Bắc Kạn: 100 cán bộ được đào tạo chuyên sâu về quản lý hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị

Ngày 19/6, tại Bắc Kạn, khóa đào tạo chuyên sâu về: 'Quản lý hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị' theo Đề án 1961 đã được Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng phối hợp với tỉnh Bắc Kạn tổ chức với 100 học viên là lãnh đạo Sở, lãnh đạo các huyện, lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phòng ban có liên quan thuộc Sở ngành, Ban quản lý dự án, phòng chuyên môn các Huyện của tỉnh Bắc Kạn.

Chương trình đào tạo diễn ra trong 2 ngày, từ 19-20/6, bao gồm các chuyên đề như: Tổng quan về quản lý hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị; Kỹ năng thực hiện quản lý cao độ nền, giao thông và thoát nước mặt đô thị; Kỹ năng thực hiện quản lý cấp nước, thoát nước thải, nghĩa trang và vệ sinh môi trường đô thị; Kỹ năng thực hiện quản lý cấp điện, chiếu sáng thông tin liên lạc và hệ thống hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; Phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh khóa Đào tạo.

Tiếp đó, cũng tại tỉnh Bắc Kạn, ngày 21/6, sẽ tiếp tục diễn ra Khóa Đào tạo chuyên sâu về Quản lý Quy hoạch kiến trúc đô thị theo Đề án 1961 của Chính phủ.

Thực hiện Đề án Chính phủ đã phê duyệt về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức và lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp” (gọi tắt là Đề án 1961), ngày 11/12/2018 vừa qua, Ban chỉ đạo Đề án do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh đại diện đã ký quyết định số 1569/QĐ-BCĐ 1961 về việc ban hành các bộ đề cương chi tiết Chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp, trong đó có 06 bộ đề cương chương trình đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực của Đề án 1961.

Hiện nay, Đề án 1961 đã đào tạo bồi dưỡng được gần 400 lớp với số lượng hơn 20.000 học viên. Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị là cơ quan được Chính phủ và Bộ Xây dựng giao chủ trì thực hiện Đề án đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương với mục tiêu nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, điều hành cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp trong công tác quản lý xây dựng, phát triển đô thị Việt Nam, tạo sự thống nhất và đồng đều của công tác này trên cả nước. Với nội dung chuyên đề thiết thực, các giảng viên có kiến thức chuyên môn sâu và kinh nghiệm thực tiễn sẽ đem đến những giờ giảng thú vị, chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích với các cán bộ của tỉnh Bắc Kạn, giúp các đô thị Bắc Kạn phát triển bền vững trong tương lai.

Một số ý kiến đánh giá của học viên sau các khóa đào tạo đã được tổ chức trên cả nước thuộc Đề án 1961 Ông Trần Đình Ninh – Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa – tỉnh Đắk Nông: Khóa đào tạo giúp cho học viên có cách tiếp cận, tư duy mới Với một đô thị trẻ, công tác quản lý đô thị đóng vai trò rất quan trọng. Làm thế nào để quản lý đô thị phát triển đồng bộ và bền vững. Đó là những vấn đề mà mỗi cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn quản lý đô thị luôn băn khoăn. Đến với Khóa đào tạo Nâng cao năng lực quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 của Chính phủ dành cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên – chương trình do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, tôi nhận thấy Khóa học đã bổ sung những kiến thức, kỹ năng hữu ích cho các cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, đặc biệt là được học hỏi kinh nghiệm quản lý đô thị của các nước tiên tiến trên thế giới để có thể nghiên cứu, vận dụng vào thực tế quản lý của từng địa phương, trong đó có thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Khóa học đã được áp dụng lồng ghép mô hình đào tạo của Ngân hàng Thế giới với phương pháp giảng dạy tích cực. Mặc dù thời gian Chương trình ngắn, nhưng với sự đổi mới phương pháp của Ban tổ chức lớp học, trong đó tăng cường trao đổi giao lưu giữa giảng viên và học viên, đặc biệt kết hợp nghiên cứu thực tế, thảo luận nhóm… với việc chia sẻ thông tin của một số quốc gia trong quản lý đô thị, hội nhập kinh tế quốc tế... đã giúp cho học viên có cách tiếp cận, tư duy mới. Những kiến thức thu được từ khóa học như: Đô thị hóa và định hướng phát triển đô thị; Quản lý quy hoạch đô thị nông thôn; Quản lý xây dựng đô thị; Quản lý đất đai, nhà ở và thị trường bất động sản, kinh nghiệm quốc tế; Quản lý hạ tầng kết hợp giao thông với sử dụng đất; Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị... cơ bản trang bị cho học viên nắm bắt được tổng quan về chiến lược đô thị, rút ra bài học quý báu, vận dụng kiến thức vào vị trí công tác của mình. Ông Hoàng Vĩnh Châu – Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng: Xác định rõ tầm quan trọng trong công tác nâng cao năng lực quản lý của chính quyền đô thị Tham gia Khóa Bồi dưỡng nâng cao năng lực về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị tổ chức, tôi nhận thấy khóa học đã bổ sung những kiến thức, kỹ năng bổ ích cho các cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, đặc biệt là được học hỏi kinh nghiệm quản lý đô thị của các nước tiên tiến trên Thế giới để có thể nghiên cứu, vận dụng hữu ích vào thực tế quản lý của từng địa phương, trong đó có thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ông Lê Ngọc Ẩn – Phó Chủ tịch UBND TP Tây Ninh: Thu nhận được những kiến thức bổ ích từ chuyên gia trong nước và quốc tế về quản lý đô thị Công tác quản lý đô thị là một vấn đề mới mẻ, những cán bộ đang công tác ở TP Tây Ninh được đào tạo về chuyên môn đô thị rất ít, nên đội ngũ cán bộ hiện nay của thành phố đang đảm nhiệm về công tác đô thị mặc dù đã có nhiều cố gắng, học hỏi trau dồi thêm kiến thức nhưng chưa đáp ứng được mức độ đòi hỏi của khối lượng công việc và tình hình thực tế. Vai trò của chính quyền ở các cấp trong việc lãnh đạo và giải quyết công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, chưa thật sự quyết liệt và hiệu quả. Qua lớp bồi dưỡng về quản lý xây dựng và phát triển đô thị (theo Đề án 1961) do Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị - Bộ Xây dựng tổ chức tại TP Cần Thơ, tôi được học những kiến thức rất bổ ích từ những chuyên gia trong nước và quốc tế về quản lý đô thị, giúp tôi bổ sung thêm kiến thức, cũng như những kinh nghiệm từ các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các thành phố, thị xã đã trao đổi trong quá trình học tập. Theo tôi, những khóa bồi dưỡng tương tự cần được tổ chức thường xuyên trong thời gian tới, giúp cho công tác quản lý đô thị được hiệu quả hơn. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa – tỉnh Khánh Hòa: Khóa đào tạo giúp lãnh đạo đô thị bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm mới trong quản lý và phát triển đô thị Vấn đề khó khăn lớn nhất trong quản lý đô thị ở địa phương là công tác quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết chưa được lập đồng bộ, kết cấu các công trình kỹ thuật hạ tầng ở các phường chưa được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phục vụ đời sống của người dân. Việc cải thiện và nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng, trật tự đô thị cũng là một khó khăn, thách thức. Làm sao để người dân biết, hiểu và chấp hành các quy định về quản lý đô thị, hướng tới đô thị xanh – sạch và văn minh. Được tham dự Khóa đào tạo về quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo Đề án 1961 đã giúp chúng tôi có sự hiểu biết rộng hơn, sâu hơn về các quy định pháp luật trong quản lý về phát triển đô thị, học hỏi thêm kinh nghiệm của các địa phương bạn và đặc biệt là kinh nghiệm các nước trong khu vực và trên thế giới về phát triển đô thị xanh – thân thiện – văn minh.

PV

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/bac-kan-100-can-bo-duoc-dao-tao-chuyen-sau-ve-quan-ly-ha-tang-ky-thuat-va-moi-truong-do-thi.html