Bắc Ninh: 'Người gieo hạt' bên sông Cầu

Học hết lớp 10, không đào tạo qua trường, lớp sư phạm nào, chỉ tự học từ những cuốn sách cũ, cựu binh Hoàng Văn Nam ở thôn Đại Lâm, xã Tam Đa, huyện Yên Phong trở thành một 'thầy giáo bất đắc dĩ', một 'người lái đò đặc biệt'... Gần 20 năm qua, ông Nam 'dẫn đường' đưa ba người con của mình bước vào giảng đường 3 trường Đại học danh tiếng. Hơn thế, 'Người thầy thợ cày' ấy còn lặng thầm gieo những hạt mầm tri thức, truyền cảm hứng học tập và chắp cánh ước mơ cho hàng trăm học trò bên dòng sông Cầu huyền thoại.

Lớp học của “thầy giáo thợ cày” Hoàng Văn Nam

Tự học để… cứu con

Một sáng thu, chúng tôi có dịp ngồi lâu lâu với cựu binh Hoàng Văn Nam, người từ hơn chục năm nay được bà con thôn Đại Lâm, xã Tam Đa (Yên Phong) thương mến gọi là “thầy giáo… thợ cày”. Tháng 9-2020, ông được UBND tỉnh tôn vinh là điển hình thực hiện tốt Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng xã hội, giai đoạn 2015-2020”. Cuộc đời ông là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, tự rèn và đóng góp cho xã hội những giá trị sống ý nghĩa, cao đẹp.

Năm 1981, sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hệ 10/10, ông Nam nhập ngũ, biên chế tại Sư đoàn Sao Vàng (Quân khu I). Đầu năm 1984, hoàn thành nghĩa vụ, ông về quê tiếp tục công việc nhà nông rồi lấy vợ, sinh con trai đầu lòng là Hoàng Văn Thành.
Những năm 1990, vùng quê Đại Lâm dù có thêm nghề nấu rượu thì cuộc sống của người dân vẫn rất chật vật, chuyện học ít được quan tâm, gia đình ông Nam không ngoại lệ.
Ông Nam trải lòng: “Vì vất vả bươn chải mưu sinh nên vợ chồng tôi chẳng mấy chú ý đến việc học của con. Đến một ngày, thấy ông bạn hàng xóm đi họp phụ huynh về kể tôi mới biết thằng con lớp 7 của mình đã… bỏ học được hai tuần! Vặn hỏi thì cu cậu thú nhận, con dốt lại lười, bị các bạn chê là “ngồi nhầm chỗ”, sợ bố đi họp xấu hổ nên con bỏ học về giúp bố mẹ việc nhà. Ở vào cái sự đã rồi, tôi không còn cách nào khác đành phải chạy vạy, vay mượn khắp làng để có tiền mua 2 con bò cho Thành chăn thả, tập làm quen theo nghiệp nhà nông”.
Khoảng non tháng sau, thấy đám trẻ cùng tuổi vẫn tíu tít đến trường trong khi thằng con mình thì nhem nhuốc, đen đủi, suốt ngày chỉ biết làm bạn với 2 con bò ở ngoài đồng, ông Nam ứa nước mắt. Nhiều đêm mất ngủ, sau đó ông quyết định dắt con đến trường xin học lại. Ông nói với con: “Từ nay bố sẽ học cùng con!”
Người cựu binh thừa nhận, mặc dù quả quyết thế nhưng cũng không biết phải bắt đầu từ đâu? Lại những đêm dài trằn trọc, miên man hồi tưởng thời hoa niên, mình cũng học rất giỏi, nhất là môn Toán. Rồi còn 3 năm quân ngũ đã giúp ông trui rèn nhiều phẩm chất đáng quý, đó là tính nền nếp kỷ luật, là ý chí quyết tâm vượt mọi gian khó.
Rồi ông lại nhớ đến tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, lúc sinh thời Người luôn đề cao tinh thần tự học. Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài, Người từng theo học nhiều Đại học danh tiếng. Thế nhưng, tháng 8-1935, khi tham dự Đại hội VII Quốc tế cộng sản tại Matxcơva, Người lại khai lý lịch như sau: Họ tên: Lin; trình độ học vấn: Tự học. Trong tác phẩm kinh điển “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Bác cũng viết: Phải lấy tự học làm cốt…
Noi gương Bác, ông Nam bàn với vợ, đi đến từng nhà trong làng để mượn SGK cũ về tự nghiên cứu. Khi sách trong làng đã cạn, ông lọc cọc đạp xe lên tận làng giấy Phong Khê tìm mua các loại sách tham khảo, sách bồi dưỡng lớp 7, vốn là phế liệu để dân làng nghề đun, đốt lò. Vậy là sau giờ con lên lớp, về nhà, hai bố con cặm cụi cùng làm văn, giải toán. Thật lạ, chỉ bằng cách tự học, tự mầy mò nghiên cứu, ông Nam thấy vỡ dần, vỡ dần khối lượng kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu của nhiều môn học, đủ để dạy và giải đáp những thắc mắc của cậu con trai lớp 7.
Để động viên con học, trước khi giảng bài, ông Nam thường kể cho con nghe những câu chuyện về tấm gương vượt khó học giỏi, từ đó khơi gợi, thức tỉnh lòng ham hiểu biết trong con. Có câu chuyện thì ông đọc trong sách cũng có những câu chuyện ông tự… sáng tác! Việc dạy và học của hai cha con không ngờ cuốn hút đến như thế, nhiều hôm ông say sưa dạy con đến 1, 2 giờ sáng. Có những đêm khuya quá, vợ phải trở dậy tắt đèn giục 2 cha con đi ngủ. Chính ông Nam cũng ngạc nhiên về bản thân. Ông từng nghĩ, có lẽ sức mạnh của tri thức đã thôi thúc, thổi bùng ngọn lửa đam mê khám phá, đào sâu kho tàng kiến thức và chinh phục những ẩn số mới! Cứ thế, chỉ sau 2 tháng, ông Nam đã hướng dẫn, giúp Hoàng Văn Thành lấp đầy phần kiến thức rỗng của lớp 7.
Cuối cùng sau bao nỗ lực tự học, tự rèn cùng quá trình vừa làm bạn đồng hành vừa là người thầy dẫn đường cho con của “ông bố thợ cày” cũng gặt những trái ngọt.
Năm lớp 8, Hoàng Văn Thành lần đầu tiên đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, hay tin, ông Nam lẳng lặng vào buồng quờ nhanh chiếc khăn thấm vội những giọt nước mắt hạnh phúc. Vậy là từ một học sinh “ngồi nhầm lớp”, Thành đã vượt lên thi đỗ THPT Hàn Thuyên với số điểm cao. Những năm học cấp 3, Thành là học sinh tiêu biểu của Trường THPT Hàn Thuyên, giỏi Toán, từng đạt giải Nhì cấp tỉnh môn Sinh học lớp 12. Năm 2002, ông Nam đón nhận hai niềm vui lớn, con trai Thành thi đỗ Đại học Y Hà Nội và con gái Hoàng Thị Duyên cũng đỗ lớp 10 chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Bắc Ninh.
Theo gương học tập của bố và hai anh chị, con trai út của ông Nam là Hoàng Văn Điệp, sinh năm 1998 cũng rất thông minh, ham học trở thành sinh viên Đại học Y Hải Phòng với 26,5 điểm, chỉ thiếu 0,25 điểm để vào Đại học Y Hà Nội.
Những “lớp học” bên sông Cầu
Nhiều năm nay, bà con làng Đại Lâm luôn xem ông Nam là tấm gương sáng nuôi dạy con cái học hành, thành đạt. Có điều hay và lạ là, trong quá trình rong ruổi tìm mua sách cũ về dạy con, nhiều cuốn dùng được, nhiều cuốn không dùng được nhưng người khác lại cần, thế là ông Nam ngẫu nhiên trở thành người buôn bán sách cũ bất đắc dĩ, giúp ông có thêm đồng ra đồng vào.
Hàng ngày, ngoài thời gian buôn bán sách cũ, con đi học, ông Nam cặm cụi đọc sách, giải toán, làm văn. Riêng môn Toán, trong quá trình tự mày mò, ông phát hiện hình như bản thân cũng có những tố chất riêng, bởi có những phần như tích phân, giải tích thời của ông không được học nhưng ông vẫn tự nghiên cứu và tìm ra nhiều lời giải hay.

Ngày ngày, “thầy giáo thợ cày” Hoàng Văn Nam vẫn miệt mài “gieo hạt, “nâng cánh những ước mơ bên dòng sông Cầu huyền thoại

Năm 2005, khi cô con gái đỗ khoa Toán, Đại học SPHN 1 với 28,5 điểm thì danh tiếng gia đình ông Nam nổi khắp trong xã ngoài huyện. Ở làng Đại Lâm, nhiều gia đình dắt con đến nhờ ông gia sư, để giỏi được như thằng Thành, cái Duyên. “Lúc đó tôi ngại lắm, không dám nhận, vì mình có bằng cấp gì đâu, chỉ toàn là tự học.” - Ông Nam bộc bạch.
Người làng thì có thể chối, nhưng trong họ thì không. Ông Nam đã dạy gần 10 đứa cháu họ, từ lớp 8 đến lớp 12, lạ thế, các cháu đều học hành tấn tới bởi cách dạy không giống ai nhưng lại rất hấp dẫn, dễ hiểu của chú Nam, bác Nam và quan trọng hơn cả là ông đã truyền cảm hứng học tập cho các cháu. Trong đám cháu trong họ ấy, nhiều em sau này đỗ cao vào nhiều trường Đại học danh tiếng như: Bách khoa HN, Kinh tế Quốc dân HN, Tài chính HN… Thấy vậy, nhiều gia đình lại dắt con đến xin học, trước tình cảm ấy, cùng là người nhà quê, ông Nam muốn chối cũng khó. Có gia đình còn tự nguyện làm giúp mấy sào ruộng để ông chuyên tâm dạy dỗ, bảo ban con cái họ; có người thì biếu gạo, rau, thậm chí đưa tiền để ông mua phấn, bảng và giấy bút…
Lúc đầu ông dạy cả Toán và Lý, cho học sinh cấp 2 và cấp 3, sau này ông chỉ tập trung dạy Toán để nâng chất lượng. Học sinh làng Đại Lâm đến học ngày càng đông, rất nhiều em thuộc đối tượng “ngồi nhầm lớp” nhưng khi được “thọ giáo” thầy Nam đã tiến bộ trông thấy.
“Nhưng làm người tốt nhiều khi cũng rất … khó!” - Ông Nam trải lòng. Chả là, khi thấy học sinh đến học nhà ông Nam đông và rất hào hứng, có giáo viên trường xã đến tận nhà cảnh báo ông đừng dạy học nữa, vì ông làm gì có kiến thức, trình độ, bằng cấp mà đòi cạnh tranh. Hóa ra, việc dạy học của ông Nam làm ảnh hưởng nhất định đến một số giáo viên cũng đang dạy thêm của nhà trường. Ông phân trần:
“Khổ, tôi nào dám cạnh tranh với ai, chỉ đơn giản là thương các cháu, thấy bố mẹ các cháu thật tâm nên mình chỉ bảo thêm cho chúng, bày cho chúng phương pháp để say mê việc học mà thôi. Lúc đầu trả bao nhiêu là tùy tâm phụ huynh, sau tôi có quy định mức thu nhưng rất thấp, những học sinh khó khăn thì tôi miễn phí hoàn toàn…”.
Hiện nay, trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Đại Lâm, bên dòng sông Cầu thơ mộng, vào các buổi chiều, người thầy giáo thợ cày Hoàng Văn Nam vẫn miệt mài truyền đạt phương pháp học Toán, giải Toán cho học sinh Đại Lâm, chủ yếu khối 11 và 12 để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Buổi chiều tối, ông tranh thủ lên thành phố Bắc Ninh gia sư cho một số em học sinh theo đề nghị của các phụ huynh, nhưng ông không dạy nhiều một phần vì giữ sức khỏe, phần vì sợ… mang tiếng.
Không rõ ông sợ mang tiếng vì điều gì, bởi nhiều người, nhất là bà con Đại Lâm luôn ngưỡng mộ, nể trọng ông! Bằng trái tim của người cha, tấm lòng của người thầy cùng tình yêu tri thức và tinh thần tự học ngời sáng, cựu binh Hoàng Văn Nam đã trở thành người “gieo hạt tri thức” bên bờ sông Cầu. Người thầy bất đắc dĩ ấy không chỉ làm lan tỏa niềm hứng thú học tập, sáng tạo mà còn thắp sáng những giấc mơ, vun bồi bao mầm xanh tương lai cho làng xóm, quê hương...

Ghi chép của Thanh Tú - Minh Hường

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-%E2%80%9Cnguoi-gieo-hat%E2%80%9D-ben-song-cau-80175