanh nhạc, mỹ thuật cũng mở lớp bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các bậc phụ huynh có thêm sự lựa chọn.
Trung tâm Nhạc Việt (thị trấn Hồ, Thuận Thành) hoạt động được 4 năm, trung bình mỗi năm thu hút từ 70-80 học sinh trong huyện và một số con em ở các xã lân cận thuộc huyện Tiên Du, Quế Võ. Thầy giáo Vương Quốc Việt - người thành lập và dẫn dắt những nốt nhạc xinh ở Trung tâm Nhạc Việt cho rằng: Việc xuất hiện nhiều lớp đào tạo nghệ thuật là dấu hiệu tốt, cho thấy người dân ngày càng quan tâm đời sống tinh thần, hướng con mình trở thành người toàn diện, giỏi học, giỏi chơi và biết thư giãn với âm nhạc, nghệ thuật… Sau gần 20 năm giảng dạy tại các trung tâm âm nhạc bên Hà Nội, trở về địa phương, tôi mới chợt nhận ra học trò ở nông thôn thiệt thòi quá. Các em rất ít được quan tâm, bồi dưỡng đời sống tâm hồn, cảm xúc mà lẽ ra ở tuổi các em phải được đánh thức và phát huy. Vì lẽ đó, tôi bàn với vợ cũng là giáo viên âm nhạc quyết định mở lớp dạy đàn piano với mong muốn tạo cơ hội cho học trò vùng nông thôn được tiếp cận nhiều hơn với âm nhạc”.
Như vậy, các thầy cô giáo giảng dạy bộ môn âm nhạc, mỹ thuật, diễn xuất mà bấy lâu xã hội vẫn nhìn nhận như là các môn học phụ ở trường phổ thông lại chính là lực lượng quan trọng đang ngày đêm bền bỉ ươm trồng những mầm xanh nghệ thuật, bồi dưỡng tâm hồn, nâng tầm nhân cách cho các thế hệ học trò. Các thầy cô góp phần không nhỏ vào quá trình bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của quê hương, dân tộc, đồng thời cũng là những người đầu tiên phát hiện hạt nhân văn nghệ, tài năng nghệ thuật để định hướng đào tạo, bổ sung lực lượng nghệ sĩ trẻ cho các loại hình nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, trải nghiệm văn hóa nghệ thuật ngày càng cao của xã hội.
Không nhận về mình trọng trách lớn lao ấy, thầy giáo, nhạc sĩ Vương Quốc Việt chỉ tâm niệm: “Trong cuộc sống này, mỗi người là một mảnh ghép, chúng ta chỉ cần đứng đúng vị trí của mình, nỗ lực làm tròn trách nhiệm thì nhất định sẽ tạo ra giá trị, góp phần hoàn thiện bức tranh cuộc sống đầy màu sắc và ý nghĩa...”.
Giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi giống như bổ sung một “vitamin” thiết yếu cho tâm hồn, gieo niềm hạnh phúc, hình thành lối sống đẹp, biết yêu thương, gắn kết, sẻ chia nhiều hơn trong mỗi đứa trẻ. Không chỉ đánh thức lòng trắc ẩn mà còn giúp các em rèn luyện kĩ năng thuyết trình, biểu diễn, tăng tính tự tin, mở rộng khả năng giao tiếp xã hội... Tất nhiên, với những bạn có năng khiếu nghệ thuật sẽ được khơi dậy đam mê, được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, phát huy năng lực bản thân để nếu yêu thích sẽ được định hướng theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp.
Hơn nữa, văn hóa nghệ thuật còn là một trong những cầu nối quan trọng giúp mọi người gia tăng sự hiểu biết và tôn trọng nền văn hóa của quê hương, dân tộc mình. Những giá trị nghệ thuật mang lại càng có ý nghĩa trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện và từ đó tăng khả năng thích ứng, hòa nhập trong thời đại hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Thanh Lâm

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-uom-mam-nghe-thuat-80532