Bạc Liêu: Đau lòng trước gia cảnh anh chị 'xâu xé' khi cha mẹ qua đời!

Đó là tâm trạng của ông Danh Lơn (SN:1972, ngụ ấp Trèm Trẹm, thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) luôn mang theo trên hành trình đi tìm công lý. Chấp nhận phơi bày gia cảnh chỉ mong pháp luật xem xét thấu tình đạt lý, để anh chị em thức tỉnh. Nào ngờ, cơ quan pháp luật giải quyết lại càng khiến cho việc “xâu xé” quyết liệt hơn, tình nghĩa anh chị em cũng ngày một xa dần!

Đơn xin Giám đốc thẩm của ông Danh Lơn

Vốn là con trai út trong gia đình, từ nhỏ cho đến lập gia đình, ông Danh Lơn vẫn là người con duy nhất sống chung cùng cha mẹ. Vì vậy khi không còn đủ sức khỏe để kham chuyện đồng áng, phần đất giữ lại sau khi chia đều cho các con, cha mẹ cũng giao luôn cho ông Lơn canh tác, thu hoa lợi để phụng dưỡng mình.

Theo đó, vào năm 2004, mẹ con ông Lơn đến UBND thị trấn Ngan Dừa để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất từ mẹ sang con. Dù cả 2 mẹ con đều không biết chữ nhưng nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương nên việc chuyển quyền sử dụng đất từ mẹ sang cho ông Lơn cũng hoàn tất thủ tục. Ông Lơn đã được UBND huyện Hồng Dân cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ).

Trong “Đơn xin chuyển quyền cho con”, mẹ ông Lơn nêu rõ mình có 4 người con và các con khi lập gia đình đã được chia đất, nay vì hoàn cảnh già yếu, phần đất còn lại xin chuyển quyền cho ông Danh Lơn sử dụng, canh tác nuôi bà. Ngoài mẹ, 3 anh chị ông Lơn gồm: Thị Quăn, Danh Quân và Thị Nhỏ cũng đồng ý xác nhận trong đơn “chuyển quyền” này.

Theo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện Hồng Dân, vào năm 2004 bà Thị Chanh (SN: 1928) có làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng 5.900m2 đất cho con là Danh Lơn và ông Lơn được UBND huyện Hồng Dân cấp GCN QSDĐ… Đồng thời xác nhận, việc cấp GCN QSDĐ vào năm 2004 cho ông Danh Lơn là hoàn toàn đúng theo trình tự, thủ tục của quy định pháp luật.

Thấy anh là Danh Quân khó khăn nên ông Lơn cho mượn 2.904,1m2 để làm ruộng. Tuy nhiên, do ông Quân bê tha rượu chè nên không canh tác mà cho chị của ông Lơn là Thị Nhỏ canh tác. Thấy vậy, ông Lơn muốn lấy đất lại canh tác thì ông Quân và bà Nhỏ trở mặt, tố ngược ông Lơn “lén lút” lấy GCN QSDĐ của mẹ để sang qua tên mình lên cơ quan chức năng.

Sau khi xem xét, không cơ quan nào chấp nhận khiếu nại này của ông Quân và bà Nhỏ. Ngược lại khuyên ông Lơn đến liên hệ với lực lượng công an tham gia bảo vệ, lấy lại tài sản là phần đất đã được Nhà nước công nhận sở hữu riêng đang bị chiếm dụng.

Một chữ bẻ đôi cũng không có, nghe đâu làm đấy chỉ mong lấy lại đất do cha mẹ để lại. Cuối cùng, ông Lơn phải nhờ đến Tòa giải quyết.

Ngày 17/9/2014, TAND huyện Hồng Dân đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Dù ông Lơn được cấp GCN QSDĐ và Văn phòng Đăng ký QSDĐ cũng xác nhận việc cấp và đổi GCN QSDĐ cho ông Lơn là đúng trình tự thủ tục theo quy định pháp luật. Thế nhưng, tòa sơ thẩm không những không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đòi lại 2.904,1m2 đất đang bị chiếm dụng mà còn kiến nghị UBND huyện Hồng Dân điều chỉnh phần diện tích đất này trong GCN QSDĐ mà ông Lơn đang đứng tên sang cho bị đơn.

Không chấp nhận, ông Lơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo đó, ông Lơn yêu cầu Tòa phúc thẩm cần xác minh những nhân chứng nguyên là cán bộ đã tham gia xác nhận, hướng dẫn, giúp đỡ mẹ con ông hoàn tất thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, đồng thời kiến nghị xem xét nội dung chứng thực của UBND thị trấn Ngan Dừa cũng như nhận định của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất về việc cấp GCN QSDĐ cho ông là hoàn toàn đúng theo tình tự, thủ tục pháp luật quy định.

Thế nhưng, một lần nữa nội dung yêu cầu được xác minh để làm cơ sở pháp lý giải quyết tranh chấp tiếp tục bị bỏ qua. Tòa phúc thẩm cho rằng, cả ông Lơn và ông Quân đều cho rằng phần đất tranh chấp này là do mẹ cho các ông. Để chứng minh cho khai nhận này, trong khi ông Quân chỉ nói là chị em đều biết và thống nhất thì ông Lơn xuất trình được chứng cứ là “Giấy xin chuyển quyền cho con” do mẹ – Thị Chanh đứng đơn ngày 18/7/2004, có xác nhận của chính quyền địa phương và anh chị đồng ký tên. Và với giá trị pháp lý này, “Giấy xin chuyển quyền cho con” đã được Nhà nước công nhận để làm cơ sở xem xét cấp GCN QSDĐ cho ông Lơn.

Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm lại bỏ qua những giá trị pháp lý xác thực của chính quyền địa phương và khẳng định dấu vân tay “không cùng một ngón tay in ra” để bác giá trị pháp lý của “Giấy xin chuyển quyền cho con” mà Văn phòng Đăng ký QSDĐ đã công nhận để làm cơ sở cấp giấy cho ông Lơn!?

Mâu thuẫn hơn, Tòa phúc thẩm không công nhận việc mẹ ông Lơn cho ông phần đất này vì đây là tài sản trong thời kỳ hôn nhân (Cha ông Lơn mất năm 2012 nên việc cho tặng này không phù hợp quy định pháp luật). Quan điểm của Tòa phúc thẩm là vậy! Thế nhưng, Tòa lại chấp nhận việc mẹ ông Lơn trước đó đã cho ông Quân phần đất mà không có ý kiến của cha ông Lơn cũng như ông Quân!

Trao đổi với NB&CL, ông Lơn cho biết, trong khi bản án đang được Tòa cấp cao tại TP.HCM xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì phía Thi hành án liên tiếp tạo áp lực đòi thu hồi chiếc xe máy làm “chân”‘ đi lại kêu cứu của ông để thực hiện thi hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực. Thêm vào đó, cũng với hình thức tương tự như anh trai Danh Quân, chị gái Thị Nhỏ của ông Lơn tiếp bước chiếm dụng luôn phần đất 1.325,8m2 nằm cạnh bên.

Báo NB&CL sẽ tiếp tục cập nhật thông tin vụ việc đến bạn đọc.

Phú Ngọc – Trọng Hiếu

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/bac-lieu-dau-long-truoc-gia-canh-anh-chi-xau-xe-khi-cha-me-qua-doi/