Bắc Ninh: Chuyện dài Phú Mẫn

Trong số 'ba làng Mịn, chín làng Chờ' của huyện Yên Phong (Bắc Ninh) thì Phú Mẫn, tức làng Chờ Cả, là đất văn hiến lâu đời với truyền thống hiếu học nức tiếng gần xa. Nối dài nét đẹp truyền thống ấy, năm 1969, địa danh Phú Mẫn lại tỏa sáng khắp nơi bởi một sự kiện đặc biệt.

Cây đa do Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ trồng trong khuôn viên đình Phú Mẫn (tháng 5-1981)

Xin trích một đoạn trong hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ: “Một ngày tháng 5 năm 1969, trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, Bác Hồ tình cờ đọc được những thông tin về Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn trên báo Hà Bắc. Quá xúc động, đúng 14 giờ 30 phút ngày 19-5-1969, Người lên nhà sàn viết thư khen thiếu niên HTX Măng non Phú Mẫn, tựa đề “Thư gửi các cháu thiếu niên hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong, Hà Bắc (19-5-1969.”

Đáng nói, bức thư của Bác chỉ hơn 250 chữ nhưng vô cùng súc tích, hàm chứa bao điều Bác muốn nói. Câu kết của bức thư còn mang tính lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ đến thiếu niên cả nước: “Bác mong các cháu thiếu niên ở những địa phương khác làm theo các bạn nhỏ ở Hợp tác xã Măng non Phú Mẫn trong việc chăm sóc trâu bò và giúp đỡ thiết thực cho HTX ở địa phương mình. Bác hôn các cháu”.
Theo lời Bác, hơn 50 năm qua, cán bộ nhân dân nói chung và thiếu niên Phú Mẫn nói riêng không ngừng thi đua học tập, lao động sản xuất, sáng tạo cùng góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Riêng sự nghiệp trồng người thì vẫn được trao truyền và phát huy lên tầm cao mới, trở thành địa chỉ đỏ về phong trào khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập. Tháng 12-2020, tại Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc, Phú Mẫn vinh dự là mô hình cộng đồng học tập duy nhất của Bắc Ninh được báo công tại Đại hội.
“Xông đất” Phú Mẫn ngày đầu tiên của năm 2021, dưới tán đa mướt xanh trong khuôn viên đình Phú Mẫn, do Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ trồng cách đây 40 năm (5-1981), qua câu chuyện với các cao lão địa phương, chúng tôi biết thêm nhiều điều thú vị về cộng đồng học tập thôn Phú Mẫn, nay thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong.
Nhà giáo Đỗ Văn Liễn, cựu Hiệu trưởng Trường cấp 2 xã Hàm Sơn, nay là THCS thị trấn Chờ, kể: Sau thời điểm Bác viết thư khen, đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-1969, Tỉnh đoàn Hà Bắc phối hợp với huyện Yên Phong tổ chức lễ đón nhận thư Bác. Tham dự có nhiều đồng chí lãnh đạo T.Ư và của tỉnh cùng hơn 700 thiếu nhi tiêu biểu toàn Hà Bắc. Sau sự kiện đó, Chủ nhiệm HTX Măng non Phú Mẫn Đặng Đình Chiến được mời tham dự trại hè thiếu nhi Quốc tế; những năm sau, đội thiếu niên Măng non Phú Mẫn còn vinh dự được đón Quyền Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ và nhiều đoàn đại biểu thanh niên, thiếu niên trong và ngoài nước về thăm, trao đổi kinh nghiệm hoạt động.
Từ sức lan tỏa rộng lớn đó, như một cách để “giữ lửa” phong trào, vừa thể theo nguyện vọng của những người có trách nhiệm của địa phương, năm 1977 tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO) đã tài trợ hơn 4.000 đầu sách thành lập thư viện thôn Phú Mẫn, phòng đọc đặt tại trụ sở HTX Măng non Phú Mẫn. Với mảnh đất giàu truyền thống hiếu học như Phú Mẫn thì đây thực sự là thứ tài sản quý để xây dựng một cộng đồng học tập. Tiếc rằng thời đó có thể do quá khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, thiếu phương tiện bảo quản nên các đầu sách dần bị mối mọt làm hư hỏng hết, đến năm 1986 thì thư viện phải đóng cửa. Chị Lê Thị Bình, cựu Phó chủ nhiệm HTX Măng non Phú Mẫn giai đoạn 1981-1985, mỗi khi nhắc đến chuyện ấy vẫn thấy tiếc hùi hụi.
Không còn thư viện nhưng trong mỗi người dân Phú Mẫn, ý thức vươn lên bằng con đường học vấn vẫn như sợi chỉ đỏ xuyên suốt, dẫn lối vươn lên. Tháng 10-1996, Hội khuyến học Việt Nam thành lập thì đúng tháng 11 cùng năm, Chi bộ Phú Mẫn có Nghị quyết thành lập chi hội khuyến học thôn, do nhà giáo lão thành Đỗ Văn Liễn làm chi hội trưởng. Với sự quan tâm toàn diện của cấp ủy, chính quyền địa phương và tâm huyết của những người làm giáo dục, suốt 25 năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài ở Phú Mẫn trở thành điểm sáng tiêu biểu toàn quốc. Ngày nay, nhắc đến Phú Mẫn là nhắc đến một “làng Đại học” thậm chí là “làng trên Đại học” đất Kinh Bắc - Bắc Ninh với hơn 130 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ; hàng năm, thôn có từ 40 đến 50 học sinh đỗ Đại học công lập; rất nhiều em đạt giải tỉnh, Quốc gia...

Bà Lê Thị Ký, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn không giấu được niềm tự hào, ở Phú Mẫn người người cùng chăm lo và thi đua làm khuyến học. Bởi thế mỗi tối, sau khi phát “Tiếng trống khuyến học ban đêm” trên loa truyền thanh, học sinh các cấp không cần nhắc nhở đều tự nguyện ngồi vào bàn học tập. Thi thoảng, các hội viên khuyến học lại đến từng hộ kiểm tra, động viên các em chăm chỉ học hành. Mỗi lần như thế, chi hội có dịp nhận thấy những tấm gương để biểu dương kịp thời; vừa phát hiện những hoàn cảnh khó khăn để có hướng giúp đỡ.

Độc giả nhỏ tuổi mượn sách tại thư viện Phú Mẫn

Bà Lê Thị Ký cho biết, thôn Phú Mẫn có 17 xóm với gần 5.000 dân, số gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập và dòng họ học tập chiếm đến 90%. Hàng năm, ngoài chi hội khuyến học, hầu hết trong số 72 dòng họ trên địa bàn đếu có quỹ riêng để tổ chức phát thưởng, vinh danh con cháu đạt thành tích cao trong học tập và lao động sản xuất…
Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”; tỉnh Bắc Ninh bắt đầu triển khai từ năm 2016, cùng năm đó, theo sáng kiến của chi hội khuyến học và những người có trách nhiệm, thôn Phú Mẫn quyết định tái thành lập thư viện thôn, trực thuộc chi hội khuyến học. Thư viện thành lập đúng thời điểm văn hóa đọc và vấn đề đọc sách của người Việt Nam đang trỗi dậy mạnh mẽ do vậy càng dễ nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bà Lê Thị Ký, Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học thôn, người cả đời tâm huyết với sự nghiệp giáo dục kiêm chủ nhiệm thư viện.
Khi thành lập thư viện, khát vọng của những người tâm huyết là xây dựng nơi đây trở thành không gian văn hóa đọc, một cộng đồng học tập tiêu biểu và điều này đang trở thành hiện thực sinh động.
Chứng kiến bà Lê Thị Ký mấy lần báo cáo điển hình toàn quốc về mô hình cộng đồng học tập thôn Phú Mẫn, năm 2019, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tìm về tận Phú Mẫn để mục sở thị mô hình độc đáo này. Theo lời bà Lê Thị Ký thì Tiến sĩ Thúy Ngà rất bất ngờ trước cơ ngơi khang trang của thư viện hơn 2 vạn đầu sách các thể loại, đủ bộ phận phục vụ rất chuyên nghiệp và điều quan trọng là bạn đọc các lứa tuổi đến đây đều tỏ ra hào hứng, say mê với không gian văn hóa đọc, cũng là không gian giao lưu văn hóa tại thư viện Phú Mẫn, mở cửa 3 buổi/tuần vào các chiều thứ 3 thứ 5 và chủ nhật. Quan trọng nữa, cơ sở vật chất, sách báo tại thư viện đều do xã hội hóa và những người phục vụ tại đây gần như chấp nhận “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tất cả vì cộng đồng.
Tháng 12-2020, tại Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc, Phú Mẫn vinh dự là mô hình cộng đồng học tập duy nhất của tỉnh được báo công tại Đại hội, đại diện là bà Lê Thị Ký.
Kể tiếp về Phú Mẫn, làng Chờ Cả có lẽ là câu chuyện dài, một đề tài hấp dẫn khơi mãi không vơi. Trên mảnh đất ấy, ngoài mạch nguồn truyền thống đáng tự hào, có cảm giác từ khi được nhận thư khen của Bác (tháng 5-1969), người người càng ý thức thi đua học Bác và làm theo Bác kính yêu. Để trong tương lai, sẽ xuất hiện ngày càng nhiều nhân tố mới, điển hình mới trong học tập, lao động sản xuất, cùng đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh...

Ghi chép của Trọng Khánh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/bac-ninh-chuyen-dai-phu-man-82081