Bắc Kạn: Tập trung khắc phục hậu quả thiệt hại do tố lốc, mưa đá

Đêm 17/3 và rạng sáng 18/3, người dân tỉnh Bắc Kạn bàng hoàng vì trận mưa đá kinh hoàng. Đây là trận mưa đá khủng khiếp mà 12 năm trở lại đây, người dân tỉnh Bắc Kạn mới lại thấy.Đêm 17/3 và rạng sáng 18/3, người dân tỉnh Bắc Kạn bàng hoàng vì trận mưa đá kinh hoàng. Đây là trận mưa đá khủng khiếp mà 12 năm trở lại đây, người dân tỉnh Bắc Kạn mới lại thấy.Trận mưa đá diễn ra trong hơn một giờ đồng hồ khiến 2 người dân bị sét đánh bị thương, nhiều nhà dân bị tốc mái, cây cối gãy đổ, tình trạng ngập úng cục bộ, nhiều ha hoa màu bị bùn đất vùi lấp...

Mưa đá ở Bắc Kạn.

Trận mưa đá lớn kèm theo tố lốc, sấm chớp đã làm hai người dân tại thôn Khuổi Slôm, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn bị thương do bị sét đánh. Hiện nạn nhân đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Pác Nặm.

Anh Đặng Thái Sơn ở tổ 8 phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn kể lại: “Đêm hôm qua, gió quất mạnh. Mưa đá lớn, kéo dài đã khiến mái tôn bị nứt. Nghe tiếng đá đập vào mái tôn rầm rầm, mọi người trong gia đình tôi rất lo lắng sập mái nhà. 12 năm trước vào khoảng tháng 11/2006, người dân Bắc Kạn đã hứng chịu trận mưa đá lớn nhưng khong kéo dài như thế này…”

Cây cối gãy đổ trên đường phố tỉnh Bắc Kạn.

Còn ông Phạm Văn Quang, tổ trưởng tổ 7 phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cho biết: “Nhiều tuyến đường nối với ngã ba Hùng Vương và Đội Kỳ, đường nhánh Thanh Niên đều ngập úng. Mức nước dâng cao khá nhanh. Miệng cống quá nhỏ, thu nước không kịp gây ngập úng nhà dân. Đêm mưa, thành phố mất điện, người dân nháo nhác chạy mưa đá và kê kích đồ dạc tránh ngập nước rất chật vật.”

Nhà dân bị tốc mái ở thành phố Bắc Kạn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, đây là trận mưa đá có cường độ khá lớn và kéo dài xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong vài năm trở lại đây, hạt mưa đá có đường kính cũng khá lớn. Lượng mưa đo được vào khoảng 86 mm. Mưa đá kèm gió giật mạnh còn diễn ra trên địa bàn một số xã của huyện Chợ Đồn. Đường kính hạt mưa đá khá lớn với mật độ dày.

Theo thống kê của huyện, tại xã Đông Viên có 7 nhà bị tốc mái chủ yếu ở thôn Bản Cáu, 03 ha ngô bị hư hỏng nặng. Tại xã Đại Sảo có 0,6ha ngô bị mất trắng ở thôn Nà Luông. Thị trấn Bằng Lũng là địa phương bị thiệt hại nặng nhất có 27 nhà bị tốc mái chủ yếu ở 2 thôn Bản Duồng I và Bản Duồng II, với hơn 700 tấm lợp pờ rô xi măng, 3200 viên ngói đỏ bị tốc, vỡ; 01 bức tường đá dài 20 mét cao 2,5 mét bị sạt lở. Một số diện tích cây dưa chuột, hoa màu khác của bà con cũng bị thiệt hại nhưng chưa thống kê được số liệu cụ thể. Mưa đá đã khiến hệ thống điện trên địa bàn bị tê liệt, đến sáng 18/3 một số khu vực của thành phố Bắc Kạn vẫn đang mất điện, Công ty điện lực Bắc Kạn đang huy động công nhân viên khắc phục sự cố. Hiện nay, địa phương đang khẩn trương khắc phục hậu quả.

Nhà dân bị ngập nước ở phường Sông Cầu, Thành phố Bắc Kạn.

Theo bà Đinh Thị Liễu, trưởng phòng Kinh tế thành phố Bắc Kạn cho biết: “Tính đến hết ngày 18/3/2018 tình hình thiệt hại trên địa bàn thành phố tương đối lớn. 39 nhà ở bị lật và tốc mái, 01 nhà bếp bị sập, một số nhà bị ngập úng cục bộ. Bùn đất, đá tràn lan trên một số tuyến đường nội thị như ngã tư Đội Kỳ (gần trường THPT Bắc Kạn), trước cổng trường Dân lập Hùng Vương, khu vực Quảng trường, khu vực Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh…Thiệt hại về nông nghiệp có khoảng 10ha diện tích hoa màu, lúa xuân vừa cấy bị đổ, ngập úng và vùi lấp. Ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng”. Hiện tại các địa phương đang tiếp tục thống kê thiệt hại. Ngay sau khi xảy ra lốc và mưa đá, lãnh đạo UBND tỉnh và TP Bắc Kạn, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố và UBND các xã, phường đã chủ động kiểm tra thiệt hại và chỉ đạo thực hiện khắc phục kịp thời, giải phóng bùn đất trên các tuyến đường bị ngập úng; giúp các hộ dân bị nước tràn vào nhà làm vệ sinh nơi ở sạch sẽ tránh dịch bệnh phát sinh.v.v.

Trận mưa đá lớn tuy không gây thiệt hại về người nhưng cho thấy rõ sự chuẩn bị ứng phó với các sự cố thiên tai gây nên của người dân Bắc Kạn vẫn còn nhiều lúng túng. Thời gian tới, cần nâng cao ý thức chủ động phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại về người cũng như tài sản cho đồng bào dân tộc bằng những việc làm hành động cụ thể như tuyên truyền phổ biến kiến thức về kỹ năng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu; tập huấn kỹ năng cơ bản về chằng néo mái nhà phòng tố lốc, thực hành các thao tác sơ cấp cứu tại chỗ với người bị thương do thiên tai gây nên.v.v.

Mặt khác, địa phương cần quan tâm đến vấn đề thiết kế, quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước trên các tuyến đường nội thị thật khoa học đảm bảo tiêu thoát nước mưa, nước mặt thật nhanh tránh gây ngập úng cục bộ, nước, bùn đất tràn vào nhà dân như hiện nay.v.v.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/bac-kan-tap-trung-khac-phuc-hau-qua-thiet-hai-do-to-loc-mua-da-1250650.html