Bắc Ninh: Người khai mở truyền thống khoa bảng làng Phương Triện

Thôn Phương Triện thời xưa có tên khác là Bảo Triện, đơn vị cấp xã của tổng Đại Lai, huyện Gia Bình.Đây là làng quê thuần nông, nhưng địa linh sinh nhân kiệt. Làng có tới 6 vị đỗ đại khoa, trong đó 2 vị họ Phạm là cha con, cha làm quan đến đại thần Đô Ngự sử đài, con làm quan đến chức Tể tướng; 4 vị họ Trần là cha con, ông cháu và hai anh em ruột đỗ đồng khoa, cùng làm quan tới chức Thượng thư, cháu là trụ cột triều Lê mạt và là tác gia văn học nổi tiếng. Sáu vị đó là: Phạm Công Thiện, Phạm Khiêm Ích, Trần Phụ Dực, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Án. Theo 'Gia phả' họ Trần, đất địa linh là do hưởng hơi ấm mạch núi Thiên Thai và con sông Lai cũng từ Thiên Thai chảy đến.

Bia Bảo Triện hậu thần

Người mở đầu truyền thống khoa bảng lẫy lừng làng Phương Triện là Hoàng giáp Phạm Công Thiện và ngài được dân tôn làm Hậu thần ngay sau khi tạ thế không lâu. Đền thờ ngài nằm ở mảnh đất đẹp, rộng rãi, cao ráo gần trung tâm làng. Tại đền có bia đá “Bảo Triện hậu thần tự sự bi” dựng năm Giáp Dần, niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734). Theo nội dung văn bia, Ngài được dân tôn gọi là “Thai công”. Ngài sinh năm Mậu Tí, niên hiệu Phúc Thái thứ 6 đời vua Lê Chân Tông (1648). Sinh thời ngài thông minh học giỏi “thần đồng”, mới 13 tuổi đã thi đỗ Hương cống. Năm 33 tuổi ngài thi đỗ Đình nguyên Hoàng giáp khoa thi Canh Thân, niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 đời vua Lê Hi Tông (1680). Sau khi thi đỗ ngài làm quan Viện hàn lâm, rồi thăng chức Tham chính sứ Thanh Hoa. Năm Canh Ngọ, niên hiệu Chính Hòa thứ 11 đời vua Lê Hi Tông ngài được phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu Ngự sử đài Đô ngự sử, tước Dụ Phúc hầu.

Ngài là bậc đức cao vọng trọng, làm quan đại thần triều đình nhưng luôn quan tâm tới dân làng, cấp nhiều tiền của, ruộng nương cho dân xây dựng và phát triển sản xuất và mở mang nền giáo dục cho dân làng, được dân ví là bậc “cao sơn cảnh hành”, chữ dùng cho bậc khai mở nghiệp học và khoa bảng. Ngài tạ thế năm Nhâm Thìn, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8 đời vua Lê Dụ Tông (1712), thọ 65 tuổi, được triều đình ban thụy là Cẩn Hậu. Nhớ ơn bậc khai khoa và đã ban lộc lớn, ba năm sau, vào năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) các sắc mục và dân làng đã họp, lập khoán ước tôn ngài là Hậu thần, thề cúng tế và tu sửa đền thờ mãi mãi. Theo văn bia, ngày giỗ Hậu dân đến đền tế lễ, trong đó con vật hiến tế là trâu (bò), cỗ bàn thịnh soạn. Ngày làng tế kì phúc (đình đám) dân phải mời đoàn hát đến đền biểu diễn. Câu đối nhà thờ có câu ca ngợi ngài như sau:

Khoa danh hiển đạt khai tiên ấp

Phúc lộc di mưu dụ hậu côn.

Nghĩa là: Ngài là người đỗ đạt cao đầu tiên của làng/Từ đó ngài để lại dư thừa phúc lộc cho con cháu.

Phạm Thuận Thành

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-nguoi-khai-mo-truyen-thong-khoa-bang-lang-phuong-trien-79878