Bắc Ninh: Miệt mài 'giữ lửa' nghề chơi Quan họ

Là một trong những chị hai gạo cội, nằm lòng hàng trăm câu hát cổ, thuộc lớp nghệ nhân kế cận đầu tiên của thời kỳ 'Quan họ phục hưng', nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo, Chủ nhiệm CLB Văn hóa Quan họ tỉnh có hơn 40 năm miệt mài, đắm đuối 'giữ lửa' và truyền dạy nghề chơi Quan họ. Ở vào tuổi thất thập cổ lai hy nhưng chị hai Hảo vẫn ngày đêm miệt mài uốn nắn cho học trò từng câu Quan họ cổ, tâm huyết trao truyền gìn giữ nghề chơi độc đáo của quê hương.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo (đứng) truyền dạy Quan họ cho các thành viên CLB Quan họ Thị Chung (phường Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh)

Sinh ra và lớn lên ở làng Quan họ gốc Thị Chung (Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh), có ông nội là một “ông trùm” nổi tiếng trong nghề chơi nên từ nhỏ chị hai Hảo đã ngấm chất Quan họ. Trưởng thành cùng câu hát quê hương nhưng do biến động lịch sử mà thiếu nữ làng Thị Chung chưa có cơ hội thỏa sức với đam mê. Đến cuối những năm 1980, khi làn gió “mở cửa” làm thay đổi toàn bộ đời sống xã hội, nghề chơi Quan họ được quan tâm khôi phục và ngành Văn hóa tỉnh nhà coi việc đào tạo thế hệ nghệ nhân kế cận là một nhiệm vụ quan trọng. Khi ấy, liền chị Nguyễn Thị Hảo đang ở thời kỳ con bồng con bế, bộn bề với cuộc mưu sinh nhưng vẫn hào hứng tham gia tầm học các nghệ nhân trong vùng để tích lũy vốn liếng Quan họ.
Nhớ lại năm tháng cũ, nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo bộc bạch: “Tôi thường hát cặp với chị hai Vũ Thị Dự ở Niềm Xá. Giai đoạn đó, chúng tôi say mê tầm học, tối hát, ngày về đi làm bình thường mà chẳng biết mệt. Vào dịp hội xuân, có canh hát kéo dài 2-3 ngày liền, hát thâu đêm suốt sáng mà chưa hết câu. Nếu có câu nào không đối được, đành phải “xin chịu” nhưng vẫn cảm thấy bứt rứt, hôm sau tìm đến nghệ nhân xin câu và dù là câu khó đến mấy hai chị em cũng quyết tâm học cho bằng được. Cũng vì vậy nên chúng tôi nằm lòng hàng trăm làn điệu cổ, trong đó có nhiều “câu độc” mà giờ rất hiếm người biết như câu “Ông lang Nhẫn”...
Năm 1991, hội thi hát Dân ca Quan họ tỉnh lần thứ Nhất tổ chức, liền chị Nguyễn Thị Hảo đăng kí tham gia và đạt giải. Suốt từ đó đến năm 2000, chị hai Hảo đều đặn tham gia sân chơi hát đối đáp đầu xuân và liên tục đạt các giải Nhất, Nhì, đặc biệt còn đạt Giải Ngoại hạng (là giải dành cho các cặp đôi đạt giải Nhất của các năm thi với nhau). Niềm đam mê Quan họ cứ thế lớn dần sau mỗi hội thi, canh hát giao lưu với các làng Quan họ cổ trong vùng như Lũng Giang, Châm Khê, Hoài Thị, Thổ Hà... Sau khi đạt Giải Ngoại hạng, học trò khắp nơi tìm đến xin học, từ đó chị hai Hảo không chỉ giữ lửa đam mê mà còn tích cực truyền dạy, trở thành hạt nhân nòng cốt góp phần đưa phong trào ca hát Quan họ trong tỉnh ngày càng phát triển sôi nổi.
Để chơi được Quan họ quanh năm suốt tháng đã khó, để trở thành người truyền dạy, dẫn dắt hoạt động của một câu lạc bộ Quan họ đầu tiên trong tỉnh qua suốt bao tháng năm càng không phải là việc ai cũng làm được. Vậy mà suốt 25 năm qua, từ ngày đầu CLB Văn hóa Quan họ tỉnh thành lập đến nay, nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo miệt mài tâm huyết, bền bỉ dốc sức tham gia xây dựng, khơi dậy và lan tỏa niềm đam mê Quan họ trong các thế hệ liền anh, liền chị. Chị hai Tạ Thị Tư, CLB Quan họ Thị Chung từng đạt giải Nhất nội dung đối đáp 150 câu Quan họ cổ năm 2003 chia sẻ: Vốn liếng hàng trăm làn điệu Quan họ cổ mà tôi có bây giờ là nhờ sự truyền dạy tâm huyết của Nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo. Không chỉ được truyền dạy các bài cổ, nghệ nhân còn chỉ dẫn, là tấm gương mẫu mực cho chúng tôi học hỏi về lối sống, cách ứng xử lịch lãm, khiêm nhường của người Quan họ”.
Dù trải qua không ít khó khăn, thăng trầm song dưới sự dẫn dắt của Chủ nhiệm Nguyễn Thị Hảo, CLB Văn hóa Quan họ tỉnh vẫn luôn kiên định phương châm hoạt động, coi trọng giá trị truyền thống, giữ gìn lối chơi lịch lãm, tình nghĩa thủy chung, mẫu mực của người Quan họ. Từ 18 hạt nhân nòng cốt ban đầu đến nay CLB Văn hóa Quan họ tỉnh phát triển được 100 hội viên tuổi từ 30 trở lên đều là những nhân tố tích cực, có vốn liếng Quan họ dày dặn và am hiểu lề lối nghề chơi. Các thành viên trong CLB cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo trực tiếp cung cấp tư liệu cho GS Tô Ngọc Thanh và đạo diễn Lê Hoa làm phim về lối chơi Quan họ; tích cực tham gia các canh hát phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...
“Không chỉ giao lưu ca hát mà chúng tôi còn luôn quý mến, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường ngày. Hễ gia đình của các thành viên trong CLB có việc vui, buồn là chị em đến thăm hỏi, chia sẻ, hỗ trợ. Điều quý giá nhất là chúng tôi luôn gắn bó, trân trọng nhau về nghĩa, mến nhau vì tình, học hỏi nhau từng lời ca đến cử chỉ giao tiếp, lời ăn tiếng nói, cách ứng xử lịch lãm, khiêm nhường của người Quan họ...”- Chủ nhiệm Nguyễn Thị Hảo tâm sự.
Nhiều năm qua, cùng với những cống hiến của một nghệ nhân gạo cội, uy tín và mẫu mực, mỗi lần có các sự kiện giao lưu, quảng bá di sản Dân ca Quan họ của tỉnh, nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo vẫn được các cơ quan, đơn vị trân trọng mời tham dự. Nhìn cách nghệ nhân Nguyễn Thị Hảo chăm chút từng miếng trầu têm cánh phượng, tất bật sửa soạn đón tiếp khách mà vẫn không quên chăm chút, nắn chỉnh khăn áo, hướng dẫn học trò cách đi đứng, thưa gửi, chúng tôi càng thêm trân trọng tình yêu, sự nhiệt huyết, đắm đuối của bà với nghề chơi, với di sản quê hương.
Mỗi cuộc đời Nghệ nhân Dân ca Quan họ là một câu chuyện giàu xúc cảm và ý nghĩa. Và có lẽ chỉ Quan họ mới khiến người ta say mê đến thế, gắn bó từ thuở thanh xuân cho đến tận khi xế bóng tuổi già vẫn nguyên vẹn một tình yêu thủy chung bền chặt không gì có thể thay đổi...

Việt Thanh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-miet-mai-%E2%80%9Cgiu-lua%E2%80%9D-nghe-choi-quan-ho-81704