Chính sách chống dịch thay đổi 'nhanh, gấp' khiến DN trở tay không kịp

Chính quyền địa phương căn cứ bản đồ dịch tễ để xây dựng chính sách chống dịch phù hợp. Các địa phương thường đưa ra các chính sách rất nhanh, gấp khiến DN trở tay không kịp.

Hàng loạt kiến nghị của các DN, địa phương được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, diễn ra sáng 4/9.

Tại đây, ông Nguyễn Hoài Nam - đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) đề nghị Bộ NN-PTNT giúp DN, cùng DN làm việc với địa phương khi DN trình phương án sản xuất khi có thay đổi phương án giãn cách để được phê duyệt sớm nhất. Nỗ lực của vaccine đi kèm với việc cho sản xuất hay không? Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi và khai thác ở các chợ thủy sản lớn, để thúc đẩy người nuôi và ngư dân quay trở lại sản xuất.

Cùng với đó, phải giải quyết sớm các vướng mắc liên quan vấn đề vận chuyển, di chuyển. Chính quyền địa phương căn cứ bản đồ dịch tễ để xây dựng chính sách phù hợp. Các địa phương thường đưa ra các chính sách rất nhanh, gấp khiến DN trở tay không kịp. “Nhiều DN nhờ Hiệp hội hỗ trợ là có văn bản riêng gửi cho ông chủ tịch tỉnh. Nếu giải quyết vấn đề như vậy sẽ không thể toàn diện được” – ông Nam cho biết.

Thủy sản tháng 8 tăng trưởng âm

Xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản (cá ngừ); cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng trước. Tính chung kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8 tháng đạt trên 5,6 tỷ USD tăng 7,1% so với cùng kỳ.

Ông Trần Đình Luân – Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tại các tỉnh ĐBSCL đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động; các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40%; tuy nhiên chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.

Do dịch bệnh nên khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh, nhất là tôm nguyên liệu.

Ông Nguyễn Văn Buội – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết: Giá tôm xuống thấp vì không có nhà máy chế biến ở địa phương. Hiện chỉ có nhà máy CP, nhưng công suất nhỏ, lại mới bị đóng cửa. Giá bình quân nuôi tôm là 80.000-85.000 đồng/kg, nhưng bán thì cũng chỉ được 85.000-90.000 đồng/kg (loại 50 con). Còn những hộ nuôi cỡ 60 con thì lỗ. Giờ nuôi size lớn, giá cao thì dưới 25 con/kg phải nuôi công nghệ cao, rất ít người nuôi được. Thêm vào đó, nhân công thu hoạch tôm rất thiếu. Thương lái đi mua thường phải đi rất đông (cân, kéo), giờ họ không chịu đi, giờ thuê tới 6 triệu/tấn đi kéo cũng không ai đi.

Với những bất trắc đang hiện hữu, người dân cũng chưa an tâm để chuẩn bị cho mùa vụ sau. “Hiện giá tôm giảm mạnh trong khi thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc lại tăng… dẫn đến chi phí đầu vào tăng. Bà con sợ không dám thả tiếp” – ông Buội cho biết.

Nguyên liệu, phụ liêu thiếu trầm trọng

Phụ liệu từ bao bì, nilon, máy hút chân không đều đang rất khó vận chuyển vì nơi trung chuyển là TP.HCM lại đang nằm trong vùng có dịch diễn biến phức tạp.

Việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test covid.

“Nếu tình trạng này không được cải thiện, đứt gẫy chuỗi sản xuất NTTS là rất lớn và nguy cơ thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm đang hiện hữu” – ông Luân nói.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam – Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), do các nhà máy giảm công suất nên không thể thu gom nguyên liệu được nên không thể cung cấp được hàng cho khách hàng. Điều này kéo theo giá thu mua giảm vì lượng nguyên liệu lớn không thu gom kịp. Hiện một số tỉnh đã ưu tiên vaccine cho nhà máy chế biến thủy sản. Đến 1/9, các tỉnh làm tốt là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu…. Tăng được công suất các nhà máy nên tăng thu mua cho bà con và giá tôm cũng bắt đầu tăng (những ngày trước tôm giảm 10.000-20.000 đồng/kg/50 con).

“Lúc đầu, các doanh nghiệp nghĩ chỉ giãn cách trong khoảng 2 tuần nên điều phối hàng trong kho cho khách hàng. Nhưng nay giãn cách kéo dài thì gặp khó khăn với khách, không đủ hàng. Đây đang là tuần rất căng vì các DN phải đối thoại với đối tác để giãn, hoãn đơn hàng” - ông Nam cho biết.

Các DN đang bị đối tác hối thúc đơn hàng

Các DN đang bị đối tác hối thúc đơn hàng

Dù có thể duy trì được sản xuất, nhưng rất nhiều lao động nghỉ việc, DN vẫn phải trả lương nghỉ việc. Người tham gia 3 tại chỗ thì phần chi phí tăng lên 50%. Chi phí sản xuất tính theo đơn vị sản phẩm tăng lên rất cao nhưng cuối tháng BHXH, công đoàn vẫn tính theo phần trăm tiền lương, trong khi DN ngừng sản xuất cả tháng rồi. Theo ông Nam, đây cũng là những khó khăn mà DN đang phải gánh vác.

Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Văn Buội kiến nghị, Bộ NN-PTNT có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, ngành điện giảm tiền điện cho người nuôi thủy sản công nghệ cao. Hiện Bến Tre có 1950 ha nuôi tôm công nghệ cao, tiền điện rất lớn. “Giảm có thể 6 tháng (tới tháng 3 sang năm) với mức giảm từ 15-20% để các cơ sở nuôi được thuận lợi. Hiện nay vốn rất khó khăn, cần chính sách hỗ trợ DN chế biến thủy sản lãi suất ngân hàng với điều kiện các DN phải xây dựng chuỗi liên kết các vùng nuôi, nội vựa khai thác thủy sản, đảm bảo lợi nhuận cho người nuôi” – ông Buội nói./.

An Nhi/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/chinh-sach-chong-dich-thay-doi-nhanh-gap-khien-dn-tro-tay-khong-kip-888052.vov