Bạc Liêu phổ biến các Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10

Sáng nay (15/4), Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị phổ biến các Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (đợt 2). Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL tỉnh Bạc Liêu Trần Minh Đức Chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh là thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tỉnh; Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện, công chức phụ trách phụ trách thanh tra, pháp chế các Sở, ngành,… trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

 Đại tá Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu quán triệt tại Hội nghị.

Đại tá Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu quán triệt tại Hội nghị.

Phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật Cư trú, Đại tá Thành Thật - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: Điều 23 (Luật Cư trú năm 2020) quy định địa điểm không được đăng ký thường trú mới, gồm: Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn; di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét,... đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, điểm mới của Điều 25, tách hộ (Luật Cư trú) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng đăng ký tách hộ để lập thành một hộ gia đình mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đồng thời, được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ gia đình đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.

Để hiểu rõ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lữ Thanh Tùng, triển khai một số nội dung cơ bản của Luật bảo vệ môi trường, cho biết: So với Luật BVMT năm 2014, Luật BVMT 2020 có những điểm mới mang tính đột phá như: Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình trong công tác BVMT, Luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về BVMT, qua đó giúp cộng đồng dân cư có thể tham gia giám sát hoạt động BVMT thông qua công nghệ thông tin, tương tác các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.

Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; đánh giá, theo dõi chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin; cảnh báo cho cộng đồng và triển khai các biện pháp xử lý trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng,…

Cùng với đó, Luật sư Lê Hải Lâm giới thiệu Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Một trong những quy định đáng chú ý khác của Luật này. Cụ thể điểm đ Khoản 1 Điều 6 nêu rõ: Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, người lao động khi làm việc ở nước ngoài còn được bổ sung thêm các quyền sau: Được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền, nghĩa vụ và hưởng các lợi ích trong hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề; Không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động hoặc vùng lãnh thổ đến làm việc,…

Tại Chương 2 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó là cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động này.

Văn bản quy định rõ, tại các khu vực như: đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, đang bị nhiễm xạ, bị nhiễm độc, đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm, NLĐ không được đến làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (gọi tắt là DN dịch vụ) phải có vốn pháp định không thấp hơn năm tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư,…

Điều 13 Luật Biên phòng Việt Nam đặt ra 12 nhiệm vụ cho Bộ đội Biên phòng, vừa kế thừa Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, vừa bổ sung thêm một số quy định mới cho phù hợp với thực tiễn và để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ đội Biên phòng với những lực lượng khác. Ở khu vực biên giới, cửa khẩu, hoạt động của lực lượng Bộ đội Biên phòng có cả tính chất quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng số 02/1997/PL-UBTVQH9 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trần Minh Đức yêu cầu các đơn vị tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng PHPBGDPL tỉnh Trần Minh Đức yêu cầu tổ chức, đơn vị hướng dẫn, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho Nhân dân; tích cực vận động đoàn viên, Thanh niên, tuân thủ và chấp hành pháp luật,… Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, nhằm để giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và các báo cáo viên nắm được những nội dung cơ bản của luật để tiếp tục phổ biến lại cho nhân dân và những đối tượng có liên quan, tạo nền tảng, tiền để và chuẩn bị cho luật có hiệu lực thi hành sẽ được thực hiện tốt…/.

Trọng Nghĩa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/bac-lieu-pho-bien-cac-luat-duoc-quoc-hoi-thong-qua-tai-ky-hop-thu-10-584123.html