Bắc Kạn: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Các điểm bán hàng Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) được xây dựng trên địa bàn Bắc Kạn đã và đang giúp tạo thị trường đầu ra ổn định, đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa.

Gian hàng OCOP tại Na Rì

Gian hàng OCOP tại Na Rì

Năm nay là năm thứ 3 tỉnh Bắc Kạn triển khai Chương trình OCOP và là năm cuối để đánh giá, tổng kết hiệu quả chương trình giai đoạn 2018 - 2020. Đây sẽ là tiền đề để thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Chương trình OCOP Bắc Kạn đã có những kết quả vượt bậc về số lượng, mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Bắc Kạn đã có 107 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên, trong đó, 8 sản phẩm đạt 4 sao, 99 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng ngày càng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vượt xa so với mục tiêu chương trình giai đoạn 2018 - 2020 (105/40 sản phẩm), đạt 256% kế hoạch.

Các sản phẩm OCOP Bắc Kạn được đánh giá là có sự khác biệt, mang đặc trưng gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của tỉnh; nhiều sản phẩm có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý. Nhiều sản phẩm OCOP đến nay đã vươn ra thị trường, kết nối được với các cơ sở buôn bán vừa và nhỏ, một số siêu thị trong và ngoài tỉnh, như: Bí xanh Ba Bể, củ nghệ của Hợp tác xã (HTX) Tân Thành đã thâm nhập được vào nhiều kênh phân phối lớn trong nước. Bên cạnh đó, có những sản phẩm đã thâm nhập được thị trường châu Âu, điển hình như sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan (huyện Na Rì)...

Cùng với việc xây dựng các sản phẩm chất lượng, Bắc Kạn còn chú trọng xây dựng các điểm bán hàng OCOP. Mới đây, HTX Trần Phú (huyện Na Rì) đã tổ chức khai trương gian hàng OCOP nhằm giới thiệu, quảng bá và phát triển các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương. Sau điểm bán đầu tiên được Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng tại TP. Bắc Kạn, ở nhiều địa phương khác của tỉnh, các huyện đã phối hợp với HTX, doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng các gian hàng riêng để bày bán sản phẩm OCOP. Các điểm bán này đều có đặc trưng là đặt ở những vị trí trung tâm, bày bán các sản phẩm của tỉnh và địa phương lân cận có chất lượng cao, giá thành hợp lý. Từ đó góp phần quảng bá, giới thiệu và phát triển các sản phẩm OCOP tốt hơn.

Từ nay đến cuối năm, tỉnh tập trung hoàn thành việc đánh giá các sản phẩm đăng ký nâng hạng sao; sản phẩm mới đề xuất tham gia năm 2020. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ và khuyến khích HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức sản xuất bài bản, đồng bộ, đáp ứng chuẩn hóa sản phẩm, thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng thêm các điểm bày bán sản phẩm, góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phẩm OCOP của tỉnh, uy tín trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tỉnh Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, có 200 sản phẩm OCOP và phát triển mới ít nhất 60 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP.

Bắc Kạn là tỉnh đầu tiên thành lập Hội doanh nhân OCOP với 89 thành viên là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân, HTX, đơn vị kinh doanh hàng nông sản gặp gỡ, giao lưu, quảng bá, giới thiệu và tiến tới kết nối tìm kiếm đối tác, ký kết giao thương, tiêu thụ sản phẩm…

Phương Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-kan-dua-san-pham-ocop-vuon-xa-143945.html