Bắc Ninh cần 5 tỷ USD đầu tư để trở thành TP trực thuộc Trung ương

GRDP quý I của Bắc Ninh tăng trưởng 8,16% trong bối cảnh địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của đợt bùng phát dịch Covid-19.

Sáng 2/4, ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, chủ trì họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021. Buổi họp diễn ra trong bối cảnh địa phương có nhiều tín hiệu tích cực về các chỉ tiêu phát triển sau 2 năm chững lại.

Đồng thời, lãnh đạo các sở, ngành địa phương thông tin thêm về giải pháp đảm bảo tăng trưởng, sớm đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong giai đoạn tới.

Kinh tế khởi sắc

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bắc Ninh, tăng trưởng quý I của tỉnh đạt 8,16%. Số doanh nghiệp thành lập mới có quy mô vốn đăng ký trên 5.700 tỷ đồng tăng 40,1% so với cùng kỳ. Thu - chi ngân sách Nhà nước đạt kết quả tích cực (thu ngân sách bằng 34,75% dự toán cả năm).

Bên cạnh đó, hoạt động xuất, nhập khẩu đã dần phục hồi. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 25,9%, xuất siêu gần 1,7 tỷ USD.

"Tình hình kinh tế - xã hội quý I đã phát triển tích cực, phát huy đà tăng từ cuối năm 2020. Không khí làm ăn của người dân và doanh nghiệp khởi sắc trong bối cảnh Bắc Ninh và các địa phương lân cận đã kìm chế được dịch Covid-19", ông Tuấn đánh giá.

Về từng lĩnh vực, công nghiệp - xây dựng có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng chung với 7,26 điểm %. Theo lý giải của Sở KH&ĐT Bắc Ninh, nguyên nhân là trong tháng 2, Công ty Samsung gia tăng sản xuất kéo chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,2% so với cùng kỳ.

 Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đức Anh.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Đức Anh.

Trước câu hỏi của Zing về việc Bắc Ninh sẽ làm thế nào để duy trì mức tăng trưởng trong thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn nhận định có tình trạng tăng trưởng không đều trong giai đoạn 2016-2020. Nếu như trong các năm 2017 và 2018, tỉnh đều có mức tăng 2 con số thì tới năm 2019 và 2020 chỉ đạt trên dưới 1%.

Ông Tuấn lý giải nguyên nhân từ nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 và dịch Covid-19 năm 2020 gây tác nhân không nhỏ tới sự phát triển của địa phương. Ngoài ra, do kinh tế của Bắc Ninh hiện đã có quy mô rất lớn với kim ngạch xuất khẩu và giá trị sản xuất công nghiệp đã nằm trong top đầu cả nước. Vì vậy với 1% tăng trưởng cũng là thách thức.

Đề ra giải pháp cho vấn đề trên, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh xác định phát triển công nghiệp với 5 khu công nghiệp (KCN) vừa được Thủ tướng phê duyệt là động lực chính. Trong đó, tỉnh sẽ khởi công KCN VSIP 2 trong tháng 5 và khẩn trương hoàn thiện thủ tục cho KCN Thuận Thành 1, Gia Bình 1-2 và Quế Võ 3.

“Bắc Ninh sẵn sàng mặt bằng để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi sẽ ưu tiên các dự án 3 cao (công nghệ cao, vốn đầu tư cao, hiệu quả cao) và 2 ít (ít đất, ít lao động) và phải thân thiện với môi trường”, ông Tuấn nói thêm.

Đẩy mạnh xã hội hóa đưa Bắc Ninh lên thành phố trực thuộc Trung ương

Theo đề án được Thủ tướng thông qua, Bắc Ninh là một trong ba địa phương sẽ là TP trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021-2030.

Ông Vương Quốc Tuấn cho rằng đây là điều kiện rất thuận lợi nhưng đòi hỏi nhiều thách thức. Trong đó, Bắc Ninh xác định để hoàn thành đầy đủ các chỉ tiêu thì cần hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư.

“Chúng tôi xác định nguồn vốn Nhà nước sẽ đáp ứng được khoảng 40%, tập trung vào những tiêu chí cấp bách, còn 60% là xã hội hóa”, ông Tuấn nói.

Bắc Ninh là một trong ba địa phương dự kiến là thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Đức Anh.

Vị Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết định hướng của Bắc Ninh là xây dựng các khu đô thị có diện tích lớn, đồng bộ hàng trăm ha. Các nhà đầu tư phải hoàn thiện toàn bộ các trục đường và hệ thống hạ tầng - xã hội xung quanh. Việc này áp dụng cho cả các nhà đầu tư công nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh cũng xác định sớm phát triển một số huyện là Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành lên thị xã rồi sau đó mới lên quận. Tránh tình trạng nóng vội đạt tiêu chí.

Chấm dứt các làng nghề gây ô nhiễm sông Cầu

Trước nội dung phản ánh liên quan đến ô nhiễm trên hệ thống sông Cầu, ông Nguyễn Đình Phương, Phó giám đốc Sở TN&MT, cho biết nguồn ô nhiễm chủ yếu xuất phát từ dòng Ngũ Huyện Khê liên quan tới Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du) và Làng nghề giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh).

Về giải pháp trước mắt, ông Phương cho biết đã thống kê được 102 cơ sở xả thải trái phép, địa phương sẽ kiên quyết tháo dỡ ống xả thải và yêu cầu dừng hoạt động trong thời gian tới. Đồng thời, các cơ sở còn lại phải đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải mới được hoạt động.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết từ nay tới năm 2025, tỉnh sẽ chấm dứt hoạt động ô nhiễm ở khu dân cư, đến 2030 chấm dứt ở cụm công nghiệp.

“Ô nhiễm sông Cầu ảnh hưởng tới người dân nhiều tỉnh, thành. Quan điểm của tỉnh là giải quyết càng nhanh càng tốt nhưng phải đúng pháp luật và đảm bảo sinh kế người dân”, ông Tuấn nói.

Hồng Quang - Đức Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bac-ninh-can-5-ty-usd-dau-tu-de-tro-thanh-tp-truc-thuoc-trung-uong-post1200024.html