Bắc Kạn tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng

Bắc Kạn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp nên việc cho vay hỗ trợ sản xuất rất quan trọng giúp phát triển kinh tế và các mô hình trang trại, gia trại.

Ngày 8/8, Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức hội nghị gặp gỡ hệ thống các ngân hàng trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn trong hoạt động tín dụng cũng như việc thực hiện Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020.

Thu hoạch chè ở huyện Chợ Đồn Bắc Kạn. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, Bắc Kạn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp nên việc cho vay hỗ trợ sản xuất rất quan trọng giúp phát triển kinh tế và các mô hình trang trại, gia trại; tạo điều kiện hết sức hiệu quả cho các cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Tuy nhiên, việc cho vay cần thực hiện đúng đối tượng, đúng nhu cầu, mục đích, công khai minh bạch, không hình thức.

Thông qua những chính sách người dân được tiếp cận những nguồn vốn hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh; hoạt động kinh doanh cần gắn với các hoạt động an sinh xã hội; đồng thời, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng với người dân, doanh nghiệp và nhà nước.

Thời gian qua, căn cứ chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2017-2020, các ngân hàng trên địa bàn đã chủ động cân đối vốn và xây dựng kế hoạch tăng trưởng dư nợ nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu vốn cho các khách hàng đủ điều kiện theo quy định…

Tính đến hết tháng 7, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 08/2017/NQ-HĐND ngày 11/4/2017 của HĐND tỉnh Bắc Kạn là hơn 2,6 tỷ đồng cho các khách hàng là chủ trang trại, gia trại.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bắc Kạn tích cực triển khai cho vay đối với các hợp tác xã, chủ trang trại, gia trại có nhu cầu vay vốn phát triển trồng trọt, chăn nuôi và chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp thông qua các chương trình tín dụng chính sách.

Tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tính đến hết tháng 7 đạt 5.667 tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ cấp tín dụng của các chi nhánh tổ chức tín dụng và phòng giao dịch ngân hàng đạt 8.595 tỷ đồng; nợ xấu là 273 tỷ đồng, chiếm 3,2% trong tổng dư nợ.

Hiện, hoạt động tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng như việc cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh gặp phải những khó khăn vướng mắc nhất định như: thiếu những dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, khả thi hoặc khách hàng không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.

Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ít và chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến nợ xấu, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của ngân hàng.

Nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm ít, không đáp ứng nhu cầu. Các ngân hàng gặp khó khăn trong quá trình theo dõi, quản lý tài sản đảm bảo tiền vay đối với các dự án vay vốn trung và dài hạn.

Ông Nguyễn Hà An, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Kạn kiến nghị, cần có giải pháp hữu hữu hiệu tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng, chế biến nông lâm sản, khoáng sản.

Đồng thời bố trí nguồn vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản cho các doanh nghiệp đang có nợ xấu tại các ngân hàng.

Theo ông Hà Sỹ Côn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Kạn, cần có sự phối hợp giữa ngân hàng và các đơn vị trong việc triển khai các chính sách tín dụng theo ngành, lĩnh vực như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Cùng với đó là hạn chế phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng bằng việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước./.

Xem thêm:

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/bac-kan-gap-go-cac-ngan-hang-de-thao-go-kho-khan-trong-hoat-dong-tin-dung-/53324.html