Bắc Ninh: Bị hủy bản án vì tòa sơ thẩm xét xử thiếu công tâm

Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh mở phiên sơ thẩm xét xử vụ kiện 'Tranh chấp đòi tài sản' khi không có mặt bị đơn. Bản án này sau đó đã bị tòa Giám đốc thẩm tuyên hủy.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trí Đức có địa chỉ tại xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh phản ánh về việc thẩm phán, chủ tọa Nguyễn Tuyết Mai, Phó chánh án Tòa án nhân dân huyện Quế Võ xét xử thiếu khách quan đối với vụ kiện “Tranh chấp đòi tài sản” khiến Công ty của ông Thịnh bị hạ uy tín, phải ngừng hoạt động.

Trong vụ án này, 3 nguyên đơn gồm: ông Cung Văn Tý (huyện Quế Võ), ông Nguyễn Khắc Cường (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và ông Hoàng Văn Hải (huyện Việt Yên, Bắc Giang); bị đơn là ông Thịnh.

Theo phản ánh, năm 2011 ông Thịnh có ký hợp đồng thi công công trình đường giao thông nông thôn tại Mao Yên, xã Phượng Mao, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Khi đó ông Tý đã đề xuất hợp tác và nhận cung cấp một số sắt thép vào công trình (do trước đây ông Tý làm nhân công cho Công ty Him Lam và được trả bằng sắt thép thay cho tiền công). Ông Thịnh nhận lời và nói nếu sau khi xong công trình, chủ đầu tư không có tiền mà trả bằng ruộng thì phải lấy ruộng canh tác. Ông Tý đồng ý và mang sắt thép tới để thi công. Đến cuối năm 2011 khi thi công xong, ông Tý nhất định đòi lấy tiền, đồng thời tính giá trị sắt thép là 171 triệu đồng, lãi 2% thành tiền là 251 triệu đồng -số tiền này ông Thịnh đã trả cho ông Tý.

Một nguyên đơn khác là Hoàng Văn Hải có quen biết với ông Thịnh nên khi thực hiện công trình được 3 tháng thì ông Hải giới thiệu ông Cường với ông Thịnh để ông Cường làm kỹ thuật. Do thấy ông Cường biết quyết toán sổ sách nên ông Thịnh đã đồng ý cho vào làm chung vì công trình rất cần người có chuyên môn kỹ thuật để giám sát. Trước khi đồng ý cho ông Cường và ông Hải vào làm chung, ông Thịnh đã nói công trình chỉ được 80%, còn 20% được trả bằng ruộng, hai ông đã đồng ý. Ông Hải và ông Cường đã góp vốn 424 triệu đồng, nhưng sau 03 tháng, ông Thịnh đã thanh toán cho cả 2 tổng cộng gốc và lãi là 567 triệu đồng vì khi thi công xong ông Cường không đủ năng lực để làm hồ sơ quyết toán nên ông Thịnh đã phải thuê người ngoài làm quyết toán.

Theo ông Thịnh việc thanh toán cả gốc và lãi cho ông Tý, ông Hải và ông Cường đã thể hiện việc không còn chung nhau nữa bởi 3 ông không phải là thành viên, cổ đông của công ty. Ông Thịnh cho rằng mình chỉ vay lãi của 3 người này. Nhưng ông Tý, ông Cường và ông Hải đã lấy lí do góp vốn làm ăn để yêu cầu ông Thịnh chia lợi nhuận từ công trình đã thi công. Điều này ông Thịnh không đồng ý vì ông cho rằng bản thân chỉ vay tiền và vật tư nhưng sau đó đã trả hết, không nợ đồng nào, bên cạnh đó không có thỏa thuận làm ăn giữa các bên. Từ đó dẫn tới việc ông Thịnh bị ông Tý, ông Cường và ông Hải kiện đòi tài sản lên Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 10/2/2015, Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 48/ 2014/ TLST- DS ngày 2/6/2014 về việc “Kiện đòi tài sản” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2014/ QĐXX-ST ngày 31/12/2014.

Tòa Giám đốc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Quế Võ

Đáng nói, ngày 20/3/2015, Chi cục thi hành án dân sự huyện Quế Võ đã đến thi hành án, ông Thịnh mới "ngã ngửa" khi biết Tòa án nhân dân huyện Quế Võ đã mở phiên sơ thẩm xét xử vắng mặt ông.

Vì các lẽ trên, ngày 5/10/2017, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa Giám đốc thẩm xét xử vụ án “Kiện đòi tài sản” và quyết định tuyên hủy bản án sơ thẩm số 05/2015 ngày 10/2/2015 của Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm đúng quy định của pháp luật.

Lý do hủy bản án cấp sơ thẩm là chưa tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ để làm rõ các vấn đề trong vụ án, chưa lấy lời khai của các bên để đối chiếu với các chứng từ, mà chỉ sử dụng những bản photocopy kê khai có chữ kí của bên nguyên đơn trong vụ án để xác định nhiều vấn đề. Việc làm này khiến kết luận chưa đủ căn cứ và chưa được đảm bảo quyền lợi cho bị đơn.

Nói về lý do kiện ông Thịnh, ông Cường cho rằng ông Thịnh đã trả hết cho anh em, tiền rút trả cho anh em thời gian có trên hồ sơ, còn tiền lãi từ công trình thì ông Thịnh chưa chia cho anh em.

Biên lai thu tiền lệ phí của Tòa án nhân dân huyện Quế Võ

Để rộng đường dư luận, PV liên hệ với ông Đỗ Văn Đại, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quế Võ và được ông giới thiệu xuống làm việc với ông Nguyễn Sỹ Cây, thẩm phán đang thụ lí vụ án này. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Sỹ Cây cho biết: “Tòa án yêu cầu các nguyên đơn phải nộp tiền ứng án phí, nếu nộp tiền thì tòa mới giải quyết, nếu không nộp thì tòa sẽ đình chỉ lại, đến 7/9 thì các ông mới nộp tiền”.

Được biết, ngày 7/9/2018 các đương sự đã nộp tiền tạm ứng án phí đầy đủ. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 tháng trôi qua mà Tòa án nhân dân huyện Quế Võ vẫn chưa có động thái gì thông báo tới các đương sự.

Liệu việc chậm nộp tiền ứng án phí có thật sự là lý do khiến Tòa án nhân dân huyện Quế Võ chưa đưa vụ án ra xét xử lại? Tòa án nhân dân huyện Quế Võ có trách nhiệm gì khi để một phiên tòa sơ thẩm diễn ra khi vắng mặt bị đơn, chưa đủ tài liệu căn cứ làm ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi chính đáng của bị đơn?

Câu hỏi này xin gửi tới ông Chánh án Tòa án nhân dân huyện Quế Võ, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh.

Chính Thuần - Văn Khê

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/bac-ninh-bi-huy-ban-an-vi-toa-so-tham-xet-xu-thieu-cong-tam-d2060714.html