Bắc Nam sum họp một nhà đông vui...

'Nửa thế kỷ theo đuổi và thể hiện những ca khúc cách mạng, với tôi, được ngân lên những bài hát ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng của thế hệ cha anh là niềm tự hào sâu sắc của người nghệ sĩ. Đặc biệt, trong dịp đồng bào, chiến sĩ cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 43 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, lòng tôi trào dâng cảm xúc vì được cùng các nghệ sĩ, chiến sĩ sống lại những năm tháng hào hùng của dân tộc thông qua biểu diễn các tiết mục đặc sắc, đậm chất sử thi trong chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng'.

Lời tâm sự của NSND Thu Hiền cũng là cảm nhận chung của nhiều nghệ sĩ, khán giả khi tham dự chương trình nghệ thuật do Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Đài PT-TH Hà Nội và Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội tổ chức vào tối 27-4 tại Nhà hát Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

Hạnh phúc trào dâng ngày chiến thắng

Tối 27-4, trên khắp phố phường Thủ đô, cờ đỏ sao vàng tung bay hòa vào ánh điện rực rỡ khiến lòng người càng thêm chộn rộn niềm vui trong dịp lễ mừng thống nhất non sông. Đến dự, động viên Chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng có các đồng chí: Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Đỗ Căn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ Gia đình liệt sĩ Việt Nam; Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, Trưởng ban tổ chức chương trình; cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ LLVT, học sinh, sinh viên và người dân Thủ đô.

 Màn hát múa "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" mở màn Chương trình nghệ thuật. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Màn hát múa "Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh" mở màn Chương trình nghệ thuật. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Đối với nhân dân Việt Nam, mỗi lần nhắc đến ngày Chiến thắng 30-4, ai nấy đều dâng lên niềm kiêu hãnh lớn lao, niềm tự hào sâu sắc bởi đây không chỉ là ngày toàn thắng, ngày nối liền non sông một dải, ngày đoàn tụ Bắc-Nam, mà còn là dấu mốc lịch sử đặc biệt đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên cả nước cùng chung một ý chí, nguyện vọng thực hiện mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Bởi vậy, khi liên khúc “Giải phóng miền Nam”-“Tiến về Sài Gòn” (Lưu Hữu Phước)-“Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” (Xuân Hồng) vang lên mở đầu Chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng, những lời ca hào hùng như “chạm” vào ký ức khán giả để mọi người được trở lại những thời khắc vẻ vang, những giây phút huy hoàng của ngày toàn thắng. Từ khí thế ngút trời “Vùng lên, nhân dân miền Nam anh hùng! Vùng lên, xông pha vượt qua bão bùng! Thề cứu lấy nước nhà, thề hy sinh đến cùng!”, đến ý chí quyết tâm cuồn cuộn như thác đổ “Tiến về Sài gòn ta quét sạch giặc thù/ Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô”, sức mạnh thần tốc, quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta đã “cuốn phăng” bè lũ bán nước và cướp nước, để trưa ngày 30-4-1975, lá cờ đỏ sao vàng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, làm cho muôn triệu trái tim Việt yêu nước vỡ òa cảm xúc: Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào/ Sài Gòn ơi cả nước vẫy chào/ Cờ sao đang tung bay cao/ Qua hết rồi những năm thương đau/ Xa ba mươi năm nay mới gặp nhau/ Vui sao nước mắt lại trào!

Niềm tin, khát vọng độc lập, thống nhất non sông

Vinh quang nào cũng từng thấm nước mắt. Hạnh phúc nào cũng từng trải qua đắng cay. Với người dân Việt Nam, để lên đến đỉnh vinh quang Chiến thắng 30-4-1975, ngoài nước mắt, cay đắng, còn phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu của hàng triệu con người. Hơn 20 năm ròng rã, biết bao bà mẹ ngày đêm ngóng đợi tin con, biết bao người vợ mòn mỏi chờ tin chồng, nhưng ai nấy đều một lòng một dạ hướng về Đảng, Bác Hồ, hướng về miền Nam ruột thịt thân yêu. Bởi hướng về Đảng và Bác Hồ là hướng về niềm tin chiến thắng, hướng về lãnh tụ đã khai sáng, mở đường cho dân tộc Việt Nam đi tới mục tiêu độc lập, thống nhất, hạnh phúc, ấm no. Trong những lúc gian khổ nhất, tình thế cách mạng khó khăn nhất, niềm tin chính là điểm tựa tinh thần vững vàng nhất để con người Việt Nam đương đầu với mọi thử thách ngặt nghèo. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhờ bền bỉ nuôi dưỡng, hun đúc niềm tin mà dân tộc ta, nhân dân ta, Quân đội ta đã không nản lòng, nhụt chí, quyết tâm giữ vững niềm tin sắt đá đến ngày thắng lợi cuối cùng như lời Bác Hồ căn dặn: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”, bởi vì như Người từng khẳng định một chân lý bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Liên khúc hát múa do hợp ca và tốp múa nhà hát ca múa nhạc Quân đội trình bày. Ảnh: MINH TRƯỞNG.

Với niềm tin, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, nhân dân ta, từ trẻ đến già, từ miền xuôi đến miền ngược đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ đế dám đánh, quyết đánh và đánh thắng Mỹ-ngụy. Tinh thần ấy đã được tái hiện qua những lời ca giàu xúc cảm như: Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác… Có mối tình nào mà thủy chung mà son sắt như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam (Lời ca dâng Bác-Trọng Loan); Hát lên bài ca chiến thắng.../ Diệt cho hết quân thù để miền Nam giải phóng/ Để nhân dân ta vui quanh Bác Hồ (Cánh chim báo tin vui-Đàm Thanh). Chính niềm tin đó là một trong những động lực, sức mạnh tinh thần để chúng ta có một ngày vui thống nhất: Biển trời xuân sang/ Bắc Nam sum họp một nhà đông vui... (Bài ca thống nhất-Võ Văn Di)…

Nói đến Chiến thắng 30-4 không thể không nhắc đến một hình tượng đã trở thành niềm kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam, đó là anh Giải phóng quân. Tinh thần dũng cảm của chiến sĩ Giải phóng quân từng được nhà thơ Tố Hữu ví như “Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi”; còn vẻ đẹp hiên ngang, bất tử của anh đã được nhà thơ Lê Anh Xuân khắc họa: Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường/ Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/ Anh là chiến sĩ Giải phóng quân/ Tên Anh đã thành tên đất nước… Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

Hình ảnh những người chiến sĩ Giải phóng quân, người lính Cụ Hồ không chỉ anh hùng trong chiến đấu, mà còn hăng say trong lao động sản xuất, xông pha vào những nơi khó khăn, gian khổ, hết lòng gắn bó, giúp đỡ nhân dân trên mọi miền đất nước đã được tái hiện sinh động qua các ca khúc: “Bài ca Trường Sơn” (nhạc Trần Trung, thơ Gia Dũng), “Bài ca bên cánh võng” (Nguyên Nhung), “Trên công trường rộn tiếng ca” (Ngô Quốc Tính), “Trên đường ta đi tới” (Bửu Huyền)…

Sáng mãi “Đường chúng ta đi”

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã để lại cho chúng ta bài học quý báu, đó là dù trong bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào cũng phải giữ vững độc lập, tự do và đoàn kết một lòng để chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Nêu cao truyền thống quật cường, ý chí nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và không ngừng tìm tòi, sáng tạo để đạt kết quả, chiến thắng cao nhất cũng là kinh nghiệm quý mà các thế hệ cha anh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc để lại cho thế hệ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giang sơn gấm vóc Việt đã thấm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ tiền nhân! Nguyện theo con đường cha anh đã chọn; nguyện sống, lao động, học tập, chiến đấu và công tác để đền đáp công lao và xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ đi trước là thông điệp gửi tới khán giả qua các ca khúc: “Đất nước lời ru” (Văn Thành Nho), “Đường chúng ta đi” (Đỗ Nhuận), “Tổ quốc gọi tên mình” (nhạc Đinh Trung Cẩn, thơ Phan Quế Mai)…

Sức hút, sự hấp dẫn của Chương trình nghệ thuật Bài ca Chiến thắng không chỉ là những ca khúc giàu chất sử thi, đậm chất trữ tình cách mạng, mà còn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như: NSND Thu Hiền, Anh Thơ, Lan Anh, Xuân Hảo và các ca sĩ trẻ Thụy Miên, Tuyết Nga, Viết Danh… cùng nam nữ diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội.

Ban tổ chức cùng các đại biểu khách quý tặng quà 4 đơn vị Quân đội huấn luyện chiến sĩ mới năm 2018 trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: MINH TRƯỜNG.

Chia sẻ cảm xúc với phóng viên Báo Quân đội nhân dân khi tham dự chương trình này, ca sĩ trẻ Tuyết Nga, sinh viên năm thứ ba Khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tâm sự: “Lần đầu được tham dự một chương trình nghệ thuật lớn, em vừa vui sướng, vừa hồi hộp. Khi trình bày ca khúc “Bài ca bên cánh võng” của nhạc sĩ Nguyên Nhung trong chương trình, em đã cố gắng làm mới phong cách thể hiện để bài ca dễ đi vào lòng khán giả, nhất là khán giả trẻ”.

Không chỉ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc cho khán giả thông qua những bài ca cách mạng đã đi cùng năm tháng, Chương trình nghệ thuật Bài ca chiến thắng còn góp thêm một món ăn tinh thần bổ ích tặng khán giả Thủ đô và cả nước trong dịp Đại lễ Chiến thắng 30-4 của nhân dân Việt Nam.

Chương trình nghệ thuật Bài ca Chiến thắng càng trở nên ý nghĩa khi Ban tổ chức trao quà tặng 4 đơn vị quân đội đang làm nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ mới năm 2018, gồm: Sư đoàn 361 (Quân chủng Phòng không-Không quân), Lữ đoàn 113 (Binh chủng Đặc công), Lữ đoàn 139 (Binh chủng Thông tin liên lạc), Trung đoàn 692 (Sư đoàn 301, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Ban tổ chức cũng phối hợp với Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Bộ Tài chính) trao 50 triệu đồng tặng học sinh nghèo hiếu học ở một số địa phương.

ANH THẢO

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn//van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/bac-nam-sum-hop-mot-nha-dong-vui-537576