Bắc Kạn: Đưa đặc sản vùng, miền vươn xa

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang khẳng định là một giải pháp thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí 'kinh tế và tổ chức sản xuất' trong xây dựng nông thôn mới.

Từ một tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng với 10 thành viên, trong đó có 7 hộ nghèo, sau khi được tham dự buổi tuyên truyền về Chương trình OCOP do Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn phối hợp với huyện Ba Bể tổ chức, các thành viên Hợp tác xã (HTX) Nhung Lũy (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) đã xác định được hướng đi cho mình. Theo đó, các thành viên tại HTX đã phát triển các sản phẩm đặc sản của Bắc Kạn như: Sản phẩm lạp sườn, thịt treo gác bếp, quả mác mật sấy khô, quả bí xanh thơm thành các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi và có thương hiệu để bán ra thị trường với số lượng lớn và giá trị cao hơn được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đón nhận. Sản phẩm lạp sườn của HTX đã được Hội đồng đánh giá cấp tỉnh xếp hạng đạt 3 sao. Hiện, HTX đã có 14 thành viên chính thức với thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Chương trình OCOP là giải pháp giúp tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Chương trình OCOP là giải pháp giúp tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa

Đó là một trong những ví dụ thành công của Chương trình OCOP tỉnh Bắc Kạn. Trong giai đoạn 2018 - 2020, UBND tỉnh đã phê duyệt 85 danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và định hướng Chương trình OCOP của tỉnh, trong đó có 30 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị thực hiện trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, đã có hơn 40 sản phẩm OCOP trên địa bàn 53 xã đặc biệt khó khăn; một số sản phẩm thô sơ đã trở thành những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao được thị trường đón nhận như: Gạo khẩu nua lếch Ngân Sơn; miến dong Bắc Kạn; tinh bột nghệ cao cấp Curcumin... Sau khi công nhận sản phẩm năm 2018, một số sản phẩm đã có bước phát triển. Qua đánh giá sơ bộ có khoảng 54% tổ chức kinh tế tăng doanh thu từ 1,1 đến1,4 lần; 27% tổ chức kinh tế tăng doanh thu 1,5-2 lần và có khoảng 19% tổ chức kinh tế tăng doanh thu lớn hơn 2 lần.

Chương trình OCOP đã tạo ra một giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển kinh tế gắn với nhóm kinh tế và tổ chức sản xuất trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, do xuất phát điểm là một tỉnh miền núi, kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp nên việc triển khai chương trình trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Để triển khai chương trình đạt hiệu quả, lãnh đạo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình Chính phủ có chính sách phân bổ kinh phí từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho các tỉnh miền núi có nhiều khó khăn như Bắc Kạn, có nội dung ưu tiên tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, trong đó quan tâm đến xây dựng cơ sở hạ tầng. Hỗ trợ tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP giữa các tổ chức kinh tế với các siêu thị, trung tâm thương mại…; hỗ trợ kết nối cung - cầu, hoàn thiện, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các tổ chức kinh tế.n

Trong năm 2018, Bắc Kạn đã thẩm định và xét công nhận cho 37 sản phẩm OCOP (5 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao). Năm 2019, tỉnh có trên 97 sản phẩm mới thuộc hơn 80 tổ chức đăng ký tham gia Chương trình OCOP.

Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-kan-dua-dac-san-vung-mien-vuon-xa-124389.html