Bạc Liêu: Nghi vấn một bản án có dấu hiệu vi phạm tố tụng?

Trong khi nguyên đơn trong vụ án liên tục làm đơn yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm, luật sư đã chỉ ra bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu có nhiều sai sót, chưa đảm bảo khách quan, đồng thời vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng?

Chuyển nhượng hay cầm cố?

Gửi đơn kêu cứu đến Pháp luật Plus, ông Quách Văn Phúc (ngụ ấp Ninh Chùa, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) trình bày: Năm 1990, do hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng ông có vay nợ vợ chồng ông ông Quách Văn Lực và bà Phan Thị Út (ngụ cùng ấp) với số tiền 3.000.000đ. Đến năm 1992, số tiền lãi lên đến 15.000.000đ nên vợ chồng ông Phúc đã phải cầm cố phần đất có diện tích đo đạc thực tế 15.107,06m2 (tọa lạc tại ấp Ninh Chùa, xã Ninh Quới A) cho vợ chồng ông Lực, với giá 31,5 chỉ vàng 24k để cấn trừ nợ.

Phần đất xảy ra tranh chấp.

Theo ông Phúc, lúc cầm cố, hai bên có làm giấy tờ tay nhưng không quy định rõ thời hạn chuộc đất, chỉ ghi khi nào vợ chồng ông Phúc trả đủ số vàng thì chuộc lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ông Phúc cho biết, do đi làm thuê ở Cà Mau lâu năm nên giấy tờ cầm cố đất đã bị thất lạc.

Ông Phúc còn cho biết, sau khi cố đất, ông cũng thực hiện nghĩa vụ kê khai đăng ký phần đất trên với chính quyền địa phương để sau này về chuộc lại đất. Sau đó, ông Phúc được UBND huyện Hồng Dân cấp Giấy chứng nhận QSDĐ ngày 01/01/1996.

Đến năm 2008, gia đình ông Phúc quay về chuộc lại phần đất nói trên thì vợ chồng ông Lực không đồng ý và cho rằng vợ chồng ông Phúc đã sang nhượng đất cho bà Quách Thị Huyền (con gái ông Lực).

Vợ chồng ông Phúc sau đó khởi kiện ra TAND huyện Hồng Dân để giải quyết.

Ngày 12/8/2010, TAND huyện Hồng Dân đã xét xử sơ thẩm và tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu của vợ chồng ông Phúc kiện vợ chồng ông Lực đòi lại quyền sử dụng đất.

Ông Phúc làm đơn kháng cáo, đồng thời Viện KSND huyện Hồng Dân cũng có kháng nghị đối với bản án sơ thẩm trên.

Ngày 15/6/2011, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm và tuyên xử: Buộc vợ chồng bà Huyền giao trả quyền sử dụng đất trên cho vợ chồng ông Phúc; Buộc vợ chồng ông Phúc giao trả 31,5 chỉ vàng 24k cho vợ chồng bà Huyền; Kiến nghị UBND cấp có thẩm quyền xử lý đối với Giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho bà Huyền ngày 7/8/1997 (cấp trùng với thửa đất đã cấp cho ông Phúc ngày 01/01/1996)…

Sau đó năm 2014, Viện KSND Tối cao có kháng nghị và TAND Tối cao có Quyết định Giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó, giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Hồng Dân xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.

Kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND Tối cao.

Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hồng Dân ngày 24/01/2017 và phúc thẩm của TAND tỉnh Bạc Liêu ngày 19/5/2017 đã tuyên: Buộc vợ chồng ông Phúc trả lại đất cho vợ chồng bà Huyền; hủy một phần Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Phúc đã cấp trước đó…

Bản án vi phạm tố tụng?

Mặc dù bản án đã có hiệu lực, nhưng gia đình ông Phúc cương quyết không giao đất. Trao đổi với phóng viên, vợ chồng ông Phúc cho biết, sở dĩ gia đình không chấp nhận giao đất là vì phán quyết của tòa sơ thẩm và phúc thẩm lần 2 thiếu khách quan, nhìn nhận không đúng bản chất sự việc, còn nhiều dấu hiệu khuất tất, mâu thuẫn chưa được tòa án các cấp xem xét thấu đáo?

Cụ thể, ông Phúc chỉ ra, tại bản án phúc thẩm số 43/2017/DS-PT ngày 19/5/2017 của TAND tỉnh Bạc Liêu, trong phần nhận định của tòa có nêu rằng, đơn xin chuyển nhượng đất ngày 21/01/1994, có chữ ký của vợ chồng ông Phúc và hai nhân chứng nhưng vợ chồng ông Phúc không thừa nhận chữ ký đã ký, còn 2 nhân chứng xác nhận cho rằng không trực tiếp chứng kiến việc chuyển nhượng đất giữa hai bên.

Bản án phúc thẩm ngày 19/5/2017 của TAND tỉnh Bạc Liêu.

Cũng tại phần nhận định của bản án phúc thẩm có nêu, đơn chuyển nhượng đất còn có xác nhận của ấp và UBND xã vào ngày 25/01/1994 và ngày 28/5/1994 nhưng lại không có mặt các bên chuyển nhượng. Còn tại Kết luận giám định số 50/GĐ-2009 ngày 19/3/2009 của Cơ quan giám định Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bạc Liêu kết luận chữ ký mang tên Quách Văn Phúc phía dưới mục “Người chuyển nhượng” trên “Đơn xin chuyển nhưởng ruộng đất” đề ngày 21/01/1994 với chữ ký mang tên Quách Văn Phúc trên các tài liệu mẫu so sánh là do “Không cùng một người ký ra”, còn chữ ký của bà Sơn (vợ ông Phúc) thì không đủ yếu tố để xác định…

Mặc dù TAND tỉnh Bạc Liêu nhận định, các chứng cứ nêu trên chưa đủ cơ sở để xác định đây là giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay giao dịch cầm cố đất, thế nhưng, ngay sau đó lại căn cứ vào kết quả xác minh của người dân tại địa phương cũng như của ông Nguyễn Hoàng Ân (trưởng ấp) và ông Phạm Thanh Tâm (Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Quới) về giá chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp vào thời điểm 1994 có giá 03 chỉ vàng/1 công; đồng thời xét lời khai của vợ chồng bà Huyền phù hợp với các nhân chứng nêu trên để đưa ra cơ sở xác định vào thời điểm 1994, vợ chồng ông Phúc đã chuyển nhượng đất cho vợ chồng bà Huyền. Từ đây, tòa phúc thẩm làm cơ sở bác đơn kháng cáo của vợ chồng ông Phúc.

Những lập luận của TAND tỉnh Bạc Liêu khiến người dân không thuyết phục.

Trong khi đó, theo Thạc sĩ - Luật sư Phan Mạnh Thăng, Đoàn luật sư TP HCM, Luật sư cộng sự chi nhánh Văn phòng luật sư Minh Thiên cho biết, bản án phúc thẩm số 43/2017/DS-PT ngày 19/5/2017 của TAND tỉnh Bạc Liêu đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Thứ nhất, theo Luật sư Thăng, người đang trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên ông Phúc là vợ chồng bà Huyền (đang đứng tên chủ quyền sử dụng đất của ông Phúc). Do vậy, trường hợp này, tư cách tố tụng đúng phải là: Bị đơn: Ông Dũng và bà Huyền; Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Ông Lực và bà Út. Trong khi trước đây, các cấp tòa xác định ngược lại.

Theo ông Phúc, đây là lần thứ 4 gia đình ông làm đơn yêu cầu TAND Cấp cao tại TP HCM kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm suốt hơn 1 năm qua. Tính ra vụ tranh chấp đã kéo dài 1 thập kỷ

Vấn đề này cũng đã được Quyết định giám đốc thẩm của tòa Dân sự TAND Tối cao yêu cầu làm rõ quan hệ tranh chấp ở đây là cầm cố hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất? Tuy nhiên, theo Luật sư Thăng, do xác định sai tư cách tố tụng nên bản án phúc thẩm trên đã không giải quyết rõ?

Thứ 2, bản án phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng vì không hủy bản án sơ thẩm ngày 24/01/2017 của TAND huyện Hồng Dân do vi phạm thẩm quyền xét xử. Luật sư Thăng cho rằng, căn cứ theo Khoản 4 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015 (có hiệu lực 01/7/2016) thì thẩm quyền của tòa án trong trường hợp đương sự có yêu cầu xem xét việc hủy quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức là của TAND cấp tỉnh. Trong trường hợp này, lẽ ra, tòa án cấp phúc thẩm phải hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về tổ thụ lý để phân công giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm…

Ông Phúc cho biết, gia đình đã nhiều lần làm đơn yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm hai bản án nêu trên và đang trông chờ các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Vũ Kiến Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/bac-lieu-nghi-van-mot-ban-an-co-dau-hieu-vi-pham-to-tung-d71470.html