Bác Hồ với thợ mỏ

Sinh thời, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vị thế quan trọng của ngành Than đối với sự phát triển kinh tế. Chính vì thế, Người đã luôn dành nhiều sự chú ý, quan tâm và tình cảm đặc biệt cho Vùng mỏ và những người thợ mỏ.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân tỉnh Quảng Ninh và tặng cờ thi đua khá nhất cho ngành Than vào dịp Tết Ất Tỵ 1965. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh

Từ những tháng năm còn bôn ba đi tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thấu hiểu sự bần cùng, lầm than của công nhân mỏ. Người đã có nhiều bài viết, bài báo và báo cáo gửi Bộ Phương Đông quốc tế Cộng sản nói về tình hình thợ mỏ.

Năm 1931, trong báo cáo gửi Bộ Phương Đông quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã kể ra 72 chiến sĩ cách mạng kiên cường, trong đó có những người con ưu tú đang hoạt động ở Vùng mỏ, như: Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) làm công nhân mỏ Mạo Khê; Trần Hỷ là đảng viên Chi bộ mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông; Ngô Kim Tài, tham gia Đặc khu ủy Hòn Gai - Cẩm Phả. Như vậy, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chú ý đến những hạt giống đỏ cách mạng đang vô sản hóa ở Vùng mỏ.

Lần đầu tiên đến Quảng Ninh (ngày 24/3/1946) để hội đàm với đại diện nước Pháp bàn việc thực hiện Hiệp định sơ bộ, Bác Hồ nói với những người cùng đi trên tàu ở Vịnh Hạ Long: “Vùng mỏ của đất nước ta thật đẹp và giàu. Thợ mỏ của ta thật vô cùng anh dũng”. Sau đó, lần nào về thăm Vùng mỏ, Bác cũng thăm hỏi, động viên công nhân đoàn kết, thi đua lao động sản xuất, xây dựng Vùng mỏ giàu đẹp.

Địa điểm Bác Hồ dừng chân nói chuyện với thợ mỏ Đèo Nai đã được công nhận là Di tích quốc gia.

Bác Hồ trực tiếp đến tận khai trường thăm công mỏ than Đèo Nai ngày 30/3/1958. Tại đây, Bác thân mật nói chuyện với anh em cán bộ, công nhân mỏ: “Than ở Vùng mỏ vào loại than tốt của thế giới. Cảnh Vùng mỏ vào loại kỳ quan của loài người, các chú phải làm than cho tốt”. Bác cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế: Chất lượng than khai thác còn kém, than cục chưa đảm bảo đúng tỷ lệ quy định; công tác bảo hộ lao động yếu.

Bác Hồ về thăm Quảng Ninh lần cuối vào ngày 2/2/1965 cũng là để ăn Tết Ất Tỵ với nhân dân Vùng mỏ. Bác khen ngợi tỉnh nhà đã giành được 2 thắng lợi vẻ vang: Quân và dân Vùng mỏ đã bắn rơi 3 máy bay và bắt sống tên phi công Mỹ. Thắng lợi thứ hai là Công ty Than Hồng Gai đã hoàn thành vượt mức kế hoạch 20 vạn tấn than. Vui lòng về thành tích sản xuất của Vùng mỏ, Bác tặng ngành Than “Cờ thưởng luân lưu thi đua khá nhất” và căn dặn thợ mỏ cùng toàn thể nhân dân tiếp tục phát huy thắng lợi trong sản xuất, công tác và sẵn sàng chiến đấu. Bác thân mật nói: “Năm nay Bác tặng thưởng Cờ luân lưu cho cả ngành Than, đơn vị nào muốn được lá cờ thì phải thi đua gương mẫu trong mọi việc. Nhưng cán bộ và công nhân nào xuất sắc nhất, Bác sẽ tặng giải thưởng riêng”.

Huy hiệu Bác Hồ trao tặng Anh hùng Lao động Trịnh Văn Nghinh, thợ mỏ Hà Tu.

Cờ thưởng luân lưu khá nhất mà Bác trao cho ngành Than đã được giao cho Mỏ Đèo Nai lưu giữ. Phong trào thi đua ở Đèo Nai sau này ngày càng phát triển, anh chị em công nhân vừa đẩy mạnh thi đua sản xuất, vừa tích cực tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Vì thế mà sau này, Đèo Nai lại được thêm vinh dự 4 lần liên tiếp được nhận cờ thưởng của Bác Hồ.

Tuy bận công việc và sau này lại thêm tuổi cao, sức yếu không đến được các công trường, hầm mỏ, nhưng Bác vẫn rất quan tâm đến công nhân mỏ. Bác quan tâm động viên những việc làm, những điển hình tích cực, đồng thời nhắc nhở những việc làm chưa tốt. Trên Báo Nhân Dân ngày 29/2/1960, Bác biểu dương công trường Thắng Lợi, Bắc Phi về năng suất lao động. Hay trong bài “Những điều trông thấy mà khoan khoái lòng” trên Báo Nhân Dân ngày 16/2/1962, Bác viết: “Ở mỏ than Hồng Quảng cả mấy năm trước kia ÊKAGHÊ (EKG) xúc than thường ngày không đạt mức. Từ đầu năm 1961, nhờ phong trào thi đua mà chỉ trong 10 tháng đã phá được 8 kỷ lục” và Bác nêu sản lượng bốc xúc cụ thể của từng công nhân tiêu biểu.

Do sức khỏe không cho phép, Bác yêu cầu ngành Than cử Đoàn đại biểu về gặp. Ngày 15/11/1968, tại Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đã căn dặn: "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/bac-ho-voi-tho-mo-2407547/