BẠC LIÊU- 20 năm nhìn lại: Bài 3: Ngại gì xây biển, đắp hồ

Nơi nào có sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, nơi đó có niềm tin, nơi đó có chiến thắng! Một trong những nơi đó là Bạc Liêu. 20 năm qua, sự đồng thuận trong định hướng phát triển đã đưa Bạc Liêu phát triển với những bước tiến dài, từ một “đại công trường ngổn ngang”, trở thành vùng đất ổn định, khai mở nhiều tiềm năng, có chỉ số cạnh tranh bình đẳng thuộc hàng cao nhất cả nước. Và hôm nay, cũng chính sự đồng thuận từ nhiều phía, trong đó nổi bật là cộng đồng doanh nghiệp, đang đưa Bạc Liêu chuyển mình, cất cánh mạnh mẽ.

Nhà Mát làm biển nhân tạo

Bạc Liêu có bờ biển dài, nhưng không có những bãi cát trắng, vàng như miền Trung, miền Đông, chỉ có những bãi bồi tít tắp, dưới đó là môi trường nước thuận lợi cho những loài hải sản phát triển. Nói như vậy có nghĩa, khi đến biển Bạc Liêu, du khách sẽ không có điều kiện vẫy vùng trong biển, nhưng lại được thỏa thích thưởng thức hằng hà các loại đặc sản biển không phải đâu cũng có.

Không gian sông nước Hồ Nam Bạc Liêu.

Về Bạc Liêu, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không ghé qua KDL Nhà Mát Bạc Liêu, do Cty CP Ô tô Bảo Toàn đầu tư xây dựng. KDL Nhà Mát đã hoàn thiện hệ thống các công trình resort, nhà hàng, sân khấu ca nhạc, vườn thú… và hàng loạt các dịch vụ vui chơi giải trí khác với quy mô lớn, hiện đại hàng đầu khu vực. Đặc biệt, khi Bạc Liêu không có cát vàng, biển xanh, năm 2014, Cty CP Ô tô Bảo Toàn đã mạnh dạn đầu tư, đưa vào hoạt động công trình biển nhân tạo với công nghệ tạo sóng hiện đại, phục vụ cùng lúc tới 5.000 khách tắm và chơi các trò chơi nước.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Xuân Pha, Chủ tịch HĐQT Cty CP ô tô Bảo Toàn cho biết, khi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh, các nhà đầu tư trong đó có ông đều hăng hái đóng góp xây dựng quê hương Bạc Liêu. Ngoài ra, ông Pha cũng đang có nhiều dự án đầu tư khác, có thể kể tới dự án khách sạn 5 sao hình cây đờn kìm. Dự án có quy mô 16 tầng, trong đó khối đế khoảng 5 tầng “chở” phần chính của dự án là hình chiếc đờn kìm. Hai thang máy của tòa nhà này sẽ được thiết kế như hình dây đờn độc đáo… Theo ông Pha, công trình khi hoàn thành sẽ là điểm nhấn đặc biệt để thu hút khách du lịch đến Bạc Liêu. “Tôi cũng như các DN đều mong muốn địa phương sẽ luôn cải thiện các vấn đề về quy trình, thời gian làm thủ tục đầu tư, hỗ trợ vay vốn… để DN có thể nhanh chóng đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội”, ông Ngô Xuân Pha chia sẻ.

Biến Hồ Nam thành lạc cảnh sông nước miền Tây

N ằ m ngay trung tâm TP. Bạc Liêu, có một địa chỉ có tên Hồ Nam – Khu du lịch mà bất cứ ai đi qua Bạc Liêu cũng muốn ghé. KDL Hồ Nam đủ sức làm du khách choáng ngợp với hồ nước xanh mát rộng tới 12 ha, xung quanh là những hàng thông xanh, bốn bề lộng gió. Đặc biệt, bên cạnh hồ nước lớn là các hồ nhỏ hơn, xen giữa là các nhà hàng, rặng cây, đường hoa… được chủ đầu tư dụng công sắp xếp. Tất cả kết nối, cùng nhau tạo nên một không gian sông nước thơ mộng tuyệt đẹp. “KDL Hồ Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Hiện chúng tôi đã đưa khu trung tâm nhà hàng, tiệc cưới, khu dịch vụ massage, khu tập golf, sân golf vào hoạt động… Chúng tôi sẽ quyết tâm để KDL Hồ Nam phát triển xứng danh địa điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL”, ô n g Nguyễn Chí Luận, Chủ tịch HĐQT KDL Hồ Nam cho biết.

KDL Nhà Mát Bạc Liêu – Ảnh: Nghệ sĩ Thu Đông.

Từ Hồ Nam Bạc Liêu, bên kia hồ nước rộng lớn là công trình tuyệt đẹp New Palace – Hotel & Restaurant đã nên hình nên dạng. Dự án có quy mô xây dựng 5009,2 m 2 , gồm 5 tầng và 1 tầng mái, do Cty TNHH MTV VY DTL làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến sẽ hoàn thiện trong năm 2016, sẽ góp phần thúc đẩy du lịch Bạc Liêu phát triển, khi du khách có thêm sự tiện nghi. Đặc biệt, theo ông Luận, KDL Hồ Nam và New Palace có thể sẽ “kết nối” với nhau qua một con đường ven hồ tuyệt đẹp sắp được mở.

Nói về những khó khăn của Bạc Liêu về địa lý, biến đổi khí hậu, cộng với hướng đi mới của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã vui mừng nói: “Trong nguy cơ chúng ta đã tìm ra thời cơ để phát triển!”

Và ở Bạc Liêu bây giờ, khi tất cả cùng đồng thuận hướng tới kinh tế biển, không có ai phải đứng ngoài cuộc phát triển, bắt đầu từ người nông dân!

LÃNH ĐẠO TỈNH CẦN THƯỜNG XUYÊN TIẾP XÚC, LẮNG NGHE DOANH NGHIỆP

Là một người con của Bạc Liêu, rời công việc nhà nước ra ngoài, tôi luôn ấp ủ quyết tâm, hoài bão rằng phải làm gì đó để góp sức xây dựng quê hương thêm giàu đẹp, phát triển. Cty CP Địa ốc Bạc Liêu của chúng tôi đã thực hiện đầu tư xây dựng thành công dự án khu đô thị mới ở phường 1, TP. Bạc Liêu với diện tích hơn 53h. Sau đó, Cty CP Du lịch Hồ Nam cũng xây dựng và hoàn thiện KDL Hồ Nam rộng hơn 20ha, đã cùng cùng các dự án khác góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị Bạc Liêu, phát triển du lịch. Với vai trò là Chủ tịch của hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Bạc Liêu, tôi rất mong lãnh đạo tỉnh quan tâm nhiều hơn tới các nhà đầu tư, luôn có những chính sách nhất quán, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong các việc như: thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục về đất đai, xây dựng, vay vốn… bởi tỉnh nhà còn gặp không ít khó khăn trong mời gọi, thu hút đầu tư. Tôi cũng kiến nghị tỉnh ủng hộ, hỗ trợ trong việc thành lập Hội doanh nhân tỉnh, lập Hội quán doanh nhân – là không gian giao lưu giữa các doanh nhân với nhau, là dịp để lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe các kiến nghị của doanh nhân để kịp thời có hướng tháo gỡ…

Ông Nguyễn Chí Luận – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Trẻ tỉnh Bạc Liêu

BẠC LIÊU PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH TRUNG TÂM DU LỊCH CẤP VÙNG

Theo Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, giai đoạn 2012-2015, du lịch Bạc Liêu đã khởi sắc và phát triển nhanh, bền vững; hạ tầng du lịch được cải thiện; các dự án văn hóa, du lịch mới được đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã tạo nhiều sản phẩm độc đáo, đặc sắc thu hút khách du lịch. Bạc Liêu có 8/33 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL, thu hút ngày càng nhiều thành phần kinh tế và nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch… Từ năm 2012 đến nay, doanh thu du lịch đạt 3.132 tỷ đồng, tăng trung bình hàng năm là 20,5%, lượng khách du lịch đến Bạc Liêu mỗi năm đều tăng. Giai đoạn 2016-2020, Bạc Liêu phấn đấu tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành trung tâm du lịch cấp vùng. Trong đó có một số mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2020 đón hơn 2 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 2 lần so với năm 2015; doanh thu du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần năm 2015; tỷ trọng GRDP du lịch trong tổng GRDP của tỉnh đến năm 2020 chiếm khoảng 3,89%…

MINH LUÂN – KIÊN GIANG

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/bai-3-ngai-gi-xay-bien-dap-ho/