Bắc Kinh bắt đầu đánh giá, chấm điểm công dân từ năm 2021

Kế hoạch đánh giá 1,3 tỉ dân Trung Quốc dựa trên hành vi xã hội của họ đang tiến một bước gần hơn đến thực tế: Thành phố Bắc Kinh dự kiến khởi động chương trình tính điểm công dân vào năm 2021.

Ảnh: Shutterstock

Theo Bloomberg, thủ đô Bắc Kinh sẽ thu thập dữ liệu từ một số phòng, ban để cho điểm thưởng hoặc điểm phạt khoảng 22 triệu người dân, dựa trên hành vi và danh tiếng của họ. Đây là nội dung kế hoạch được đăng trên trang web của chính quyền thành phố Bắc Kinh tuần này.

Những công dân đạt “điểm số tín nhiệm xã hội” sẽ hưởng nhiều lợi ích tốt, trong khi những người có điểm phạt hoặc vi phạm pháp luật sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống. Dự án của Bắc Kinh sẽ cải thiện hệ thống danh sách đen, để những người bị xem là không đáng tin cậy sẽ “không thể di chuyển dù chỉ một bước” như kế hoạch của chính phủ.

Trung Quốc thử nghiệm hệ thống xếp hạng, tính điểm cho công dân từ lâu. Những người có hành vi tốt được hưởng nhiều dịch vụ, trong khi những người có hành vi xấu thì bị phạt hoặc bị hạn chế. Giới phê bình cho rằng hệ thống này chứa đầy rủi ro, có thể dẫn đến các hệ thống xem con người chỉ hơn thẻ báo cáo một chút.

Nỗ lực của Bắc Kinh hiện tham vọng nhất, song thành phố này cũng chỉ thuộc hơn một chục đô thị cố gắng thúc đẩy chương trình tương tự. Đơn cử, Hàng Châu đã tung hệ thống tín nhiệm cá nhân hồi đầu năm nay, xem các hành động như hiến máu nhân đạo, làm tình nguyện là “hành vi tốt cho xã hội”, và các hành vi như vi phạm luật giao thông là "hành vi xấu", đáng phạt.

Một người thanh toán thông qua ứng dụng Alipay - Ảnh: Bloomberg

Tính đến cuối tháng 5, những người có điểm tín nhiệm xấu ở Trung Quốc bị chặn đặt vé hơn 11 triệu chuyến bay và 4 triệu chuyến tàu cao tốc, theo Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc.

Theo kế hoạch của chính quyền Bắc Kinh, nhiều cơ quan khác nhau sẽ liên kết kho dữ liệu để có bức tranh chi tiết hơn về phản ứng, động thái của người dân trên một loạt dịch vụ. Chính quyền kêu gọi các hãng du lịch, cơ quan quản lý kinh doanh và giới chức quá cảnh hợp tác làm việc với nhau.

Việc theo dõi hành vi cá nhân ở Trung Quốc trở nên dễ dàng hơn khi đời sống kinh tế nước này dần dịch chuyển lên mạng. Các ứng dụng như WeChat của Tencent, Alipay của Ant Financial là trọng tâm trong hoạt động thanh toán, vay mượn và tổ chức giao thông online. Tài khoản trên các ứng dụng thường liên kết với số điện thoại di động và vì thế cần thẻ căn cước của chủ tài khoản.

Hiện phiên bản cuối cùng về hệ thống tín nhiệm xã hội quốc gia Trung Quốc chưa hoàn thiện. Song trong bối cảnh quy định buộc mạng xã hội và các nhà cung cấp internet phải loại bỏ tính ẩn danh và việc áp dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt ngày càng phổ biến, giới chức Trung Quốc ngày càng dễ dàng phát hiện và trừng phạt những người có hành vi xấu.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/bac-kinh-bat-dau-danh-gia-cham-diem-cong-dan-tu-nam-2021-1025732.html