Bắc Kạn: Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng

Nằm giữa trung tâm khu vực Việt Bắc, tỉnh Bắc Kạn được thiên nhiên ban tặng là nơi 'tụ hội' của những dãy núi cao thuộc Vòng cung Ngân Sơn.

Những ngọn núi cao ngất, tạo ra những khe núi và vực sâu thăm thẳm, để hình thành lên hồ Ba Bể đẹp như tranh vẽ, và nơi đầu nguồn những dòng sông thơ mộng như; sông Cầu, Sông Năng, Sông Đáy...

Chính điều kiên tự nhiên thuận lợi cho phát triển phong trào cách mạng, nên trong thời kỳ vận động cách mạng, Bắc Kạn đã vinh dự là một trong những tỉnh được Đảng, Bác Hồ chọn làm Khu giải phóng Việt Bắc.

Do đó, nhiều căn cứ địa cách mạng, nơi làm việc của lãnh đạo Đảng, nhà nước được bí mật thành lập, nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng cho khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Do đó, cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 nổ ra, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã nhanh chóng giành được chính quyền cách mạng sớm nhất, niềm tự hào là thị xã đầu tiên trong cả nước được giải phóng.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thị xã Bắc Kạn được Trung ương Đảng chọn xây dựng thành khu an toàn (ATK), căn cứ địa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tỉnh Bắc Kạn khi mới tái lập ngày 1/1/1997 (ảnh tư liệu)

Tỉnh Bắc Kạn khi mới tái lập ngày 1/1/1997 (ảnh tư liệu)

Với vai trò là căn cứ địa cách mạng, nhân dân Bắc Kạn hết lòng cưu mang đùm bọc đồng bào tản cư sơ tán, giúp đỡ bộ đội và các cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương đến lưu trú, đồng thời thực hiện tốt việc bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của đạo Đảng, Nhà nước...

Khi Thực dân Pháp khai hỏa chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947), nhằm truy tìm và tiêu diệt chính quyền cách mạng tại núi rừng Việt Bắc,cũng là lúc quân dân Bắc Kạn bám trụ kiên cường suốt hai năm, để đánh chặn địch trên mặt trận Đường số 3, lập nên nhiều chiến công hiển hách đi vào lịch sử và thơ ca như; Các trận đánh công đồn Phủ Thông, Đèo Giàng... buộc thực dân Pháp phải rút chạy khỏi Bắc Kạn. Nhờ những chiến công lẫy lừng đó, Bắc Kạn trở thành tỉnh lỵ đầu tiên của cả nước được giải phóng. Sự kiện lịch sử vẻ vang này được Đảng đánh giá cao, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi.

Chỉ sau một năm sau ngày giải phóng, Bắc Kạn trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong phong trào thi đua kháng chiến kiến quốc. Năm 1950, Bắc Kạn được Chính phủ tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, được vinh dự giữ Cờ luân lưu "Đơn vị có phong trào thi đua khá nhất" do Bác Hồ trao tặng.

Với vai trò và nhiệm vụ là căn cứ địa cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã dồn sức chi viện cho tiền tuyến.

Trong hai năm 1952 - 1953, phong trào hũ gạo nuôi quân và mùa đông binh sĩ, nhân dân Bắc Kạn đã ủng hộ bộ đội hơn 2.000 tấn lương thực, thực phẩm và 2.633 chiếc chăn bông và áo ấm. Hàng nghìn thanh niên con em các dân tộc nơi đây đã lên đường nhập ngũ.

Thanh niên Bắc Kạn trong ngày nhập ngũ (ảnh tư liệu)

Nhiều đơn vị bộ đội địa phương, du kích tập trung đã lập công xuất sắc, được phong tặng nhiều huân chương, huy chương và danh hiệu cao quý, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn luôn thực hiện tốt vai trò tỉnh căn cứ địa, nhiều đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc, được phong tặng những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước của các lực lượng vũ trang.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngày 2 tháng 10 năm 2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn.

Cùng với những thành tích đặc biệt trong kháng chiến chống Thực dân Pháp, 5/8 huyện, thị xã Bắc Kạn và 17/122 xã, phường trong tỉnh Bắc Kạn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đặc biệt là sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân Bắc Kạn trong phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo và đầu tư hạ tầng cơ sở, ngày 11/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất của Chính về việc thành lập Thành phố Bắc Kạn thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Như vậy, thành phố Bắc Kạn cho đến khi có Quyết định thành lập, cũng sẽ được nâng cấp 2 xã Xuất Hóa và Huyền Tụng, lên thành 2 phường mới. Tổng diện tích tự nhiên của thành phố Bắc Kạn sẽ là 13.688ha, dân số 56.818 nhân khẩu, có 8 đơn vị hành chính (2 cấp xã, 6 phường) gồm: Đức Xuân, Phùng Chí Kiên, Sông Cầu, Nguyễn Thị Minh Khai, Xuất Hóa và Huyền Tụng và 2 xã Dương Quang, Nông Thượng.

Âu Vượng

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/bac-kan-manh-dat-giau-truyen-thong-cach-mang-post140166.html