Bắc Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện chương trình OCOP

Qua hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP, từ năm 2018-2020, Bắc Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó, địa phương đã có 33 sản phẩm của 15 chủ thể được đánh giá, công nhận và phân hạng. Để tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ.

 Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan các sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 (Nguồn: bacninh.gov.vn)

Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tham quan các sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 (Nguồn: bacninh.gov.vn)

Đã có 33 sản phẩm được công nhận và phân hạng

Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh cho biết, sau hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP, từ năm 2018-2020, bước đầu địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. Chương trình đã tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở.

Để triển khai chương trình, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia. Trong đó, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nằm trong vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và chương trình OCOP 50% chi phí đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, nghiên cứu cải tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/dự án.

Bên cạnh đó, Bắc Ninh hỗ trợ 50% chi phí mua vật tư xây dựng nhà lưới, nhà màng, nhà kính và các thiết bị tự động hóa quá trình sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản thực phẩm và bảo vệ môi trường có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên, mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy móc, thiết bị hoặc 50% kinh phí cho các máy móc, thiết bị có giá trị dưới 50 triệu đồng.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân có hợp đồng tiêu thụ nông sản, thực phẩm cho các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, các hộ nông dân theo phương thức ứng trước vốn và thu mua sản phẩm nếu thực hiện đúng hợp đồng được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay ngân hàng cho toàn bộ số tiền vay ứng trước theo hợp đồng.

Đặc biệt, để giúp các chủ thể quảng bá giới thiệu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, những năm qua, Bắc Ninh đã chú trọng công tác xúc tiến thương mại. Riêng năm 2019, địa phương đã tổ chức cho các chủ thể tham gia triển lãm thành tựu 10 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, tham gia sự kiện Festival Chương trình OCOP toàn quốc tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới toàn quốc. Năm 2020, tham gia Hội chợ kết nối cung cầu vùng đồng bằng sông Hồng, Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP tổ chức tại Bắc Ninh,...

Với những những nỗ lực trên, tháng 9 năm 2020, Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP của địa phương. Qua đánh giá, phân hạng có 33 sản phẩm của 15 chủ thể OCOP đủ điều kiện được UBND tỉnh công nhận kết quả. Cụ thể, 3 sản phẩm đạt hạng ba (3 sao), 30 sản phẩm đạt hạng bốn (4 sao).

Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh, quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định. Trong đó, có thể kể đến sự vào cuộc của một số Sở, ngành, huyện, xã chưa thật sự quyết liệt; đa số người dân chưa hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình.

Nhận thấy Chương trình OCOP là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có khoảng 50 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP, đồng thời có tối thiểu 150 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt 5 sao. Bên cạnh đó, triển khai khoảng 2 mô hình làng văn hóa du lịch; xây dựng 1 Trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Để đạt được mục tiêu trên, Ban chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh Bắc Ninh cho biết, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của chương trình OCOP; khuyến khích người dân sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm khác biệt, ấn tượng. Đi cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sơ chế, bảo quản để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.

Thêm vào đó, địa phương sẽ tập trung công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp; bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho chủ thể sản xuất. Tổ chức cho đội ngũ cán bộ nhà nước trực tiếp tham gia quản lý, điều hành chương trình OCOP đi học tập, trao đổi kinh nghiệm về triển khai chương trình OCOP ở cả trong và ngoài nước.

Cùng với các giải pháp trên, Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trong đó, tập trung vào các dịp lễ hội của tỉnh, của Quốc gia. Phối hợp xúc tiến các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị lớn trên địa bàn; tổ chức lựa chọn sản phẩm tiêu biểu tham gia hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, để thúc đẩy chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Bắc Ninh sẽ ban hành các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình khi có đăng ký kinh doanh về mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu,…

Mặt khác, Bắc Ninh kiến nghịTrung ương ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Từ đây, sẽ là căn cứ quan trọng để các địa phương xây dựng kế hoạch, ban hành chính sách triển khai thực hiện chương trình./.

BT

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/bac-ninh-day-manh-cac-giai-phap-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-577563.html