Bắc Kạn: Nêu rõ trách nhiệm nhưng chỉ phải... rút kinh nghiệm!?

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến vi phạm khi thực hiện Luận chứng kinh tế - kỹ thuật đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Bể.

Tuy nhiên, lại chỉ yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khiến dư luận bức xúc.

Bản đồ địa chính huyện Ba Bể (ảnh minh họa).

Bản đồ địa chính huyện Ba Bể (ảnh minh họa).

Nhiều vi phạm

Năm 2014, UBND huyện Ba Bể chỉ định thầu cho Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp vùng núi phía Bắc (nay là Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp - Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên) lập Luận chứng kinh tế - kỹ thuật (LCKTKT) đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn. Dự án có tổng vốn đầu tư 7.690.779.000 đồng từ nguồn ngân sách huyện.

Tuy nhiên, trung tâm này chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính.

Thực trạng đó dẫn đến sản phẩm là bản đồ, hồ sơ địa chính chưa được Sở TN&MT kiểm tra, xác nhận, dẫn đến không nghiệm thu, quyết toán dự án. Do đó, hồ sơ địa chính không đủ cơ sở bàn giao, đưa vào quản lý sử dụng theo quy định.

Dù chưa được nghiệm thu, quyết toán nhưng UBND huyện Ba Bể đã thanh toán 7.590.779.000 đồng (98,69% tổng kinh phí thực hiện) cho các đơn vị liên quan. Hồ sơ địa chính chưa có giá trị pháp lý nhưng 6.213 GCNQSDĐ đã được cấp cho các hộ dân tại các xã Hà Hiệu, Chu Hương và Yến Dương.

Một góc thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể.

Lãnh đạo không bị kỷ luật

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn đã họp, xem xét hình thức xử lý kỷ luật đối với đảng viên khi thực hiện LCKTKT đo đạc, chỉnh lý bản đồ, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp 10 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Bể.

Theo đó, đối với bà Đỗ Thị Minh Hoa (hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn), trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện, Bí thư Huyện ủy Ba Bể, có phần trách nhiệm trong việc UBND huyện này tổ chức thực hiện LCKTKT không đúng quy định của pháp luật.

Tuy vậy, cho rằng bà Hoa không vụ lợi cá nhân nên không đề nghị kỷ luật.

Kết luận số 105-TB/UBKTTU của Ủy Ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Kạn.

Ông Hà Văn Trường, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH-TT&DL, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Ba Bể, đã ký quyết định đặt hàng đơn vị khảo sát, thiết kế, lập LCKTKT không đúng quy định. Theo các quy định hiện hành thì sai phạm trên phải xem xét kỷ luật. Tuy nhiên, xét các tính tiết giảm nhẹ liên quan, quyết định không xem xét xử lý kỷ luật đối với cá nhân này.

Ngoài 2 lãnh đạo trên, một số cá nhân khác như: ông Lưu Quốc Trung, Phó chủ tịch UBND huyện, thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ dẫn đến việc ký quyết định điều chỉnh LCKTKT và ký quyết định điều chỉnh GCNQSDĐ cho người dân không đúng quy định; ông Nông Ngọc Huấn, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn (trước đây là Phó chủ tịch UBND huyện Ba Bể); ông Lý Văn Linh, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Ba Bể (trước đây là Trưởng phòng TN&MT huyện); bà Đặng Thị Anh Thơ, Trưởng phòng TN&MT huyện Ba Bể cùng có sai phạm.

Tuy nhiên, chỉ duy nhất ông Lý Văn Linh bị kỷ luật khiển trách; còn lại các ông, bà trên cũng đều bị yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, cho biết, sẽ giao thanh tra tỉnh thanh tra lại dự án để làm rõ có gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hay không? Nếu có sai phạm, sẽ kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Ba Bể tiếp tục hoàn thiện, đưa LCKTKT trên vào sử dụng.

Trước hình thức xử lý kỷ luật trên, dư luận nghi ngờ có sự bao che, dung túng cho sai phạm? Đâu là động cơ, mục đích của việc cố ý làm trái quy định của pháp luật?

Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xem xét lại trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan đến vi phạm; bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, tránh gây bức xúc dư luận.

Báo Kinh tế nông thôn tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Trả lời PV VTCnews mới đây, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ I - Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho biết, không biết vô tình hay cố ý mà người ta nhầm lẫn giữa sai phạm và khuyết điểm. Sai phạm khác hoàn toàn với khuyết điểm. Nếu chỉ là khuyết điểm thì có thể rút kinh nghiệm bởi làm việc chẳng ai không mắc khuyết điểm; nhưng đã là sai phạm, vi phạm thì dứt khoát phải xử lý, hình thức thấp nhất là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ Đảng, chứ không thể là rút kinh nghiệm.

Đúng ra, một kết luận khi kiểm tra phải rõ: sai phạm, khuyết điểm đến đâu; những sai phạm, khuyết điểm đó gây tác hại thế nào, tính chất ra sao, ảnh hưởng như thế nào, rồi nguyên nhân chủ quan, khách quan của những sai phạm đó thế nào, từ đó mới kiến nghị hình thức kỷ luật.

Còn để né trách nhiệm, người ta chỉ kết luận chung chung, không rõ sai phạm là gì, nguyên nhân cũng như tác hại của sai phạm đó. “Đã là sai phạm mà chỉ rút kinh nghiệm là nương nhẹ, không có tính răn đe", ông Ngô Văn Sửu nói.

Nhóm PV

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/bac-kan-neu-ro-trach-nhiem-nhung-chi-phai-rut-kinh-nghiem-post31841.html