Bắc Macedonia - thành viên thứ 30 của 'gia đình' NATO

Sau 30 năm, mong muốn trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Bắc Macedonia đã thành hiện thực và được coi là một 'thành tựu lịch sử'. Thành viên mới này được kỳ vọng sẽ giúp cho NATO củng cố năng lực an ninh tại khu vực Tây Balkan cũng như khu vực châu Âu – Đại Tây Dương.

Cờ Bắc Macedonia (trái) và cờ NATO. Ảnh: News

Cờ Bắc Macedonia (trái) và cờ NATO. Ảnh: News

Theo công bố của NATO cuối tuần qua, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này đã kết nạp thêm thành viên là Bắc Macedonia. Ông Jens Stoltenberg - Tổng Thư ký NATO khẳng định rằng, với sự tham gia của Bắc Macedonia, NATO đã có tổng số 30 quốc gia thành viên với dân số gần 1 tỷ người và NATO đang trở nên mạnh mẽ hơn trước mọi thách thức. Mặt khác, việc trở thành thành viên của NATO sẽ là “bước đệm” quan trọng thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng của Bắc Macedonia. Đồng quan điểm với Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, ông Stevo Pendarovski - Tổng thống Cộng hòa Bắc Macedonia bày tỏ sự vui mừng và gọi đây là “thành tựu lịch sử” của đất nước kể từ khi giành được độc lập xuyên suốt 3 thập kỷ qua.

Đánh giá về sự kiện này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định, nỗ lực bền bỉ của Bắc Macedonia xuyên suốt 30 năm qua thể hiện ý chí và quyết tâm của Chính phủ và người dân nước này. Còn Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhìn nhận rằng, với sự tham gia của quốc gia thuộc khu vực Đông Nam châu Âu này, NATO sẽ củng cố tốt hơn về an ninh và ổn định tại khu vực Tây Balkan cũng như khu vực châu Âu – Đại Tây Dương. Đồng thời, sự kiện này là minh chứng rõ ràng cho thấy nỗ lực thực hiện chính sách mở cửa của NATO.

Lý giải về hành trình 30 năm xin gia nhập NATO đầy khó khăn của Bắc Macedonia, giới chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, để trở thành thành viên của liên minh quân sự lớn nhất thế giới đối với một quốc gia nhỏ như Bắc Macedonia là điều vốn không dễ dàng. Trên thực tế, Bắc Macedonia chỉ có dân số khoảng 2 triệu người và mới được thành lập trong 30 năm sau khi Liên bang Nam Tư tan rã vào năm 1991. Cùng với đó, kể từ khi thành lập, quốc gia này có tên gọi là Macedonia – trùng tên với một tỉnh của Hy Lạp, điều này đã khiến một thành viên NATO là Hy Lạp một mực không đồng tình cho Macedonia gia nhập NATO.

Đến năm 2018, sau nhiều bước tiến về ổn định và phát triển đất nước, một trong những “cú hích” thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình gia nhập NATO là việc Macedonia cùng Hy Lạp thực hiện thỏa thuận song phương, trong đó, Macedonia đổi tên thành Bắc Macedonia. Tiếp đó, kể từ tháng 2-2019, sau khi Bắc Macedonia ký kết Nghị định thư gia nhập, Bắc Macedonia đã tham dự tất cả cuộc họp của NATO với tư cách là khách mời. Đây được xem là cột mốc quan trọng giúp Bắc Macedonia tiến đến “giấc mơ” của nhiều thế hệ.

Đánh giá về sức mạnh của NATO hiện nay, các chuyên gia chính trị - quân sự nhìn nhận, sự rạn nứt của NATO vốn đã bị phơi bày lâu nay mà “giọt nước tràn ly” chính là câu nói “NATO đang chết não” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 11 năm ngoái trong sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập NATO. Tổng thống Pháp cũng đặt ra “dấu hỏi” đối với quy định việc một thành viên bị tấn công quân sự được xem là tấn công cả NATO. Điều dễ dàng nhận thấy về sự bất ổn của NATO đó là sự chênh lệch về vị thế và năng lực của các thành viên ngày càng lớn. Đây là “mấu chốt” khiến việc chia sẻ trách nhiệm không đồng đều, mà điển hình là mâu thuẫn gay gắt giữa Mỹ với các nước thành viên thuộc châu Âu về đóng góp chi tiêu quốc phòng. Mặt khác, các nhóm thành viên trong liên minh nhiều khi còn không cùng xác định “kẻ thù chung” giống nhau.

Phản biện quan điểm về việc Bắc Macedonia tham gia vào NATO sẽ giúp liên minh này trở nên mạnh hơn, một số chuyên gia chỉ ra rằng, NATO đang có một lượng thành viên rất lớn, trong khi những bất ổn nội bộ của NATO trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ sự chênh lệch tiềm lực của các thành viên. Chính vì vậy, việc tăng lượng thành viên chưa thể khẳng định sẽ giúp NATO mạnh hơn trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bac-macedonia-thanh-vien-thu-30-cua-gia-dinh-nato/