Bắc Mỹ 2018: Dấu hỏi từ những quyết sách khó lường

Trải qua nửa nhiệm kỳ, với những quyết sách gắn liền với viễn cảnh một 'Nước Mỹ trên hết', ông Donald Trump đã gây dựng hình ảnh một vị tổng thống Mỹ vừa quyết đoán, vừa là nguồn cơn của mọi sự tranh cãi. Năm 2018 cũng khẳng định một thực tế, rằng 'nhất cử nhất động' của người đứng đầu Nhà Trắng đều tạo ra những thay đổi mạnh mẽ với không chỉ riêng xứ cờ hoa mà còn với cả khu vực Bắc Mỹ và thế giới.

Đúng như dự đoán, chính trường Mỹ đã trải qua thêm một năm đầy biến động. Nếu như việc đảng Cộng hòa của ông Donald Trump để tuột quyền kiểm soát Hạ viện vào tay phe Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 vừa qua là điều có thể tiên liệu, thì việc hàng loạt quan chức cấp cao trong chính quyền đương nhiệm phải rời “ghế nóng” quả thực khiến dư luận trong và ngoài nước Mỹ choáng váng. Nhìn vào bản danh sách dài dằng dặc những quan chức bị ông Donald Trump cho “về vườn” trong năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều cái tên thuộc hàng “cao cấp” như Cố vấn An ninh quốc gia H.R. McMaster, Ngoại trưởng Rex Tillerson, Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly…

Bức thư từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis khi thời điểm kết thúc năm cũ đã cận kề nhằm phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump rút các binh sĩ Mỹ khỏi Syria lại càng cho thấy, dưới thời chính quyền Donald Trump, mỗi ngày trôi qua là một ngày khó lường và thiếu ổn định đối với chính trường Mỹ.

Sự quyết liệt và khó lường ấy còn được Tổng thống Donald Trump thể hiện thông qua những chính sách liên quan tới kinh tế, khi ông phát động cuộc chiến thương mại nhằm vào hàng loạt đối tác lớn của Mỹ, trong đó mục tiêu hàng đầu là Trung Quốc. Sau khi thẳng tay áp thuế đối với lượng sản phẩm trị giá 250 tỷ USD từ Bắc Kinh, đầu tháng 12 vừa qua, chính quyền của ông Donald Trump tiếp tục dành cho đối thủ thêm một gáo nước lạnh bằng vụ bắt giữ nữ Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) của Tập đoàn Huawei, vốn được coi là niềm tự hào của ngành công nghệ Trung Quốc. Trên lý thuyết, hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn đang thực thi “lệnh đình chiến thương mại" 90 ngày theo thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp giữa ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thủ đô Buenos Aires (Argentina) ngày 1-12 vừa qua. Tuy nhiên, vụ bắt giữ nữ doanh nhân nổi tiếng của Trung Quốc báo hiệu một cuộc đối đầu toàn diện trong nay mai giữa hai cường quốc.

Không chỉ có đối thủ mà ngay cả những quốc gia được coi là bạn bè và đồng minh truyền thống của Mỹ cũng lâm vào tình cảnh lao đao bởi cuộc chiến thương mại gắn liền với hình bóng của tỷ phú Donald Trump. Theo cách nhìn nhận của ông Donald Trump, lâu nay nước Mỹ luôn bị các đối tác “chèn ép và đối xử tồi tệ”, bằng chứng là nền kinh tế số 1 thế giới phải gánh trên vai khoản thâm hụt thương mại khổng lồ cùng vô số những khoản đóng góp bất bình đẳng.

Thế nên mỗi quyết sách bất ngờ mà ông Donald Trump đưa ra luôn nhắm tới mục tiêu đòi lại sự công bằng cho nước Mỹ. Và để làm được điều đó, ông thẳng thừng tuyên bố đồng minh và bạn bè “không còn quan trọng” nếu những quốc gia ấy phớt lờ lợi ích của nước Mỹ. Đối với nội bộ Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump cũng sẵn sàng loại bỏ những nhân vật mà ông cho rằng không cùng chí hướng trên con đường “đưa nước Mỹ trở lại vĩ đại”, dù đó là những người ông từng đích thân “chọn mặt gửi vàng”.

Thái độ quyết liệt của người đứng đầu nước Mỹ phần nào đã giúp ông có được điều mà mình mong muốn. Trong đó, việc Washington cùng hai quốc gia khác trong khu vực Bắc Mỹ là Mexico và Canada đạt được Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA), thay thế cho Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có thể coi như một ví dụ điển hình. Bởi ngay từ giai đoạn tranh cử tổng thống năm 2016, ông Donald Trump đã chỉ trích NAFTA gây bất lợi cho Hoa Kỳ trong quan hệ thương mại với hai quốc gia láng giềng, đồng thời tuyên bố nếu đắc cử, ông sẽ cho xem xét lại, thậm chí là hủy bỏ hiệp định có từ năm 1994 này. Dù giới phân tích cho rằng so với NAFTA, USMCA thực chất chỉ là một dạng "bình mới rượu cũ", nhưng việc Mexico và Canada chấp nhận đặt bút ký hiệp định này phần nào cho thấy sự quyết liệt của ông Donald Trump trên bàn đàm phán đang thực sự đem lại lợi ích cho nước Mỹ.

Cũng trong năm 2018, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran cùng nhiều hiệp ước và cam kết quốc tế, Tổng thống Donald Trump đột ngột tuyên bố giảm bớt lực lượng tại Afghanistan và đến ngày 19-12 vừa qua tiếp tục ra lệnh rút các binh sĩ Mỹ khỏi Syria. Trong khi nội bộ nước Mỹ cho rằng những quyết định này sẽ làm suy giảm vị thế và tầm ảnh hưởng của nước Mỹ, đồng thời tạo ra thách thức nghiêm trọng tới trật tự thế giới vốn được định hình từ lâu, các đồng minh của Washington cũng đứng ngồi không yên với suy nghĩ rằng nước Mỹ đang quay lưng lại với bạn bè.

Thế nhưng, bỏ ngoài tai khuyến cáo của các tướng lĩnh và ngay cả các nghị sĩ trong đảng Cộng hòa, Tổng thống Donald Trump vẫn tự tin vào quyết định của mình. Với ông, việc đưa 2.000 lính Mỹ về nước giống như một món quà Giáng sinh đầy ý nghĩa mà ông dành cho gia đình họ và khiến ông trở thành một người hùng. Còn ai đúng ai sai, lợi hại thế nào hạ hồi sẽ rõ!

Phải thừa nhận rằng, bất chấp những con số kinh hoàng về bạo lực súng đạn học đường hay thực tế Chính phủ Mỹ phải đóng cửa lần thứ ba chỉ trong một năm do sự bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về khoản tiền 5 tỷ xây bức tường biên giới với Mexico, nước Mỹ đã trải qua một “năm vàng” về kinh tế, thương mại. Số liệu thống kê cho thấy dưới sự chèo lái của “chiến lược gia” Donald Trump, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng liên tục và đạt mức kỷ lục 4,2% trong quý 2 và cả năm ước đạt 3%. Thêm vào đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ cũng đang tiến gần tới ngưỡng kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,7%, mức thấp nhất kể từ tháng 12-1969…

Cũng không thể quên sự dẫn dắt của ông Donald Trump để có được cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều tại Singapore vào ngày 12-6-2018 mà ở đó, người ta nhìn thấy hình ảnh một vị tổng thống Mỹ khác hẳn: Ôn hòa, khôn khéo và “rất được việc”. Quan trọng hơn, cuộc gặp ấy đã mở ra hy vọng giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên-điều mà những người tiền nhiệm của ông Donald Trump chưa ai làm được.

Chắc chắn, những kết quả tích cực đó sẽ là điểm cộng không nhỏ dành cho vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ trong cuộc bầu cử vào năm 2020 nếu như ông đang hướng tới một chính sách lớn khác, đó là “tái đắc cử trên hết”.

Không chỉ tác động mạnh mẽ tới tình hình khu vực Bắc Mỹ cũng như thế giới, những quyết sách của Tổng thống Donald Trump trong năm 2018 khiến người ta phải đặt câu hỏi về vị thế hiện nay của nước Mỹ. Song có lẽ, câu hỏi lớn nhất là liệu còn những điều gì bất ngờ hơn diễn ra trong hai năm cầm quyền còn lại của ông?

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/bac-my-2018-dau-hoi-tu-nhung-quyet-sach-kho-luong-559093