Bắc Ninh: Độc đáo 'Võ Miếu' 300 năm tuổi

Không chỉ có Văn Miếu tôn thờ các bậc Nho văn tiên hiền tiên triết, đất Bắc Ninh còn bảo tồn gìn giữ hàng trăm di tích thờ các vị quan võ. Trong đó, Miếu Đại Trung (thôn Dũng Quyết, xã Việt Hùng, Quế Võ) - nơi thờ những võ quan cao cấp thời phong kiến được xem như một 'Võ Miếu' với nhiều giá trị vật thể và phi vật thể đặc sắc, độc nhất vô nhị…

Nhiều hiện vật bằng đá thời Lê Trung Hưng vẫn được bảo lưu tại Miếu Đại Trung.

Sử sách ghi chép, Miếu Đại Trung thờ 7 vị Quận công được khởi dựng vào năm 1660 và hoàn thành vào năm 1708 thời chúa Trịnh Cương. Bảy vị võ quan được thờ ở đây đều là những võ tướng thiện nghệ, uyên thâm mưu lược, khí chất tinh anh khác thường, tận trung tận hiếu, có nhiều công lao xả thân vì dân vì nước. Cả 7 vị Quận công đều thuộc chi Ất họ Nguyễn Đức gồm: Hùng Quận công, hiệu Đức Điện; Cẩm Quận công, hiệu Đức Thiện; Ân Quận công, hiệu Đức Nhuận được phong tước “Đại Vương”; Quế Quận công, hiệu Đức Uyên; Chiêm Quận công, hiệu Đức Tự; Nhậm Quận công, hiệu Đức Dật; Giao Quận công, hiệu Đức Ôn là “Khai khoa Tạo sĩ nước Nam” - người đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ ngạch võ của nước ta.Là di tích lịch sử tiêu biểu minh chứng cho truyền thống thượng võ của quê hương Bắc Ninh, Miếu Đại Trung còn là một trong số hiếm di tích vẫn giữ được khá nguyên vẹn kiến trúc từ khi khởi dựng cách đây hơn 300 năm. Đây là địa chỉ giáo dục lịch sử truyền thống võ lược rất đáng được quan tâm ngưỡng mộ bởi công trình này có một không hai trong lịch sử do triều đình nhà Lê khởi dựng xuất phát từ sự cảm phục khí chất đại trung, đại nghĩa của Ân Quận công trong trận Dũng Quyết (miền Trung, năm Canh Tý 1660). Ngay với ba chữ “Miếu Đại Trung” cũng được triều Lê ban tặng chứ không phải do người dân hay dòng họ tự đặt rồi gắn lên.Tổng thể di tích gồm 5 gian tiền tế và phần hậu cung-Miếu trong. Kiến trúc phần hậu cung khá đặc biệt với mái vòm dày 0,7m, tường dày 1,2m-1,35m. Vật liệu chính là gạch, vôi, mật mía và cát nên rất chắc chắn. Riêng 5 gian Tiền tế được gia tộc tu bổ vào năm 1974 thu gọn còn 3 gian 2 dĩ xây dựng bằng gỗ lim, gạch ngói đơn giản nhưng khá chắc chắn, đúng theo phong cách kiến trúc thời Lê. Hiện nay, di tích còn lưu giữ nhiều tư liệu chữ viết như gia phả, bản gốc sắc phong của các triều đại, hoành phi, câu đối… đều rất có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử giai đoạn Lê Trung Hưng. Đáng chú ý là những hiện vật bằng đá, hình trụ, hình khối có niên đại thời hậu Lê và Lê Trung Hưng được chạm khắc họa tiết hoa văn rõ nét, không rườm rà nhưng sống động, đạt trình độ cao về thẩm mỹ nghệ thuật, đồng thời thể hiện sức mạnh, sự oai phong lẫm liệt và tính bền vững trường tồn.Từ cổng di tích vào có đôi chó đá tư thế ngồi chầu cao 90cm, dáng vẻ hiền từ, vững chãi. Tiếp đến là đôi voi đá cao 117cm dáng phủ phục. Đối diện là đôi ngựa đá cao 150cm được chạm đủ yên cương, chuông nhạc. Bên trái có một chiếc thống đá đường kính 130cm, xung quanh chạm khắc hình cây cỏ, mây, nước và 4 chữ Thọ ở 4 phía. Bên phải có một cây hương đá hình trụ, vuông 4 mặt khắc chữ Hán. Trong hậu cung cũng có một cây hương đá 8 mặt, chân đế là đài sen, 4 phía chạm hoa, mây, lá và chữ Hán. Ngoài ra còn một ban thờ bằng đá, một tấm đá nguyên khối gắn trên tường với 3 chữ “Miếu Đại Trung”, có cột đồng trụ, sấu đá và đôn bằng đá hình bán nguyệt… Tất cả những hiện vật này được bài trí hài hòa, thể hiện được nét tôn nghiêm, cổ kính trong tổng thể khu di tích.Ông Nguyễn Đức Vệ, Trưởng Ban Bảo vệ di tích Miếu Đại Trung chia sẻ: Không chỉ là nơi tôn thờ những võ quan cao cấp với nhiều hiện vật quý, Miếu Đại Trung còn lưu truyền nhiều câu chuyện cảm động về chí khí lẫm liệt, thể hiện tài nghệ võ lược, oai danh lừng lẫy của các Quận công. Truyền rằng, khi các vị Quận công còn sống, nơi đây luôn nhộn nhịp cảnh ra vào của quân tướng triều Lê về tế lễ các vị anh tài giúp dân giúp nước. Triều đình xưa, từ thời Lê đến Nguyễn luôn dành cho nơi đây nhiều đặc ân như lập miếu thờ, cử quan về tế lễ xuân thu nhị kỳ, cho dân được tạo lệ, cấp tiền tu sửa, trọng đãi nhân tài sinh ra từ đất này…Dũng Quyết (thường gọi làng Guột) cũng là nơi được các võ quan chọn để mở lò võ, vừa huấn luyện quân sĩ vừa truyền dạy cho con cháu, dân làng tinh thông thao lược các môn quyền cước, binh khí, võ vật, binh thư... Nhờ họ mà các thế hệ con cháu trong làng đời này qua đời khác đều giỏi võ vật, làm rạng danh tiên tổ đến nay tiếng thơm vẫn còn tiếp nối. Vì vậy, theo các bậc cao niên làng Guột, Miếu Đại Trung chẳng khác nào Võ Miếu bởi di tích tôn thờ các Quận công triều Lê nhưng cũng là các vị tổ sư môn võ vật của làng Guột... Với nhiều giá trị vật thể và phi vật thể đặc sắc, năm 1992, Miếu Đại Trung được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.Trải qua năm tháng với bao biến động của lịch sử, không phải vùng đất nào cũng gìn giữ được di tích quý như Võ Miếu Đại Trung. Trung bình mỗi năm, di tích đón hàng nghìn lượt du khách thập phương trong nước và quốc tế về dâng hương, tham quan, tìm hiểu lịch sử. Tuy nhiên hiện nay cổng và toàn bộ tường bao di tích đều cũ nát, hư hỏng cần được tu bổ kịp thời để bảo đảm an toàn, tính tôn nghiêm của di tích. Qua đó, tiếp tục góp phần giáo dục truyền thống võ lược của vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc văn hiến ngàn năm.

Bài, ảnh: Thuận Cẩm

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-doc-dao-%E2%80%9Cvo-mieu%E2%80%9D-300-nam-tuoi-64514