Bắc Ninh: Đừng để mất 'ngọc quý' rồi mới giữ

Hơn 40 năm gắn bó cùng những thăng trầm của nghệ thuật Tuồng, có gần 4.000 buổi diễn với hàng chục huy chương, giải thưởng được Nhà nước và các cấp, ngành trao tặng, NSƯT Nguyễn Đức Tú hiện là Chi hội Trưởng Chi hội Sân khấu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Ông có những chia sẻ hết sức thẳng thắn về thực trạng của sân khấu truyền thống Bắc Ninh trong dòng chảy đương đại.

Ở Bắc Ninh, lớp nghệ sĩ thuộc “thế hệ Vàng” đang nắm giữ, thực hành các loại hình nghệ thuật truyền thống

PV: Thưa NSƯT Nguyễn Đức Tú, thuở vàng son của nghệ thuật tuồng, chèo dường như đã trôi về dĩ vãng, ông thấy sức sống của sân khấu truyền thống bây giờ như thế nào?

NSƯT Nguyễn Đức Tú: Nghệ thuật truyền thống cả nước đang đối mặt không ít thách thức như: Thiếu người kế cận, thiếu kịch bản mới, khán giả không mặn mà… Những nan đề này ngày càng nặng nề, trầm trọng hơn. Không chỉ với các Đoàn, các CLB nghệ thuật quần chúng hoặc tư nhân gặp khó mà các đơn vị, Nhà hát nghệ thuật chuyên nghiệp cũng chung áp lực ấy.

Nói riêng ở Bắc Ninh hiện nay còn khoảng gần 40 CLB tuồng, chèo nhưng để hoạt động biểu diễn được thì chỉ một nửa số đó. Hàng năm các CLB, các nghệ sĩ vẫn tích cực biểu diễn hàng trăm buổi phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Mặc dù gặp khó song tôi nghĩ rằng, sân khấu truyền thống Bắc Ninh vẫn có sức sống riêng trong một bộ phận khán giả mộ điệu.

PV: Những biểu hiện nào minh chứng cho sức sống của nghệ thuật truyền thống Bắc Ninh như nghệ sĩ vừa nói?

NSƯT Nguyễn Đức Tú: Những người đang hoạt động nghệ thuật tại các CLB ở Bắc Ninh hiện nay thực sự là “thế hệ Vàng”. Họ yêu nghề mình đã chọn và tự nguyện gắn bó, sống với đam mê. Những năm qua, hoạt động của các CLB khá sôi nổi, có sự phát triển về quy mô tổ chức, chất lượng nghệ thuật, thu hút quần chúng tham gia vào quá trình sáng tạo, gìn giữ, phát huy vốn truyền thống, đồng thời phần nào đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân theo hướng lành mạnh, tiến bộ, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo ra một môi trường văn hóa đa dạng, phong phú, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Rõ ràng, các CLB nghệ thuật truyền thống đang tham gia tích cực vào xây dựng làng, khu phố văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
Một ví dụ cụ thể khác như năm 2015, khi Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức “Liên hoan tác phẩm Sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ” tại thành phố Đà Nẵng đã thu hút 24 Nhà hát chuyên nghiệp và các CLB nghệ thuật quần chúng trong cả nước tham dự. Riêng Bắc Ninh có 6 đơn vị quần chúng đăng ký tham gia với 6 vở diễn và đoạt nhiều giải Vàng, giải Bạc, mang về niềm vinh dự cho sân khấu Bắc Ninh. Năm 2018 cũng vậy, tại Liên hoan Sân khấu Tuồng không chuyên Toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức tại Quy Nhơn - Bình Định, Bắc Ninh có 2 CLB tuồng tham dự đều đoạt giải cao, để lại sự ngưỡng mộ, thán phục trong bạn diễn và ấn tượng sâu sắc đối với khán giả Bình Định.

Để có thành tựu đó, ngoài niềm đam mê, tâm huyết của các nghệ sỹ, còn có tình cảm mến yêu, sự quan tâm ủng hộ của nhân dân các địa phương, sự động viên, khích lệ của lãnh đạo các cấp về cả tinh thần và kinh phí tham dự.

PV: Nghĩa là ở Bắc Ninh, những “viên ngọc quý” tuồng, chèo vẫn đang tỏa sáng trong dòng chảy đời sống đương đại và nghệ sĩ cảm thấy bằng lòng với sức sống đó?

NSƯT Nguyễn Đức Tú: Ở đây, tôi hài lòng với những gì hiện có, mà những nghệ sỹ tâm huyết đang gắng sức vượt qua thách thức, khó khăn để quyết tâm gìn giữ nghệ thuật truyền thống trong suốt thời gian vừa qua. Tôi hài lòng vì có những đồng chí lãnh đạo, vì một bộ phận nhân dân vẫn yêu mến nghệ thuật truyền thống, cổ vũ, ủng hộ bằng cả tinh thần và vật chất, tạo điều kiện cho các nghệ sỹ có “đất” thực hành diễn xướng và gìn giữ nghệ thuật dân tộc. Bởi như tôi biết, nhiều làng, khu phố ở Bắc Ninh hiện còn đưa quy định vào hương ước là hội làng phải có hát tuồng, chèo hoặc diễn xướng ca trù, trống quân, múa rối nước...

Đó là cơ sở để tôi tin vào sức sống trường tồn của sân khấu truyền thống nếu có sự chung tay gìn giữ của các cấp lãnh đạo, của nhân dân và đặc biệt là sự kế thừa, tiếp nối của các nghệ sỹ. Nói vậy không có nghĩa tôi không trăn trở về những thách thức của sân khấu truyền thống Bắc Ninh hiện nay.

PV: Vậy điều mà nghệ sĩ đang trăn trở, lo lắng đó là gì?

NSƯT Nguyễn Đức Tú: Bài toán nan giải nhất là thiếu người kế cận và thiếu khán giả trẻ. Nhiều CLB dù đã mở lớp truyền dạy cho các cháu đồng ấu, thanh niên nhưng khi trưởng thành, vì nhiều lý do mà các cháu không tham gia nữa, phần vì sân khấu truyền thống học khó, phần vì nhìn thấy các nghệ sỹ hành nghề quá vất vả, cực nhọc mà sự bù đắp lại quá ít ỏi cả về tinh thần và vật chất, hay sự phân biệt đãi ngộ giữa các loại hình nghệ thuật...

Thời hưng thịnh có tới vài nghìn người tham gia hoạt động, ngày nay chỉ còn một vài trăm người. Cứ đà này khoảng 10 năm nữa nghệ thuật truyền thống ở Bắc Ninh còn bao nhiêu người hoạt động? Hơn nữa, các CLB tuồng, chèo cơ sở chủ yếu hoạt động tự phát, quy mô nhỏ, chưa thực sự nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Có những nơi xây dựng phong trào chỉ mang tính hình thức mà thiếu quan tâm đến sự bền vững.

PV: Một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ thiếu mặn mà với nghệ thuật truyền thống là vì quá khó để hiểu và để học. Vậy làm thế nào để người trẻ bước được vào thế giới của tuồng, chèo thưa nghệ sĩ?

NSƯT Nguyễn Đức Tú: Tôi cho rằng, để giới trẻ “bén rễ” với nghệ thuật truyền thống, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với các ngành liên quan, tăng cường tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật, tổ chức các dự án giới thiệu tinh hoa, vẻ đẹp của nghệ thuật dân tộc, triển khai mở rộng chương trình “sân khấu học đường”... Đó là cơ sở để từng bước hình thành một thế hệ công chúng mới có sự hiểu biết và yêu thích từ nhỏ, tạo nền tảng vững chắc cho sân khấu truyền thống tiếp tục phát triển và lớn mạnh.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương, quyết liệt bảo tồn bằng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp; kịp thời hỗ trợ, động viên phong trào, tạo điều kiện để các CLB có đất diễn, để thổi bùng nhiệt huyết, niềm đam mê của các nghệ sĩ.

Tuồng, chèo... được ví như những “viên ngọc quý” trong kho tàng nghệ thuật dân tộc. Nếu không có sự nhìn nhận và quan tâm đúng mức để bảo tồn, gìn giữ thì nghệ thuật truyền thống ở các làng quê Bắc Ninh chẳng mấy sẽ chỉ còn là dĩ vãng! Có ngọc quý mà không biết giữ đến khi mất rồi thì tìm được ở đâu!?...

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của nghệ sĩ!

Thanh Lâm (Thực hiện)

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-dung-de-mat-%E2%80%9Cngoc-quy%E2%80%9D-roi-moi-giu-81263