Bắc Kạn: Doanh nghiệp kêu cứu vì bị chính quyền làm khó?

Cho rằng, việc UBND TP. Bắc Kạn ngừng ký hợp đồng xử lý rác thải theo công nghệ đốt cũng như không cấp đất cho đơn vị thực hiện dự án giai đoạn 2 là bất hợp lý, cố tình làm khó doanh nghiệp, Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng.

Bị cắt hợp đồng xử lý rác giữa chừng!

Trong đơn gửi báo Điện tử Congluan.vn, ông Nguyễn Văn Trị, Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn cho biết: doanh nghiệp của ông được UBND tỉnh Bắc Kạn chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp GCN đầu tư tháng 12/2014 để xây dựng dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ thiêu hủy công suất 3.000kg/giờ, tại bãi rác Khuổi Mật, TP. Bắc Kạn.

Nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của chính quyền địa phương, ông đã dùng toàn bộ tài sản của cá nhân các thành viên sáng lập để thế chấp ngân hàng vay vốn gần 30 tỷ đồng hoàn thành giai đoạn 1 của dự án. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động, đã xử lý triệt để lượng nước rỉ rác, hồ trung hòa và khu ruộng lúa của phường Huyền Tụng hết ô nhiễm, được Hội đồng gồm các Sở, ngành và UBND TP. Bắc Kạn thẩm định, đánh giá công nghệ và hiệu quả dự án.

Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo 91/BC-TNMT ngày 4/5/2017 gửi UBND tỉnh Bắc Kạn khẳng định, Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn đầu tư khu xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt là phù hợp, đáp ứng chủ trương của UBND tỉnh. Nhà máy vận hành thử nghiệm từ tháng 8/2016 và được Sở TNMT cấp Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của nhà máy ngày 6/3/2017. Quá trình hoạt động, nhà máy đã xử lý triệt để đến 85% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố; xử lý, giảm thiểu 80% mùi phát sinh từ bãi rác, hạn chế tối đa ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí do quá trình tích tụ rác như khi chôn lấp… Vì vậy, việc áp dụng công nghệ lò đốt rác sinh hoạt hiện nay là hiệu quả về môi trường, sử dụng đất và kinh tế hơn so với công nghệ chôn lấp rác như trước đó đã áp dụng.

Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Bắc Kạn .

Nhà máy xử lý chất thải rắn TP.Bắc Kạn .

Tuy nhiên, sau thời gian ký hợp đồng kiểu “nhỏ giọt” (ký 2 tháng rồi ký 1 tháng) mới đây UBND TP. đột ngột ra văn bản thông báo tạm dừng xử lý chất thải rắn đô thị bằng công nghệ lò đốt từ 1/7/2018 đến 31/10/2018 với lý do nguồn ngân sách thành phố hạn hẹp, để tiết kiệm chi phí nên chuyển sang xử lý bằng hình thức chôn lấp. Theo ông Nguyễn Văn Trị, việc UBND TP. Bắc Kạn không ký hợp đồng xử lý rác 4 tháng, đồng nghĩa với nhà máy phải “đắp chiếu” 4 tháng và tất cả cán bộ, công nhân phải nghỉ việc. Không chỉ vậy, dừng hoạt động thời gian dài sẽ khiến nhà đầu tư phải mất khoản phí lớn để sửa chữa máy móc thiết bị khi vận hành lại… “Động thái của chính quyền thành phố đang thực sự gây khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy công ty vào tình cảnh đứng trước nguy cơ phá sản và hơn hết là đi ngược chủ trương của Đảng, Chính phủ, UBND tỉnh Bắc Kạn về kêu gọi, khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa” - ông Trị bức xúc.

Cũng theo ông Trị, năm 2017, UBND tỉnh đã cấp thêm cho UBND thành phố 1 tỷ đồng phục vụ cho công tác xử lý đốt rác, tuy nhiên UBND thành phố chỉ chi gần 600 triệu đồng đốt 2 tháng cuối năm, số tiền còn lại hơn 400 triệu không biết đơn vị này đã chi vào đâu? Thêm vào đó, trong khi nhà máy xử lý rác của ông đi vào hoạt động đã xử lý triệt để lượng nước rỉ rác, hồ trung hòa và khu ruộng lúa của người dân đã hết ô nhiễm thì UBND thành phố vẫn tiến hành lập dự án xây đập chắn, bể xử lý nước rỉ rác với số tiền cả tỷ đồng, gây lãng phí vì đầu tư không đúng trọng tâm.

“Chống lệnh” UBND tỉnh, không giao đất cho doanh nghiệp

Theo Giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Bắc Kạn cấp cho Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn thì tổng diện tích doanh nghiệp được sử dụng tại thôn Khuổi Mật, xã Huyền Tụng là 76.000m2. Tuy nhiên, sau khi đầu tư xong giai đoạn 1 dự án (diện tích sử dụng 3,3ha), dù nhiều lần làm đơn xin được cấp đất để hoàn tất giai đoạn 2 nhưng UBND TP. Bắc Kạn vẫn một mực không xem xét giao đất cho công ty thực hiện.

Đại diện Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn cho biết, việc giao đất đã được cụ thể hóa trong văn bản thẩm định dự án đầu tư của Sở Tài nguyên và Môi trường. UBND tỉnh đã giao các sở, ban, ngành xem xét hoàn thiện thủ tục giao đất giai đoạn 2 và trong các buổi họp đều được sự nhất trí cao, cho rằng đây là cần thiết và đúng theo quy định nhưng UBND thành phố cương quyết không giao đất cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư.

Liên quan đến đơn khiếu nại của Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn, ngày 19/6/2017, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra Thông báo kết luận, đề nghị UBND thành phố: Rà soát quỹ đất tại bãi rác thôn Khuổi Mật, để giao cho Công ty theo hướng giao đủ diện tích là 7,6ha (đã giao 3,3ha còn thiếu 4,2ha) để doanh nghiệp đảm bảo đầu tư đầy đủ các hạng mục cần thiết, phục vụ quá trình xử lý rác thải sinh hoạt; Chủ động rà soát nguồn kinh phí đã giao cho thành phố trong năm 2017 để cân đối đảm bảo thực hiện tiếp hợp đồng đặt hàng xử lý rác thải vì đây là nhiệm vụ phải thực hiện thường xuyên, liên tục; Nếu trường hợp không cân đối đủ, có văn bản báo cáo Sở Tài chính xem xét, xử lý theo quy định.

Đối với Sở Tài chính, UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đề nghị: Chủ động phối hợp với UBND thành phố xem xét nguồn kinh phí xử lý rác thải năm 2017; Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết nguồn kinh phí xử lý rác thải sinh hoạt nếu UBND thành phố không tự cân đối đủ trong năm 2017 và các năm tiếp theo…

Văn bản chỉ rõ là vậy; tiếp đó, trong các ngày 8/1/2018 và 9/7/2018, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản đề nghị UBND thành phố xem xét, giải quyết đề nghị của Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn nhưng sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Lý do được UBND thành phố Bắc Kạn lý giải: đối với công tác xử lý rác thải trên địa bàn thành phố năm 2018 dự kiến 12,41 tỷ đồng, thời điểm hiện tại thành phố mới cân đối được 9,9 tỷ đồng, trong đó xử lý theo công nghệ lò đốt 3,2 tỷ, còn thiếu 1,36 tỷ cho công nghệ này. Do việc bố trí kinh phí cho công tác thực hiện dịch vụ công ích đô thị là rất khó khăn; dự kiến năm 2018 thành phố sẽ hụt thu cân đối ngân sách khoảng 17 tỷ đồng, nên để đảm bảo cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thực hiện thường xuyên, liên tục, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương thực hiện xử lý rác thải bằng công nghệ đốt 8 tháng, còn 4 tháng mùa mưa nhiều (tháng 7, 8, 9 ,10) sẽ xử lý bằng hình thức chôn lấp, để giảm chi phí khoảng 1 tỷ đồng.

“Đối với việc giao đất giai đoạn 2 dự án, ngày 12/9/2017, UBND TP. đã có buổi làm việc với doanh nghiệp, trong đó thống nhất trước mắt UBND thành phố chưa giao đất giai đoạn 2 do thành phố chưa tự cân đối được nguồn kinh phí để xử lý cho công nghệ đốt toàn bộ khối lượng rác thải trên địa bàn thường xuyên, liên tục vì đơn giá để xử lý công nghệ này là tương đối lớn, do vậy hằng năm vẫn phải thực hiện xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Mặt khác, hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ có một bãi xử lý rác duy nhất nên nhiều vấn đề phát sinh như xử lý hàng tiêu hủy cho quản lý thị trường, xử lý khối lượng rác phát sinh của các tổ chức Đoàn thể, tổ dân phố…” - văn bản của UBND TP. nêu rõ.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Việc xử lý rác không phải việc phát sinh mà là thường xuyên. Bởi vậy, UBND thành phố phải chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tính toán kỹ và xây dựng dự toán từ năm trước để trình ra HĐND thông qua, phê duyệt, chứ không phải đùng một cái nói “không đủ kinh phí” là không có cơ sở. Việc vận động doanh nghiệp vào đầu tư theo hình thức xã hội hóa thì phải có kế hoạch bố trí vốn cho doanh nghiệp hoạt động. Đây là trách nhiệm của UBND thành phố, không thể đổ dồn cho tỉnh”.

Thành Vinh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/vu-an/bac-kan-doanh-nghiep-keu-cuu-vi-bi-chinh-quyen-lam-kho-41777