Bác Hồ với đồng bào Kon Tum trong thơ ca kháng chiến

Kể từ ngày Bác Hồ đọc lời hiệu triệu kêu gọi toàn quốc kháng chiến, đến năm 1975, dân tộc ta đã liên tiếp trải qua hai cuộc kháng chiến thần kỳ kéo dài đến 30 năm, đánh bại hai đế quốc sừng sỏ lúc bấy giờ là Pháp và Mỹ. Trong thành công vĩ đại ấy có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước, trong đó có đồng bào Kon Tum.

Sự tham gia kháng chiến của đồng bào Kon Tum đã được các tác giả từng bám trụ chiến đấu và công tác tại địa bàn phản ánh trong nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại văn học, trong đó có thơ ca. Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày mất của lãnh tụ Hồ Chí Minh và sắp sửa tròn 40 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thành công, xin thoáng điểm lại hình tượng Bác Hồ đối với đồng bào bản địa qua những tác phẩm thơ ca thuộc dòng văn học kháng chiến ở Kon Tum.

Nhà thơ Nông Quốc Chấn - "con chim đầu đàn" của văn học dân tộc thiểu số miền núi Việt Nam đã nói rất đúng về thực trạng khu vực Tây Nguyên vào thời điểm vừa mới giành được độc lập thì bị Pháp tái chiếm và sau đó là rơi vào tình trạng đất nước chia đôi, miền Nam ở trong vòng can thiệp của Mỹ: "...Nhưng anh như lúa ở bên khe/ Mới thấy trời lên mây đã che/ Hết gió lại mưa, tăm tối mãi/ Anh mong ánh sáng Bác Hồ về..." (Việt Bắc - Tây Nguyên).

Một tiết mục văn nghệ tại lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Một tiết mục văn nghệ tại lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

"Ánh sáng Bác Hồ" chính là lý tưởng, là khát vọng độc lập, tự do, thái bình, thoát khổ... của toàn dân và đó cũng là niềm mong ước đau đáu của đồng bào Kon Tum. Nội dung này được các tác giả kháng chiến Kon Tum phản ánh bằng nhiều cách, hoặc diễn đạt trực tiếp, hoặc nói cách ví von, ẩn dụ.

Thơ ca lúc này luôn dành những câu chữ hay nhất, đẹp nhất để nói về hình tượng Bác Hồ. Lời hiệu triệu của Bác đã được đồng bào nghe theo, hưởng ứng một cách toàn diện: "Tiếng hát con không chỉ vui chim phí/ Phải làm ưng người trẻ người già/ Bok Hồ nói cả Tây Nguyên một khối/ Đứng lên cầm súng giữ buôn ta"... ("Ra đi từ tiếng hát" - Hồng Chinh Hiền).

Câu thơ "Bác Hồ nói cả Tây Nguyên một khối" khiến chúng ta liên tưởng đến bức thư của Bác gửi cho Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19-4-1946. Bức thư hiện đã được khắc vào bia đá dựng nơi quảng trường thành phố Pleiku ngày nay.

Qua hình ảnh kiên trung của những cán bộ đã được rèn giũa trong ngọn lửa cách mạng đang ngày đêm cùng nhau chiến đấu, đồng bào đã thấy rõ giữa chính và tà, giữa ta và địch, giữa niềm tin và thù hận: "Một bên là cách mạng/ Người của Đảng, Bok Hồ/ Chân đầu rừng cuối rẫy/ Tay trăm việc nghìn lo/ Một bên là đế quốc/ Bọn chúa đất chúa làng/ Lòng dạ tham vô đáy !... ("Hát trước cây nêu ngày tết" - Hồng Chinh Hiền).

Niềm tin tưởng đã được đồng bào đặt hết vào những "người của Đảng, Bok Hồ" như vậy, nên đối với Bác Hồ, đồng bào càng muôn lần tôn trọng, kính yêu: "Bây giờ anh đi ra miền Bắc/ Nơi Cụ Hồ làm mẹ làm cha/ Cụ Hồ thương quý anh/ Thương quý người dân tộc/ Còn hơn mẹ cha thương anh lúc ở nhà"... ("Nhớ nhiều... Ơ, thương lắm!..." - Ngọc Anh).

Vừa trực diện, vừa ẩn dụ, đồng bào càng khẳng định niềm tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng của Bác: "Người Ka-dong không theo con cú vọ/ Người Mơ-nông không theo con diều hâu/ Chúng ta theo hoa đỏ/ Chúng ta theo Cụ Hồ/ Người Tây Nguyên theo ông sao miền Bắc/ Sao miền Bắc sáng trên núi Tây Nguyên"! ("Giữ lấy rừng" - Ngọc Anh).

Hình tượng Bác Hồ và lý tưởng cách mạng của Bác được ẩn dụ bằng rất nhiều hình tượng. Ngoài những biểu tượng "hoa đỏ", "ông sao miền Bắc"... còn là "phương mặt trời mọc", "nước nguồn miền Bắc" ... trong những lời thơ, lời ca nổi tiếng từ lúc bấy giờ: "... Em hỏi cây kơ-nia:/ - Gió mày thổi về đâu?/ Về phương mặt trời mọc!/ Mẹ hỏi cây kơ-nia:/ - Rễ mày uống nước đâu?/ - Uống nước nguồn miền Bắc!/ Con giun sống nhờ đất/ Chim phí sống nhờ rừng/ Em và mẹ nhớ anh/ Uống theo nguồn miền Bắc/ Như gió cây kơ-nia/ Như bóng cây kơ-nia"... ("Bóng cây kơ-nia" - Ngọc Anh).

Hoặc như hình ảnh cây xà-nương (cây nêu, cột gưn, được lập dựng giữa làng vào dịp tế lễ), là "cây thiêng" biểu tượng của buôn làng, trong tâm thức của đồng bào cũng được sánh với Bác Hồ, để luôn hướng về đó với một niềm tin yêu mãnh liệt: ..."Đi đâu/ Vẫn thấy cây xà-nương trên đầu/ Ở đâu/ Vẫn thấy Bác Hồ trước mặt!" ("Cây xà-nương" - Hồng Chinh Hiền).

Trực diện và thậm xưng hơn, đồng bào còn coi công cuộc cách mạng do Bác Hồ lãnh đạo để đánh đuổi kẻ thù xâm lược, đem đến độc lập, tự do, thái bình cho mọi người giống như đã tái sinh ra mình lần nữa vậy: "... Chúng em - con gái Xơ-đăng/ Sướng như mọi người con gái khác/ Xưa cằn cỗi mà nay tươi tốt/ Cách mạng là cha mẹ đẻ thứ hai/ Đưa chúng em lên đúng nghĩa Con người!" ("Cô gái Xơ-đăng" - Hồng Chinh Hiền).

Để có được niềm tin tưởng và sự tôn kính ấy, đồng bào đã ý thức giáo dục các thành viên trong cộng đồng mình từ khi còn thơ bé. Khái niệm "Bác Hồ" được truyền dạy từ khi các em bé mới tập học ê a: "Một vòm trăng rơi xuống rừng già/ Vừa đủ sáng cho em ngồi học/ Vầng trăng thu vằng vặc/ Đêm cao nguyên, em học chữ Bác Hồ/ Em đọc chữ B/ Em đọc chữ A/ Em đọc chữ C/ Em thêm dấu sắc/ Đây rồi, chữ Bác!/ Em đọc chữ H/ Em đọc chữ Ô/ Em thêm dấu huyền/ Đúng rồi, chữ Hồ/ Em ghép hai chữ thành tên Bác Hồ.../.. Vầng trăng thu vằng vặc/ Trăng từ miền Bắc vào cao nguyên/ Ánh trăng Bác Hồ soi sáng lòng em"... ("Đọc trăng" - Vũ Hùng).

Từ niềm tin yêu, tôn kính như vậy, đồng bào đã ví von những điều hay lẽ đúng hôm nay mình có được như là những bông hoa đẹp đã được Bác Hồ, được cách mạng đem lại, ươm mầm vào tinh thần và ý thức: "... Hoa Bác Hồ cho bốn mùa tươi thắm/ Vàng xanh tím đỏ trắng hồng.../ Ai muốn nhiều hoa đẹp nhất buôn/ Lo đánh Ngụỵ và lo đuổi Mỹ.../... Đất nước mình hôm nay đánh giặc/ Yêu hoa ta cố ta trồng/ Khi thống nhất, Bác Hồ về Tây Nguyên ta đón/ Trăm vòng tay có triệu cánh hoa ôm..." ("Hoa" - Hồng Chinh Hiền).

"Trăm vòng tay có triệu cánh hoa ôm" ấy chính là ý chí và tấm lòng người Kon Tum hướng về Bác Hồ, về cách mạng: "Pô Kô chiều sóng vỗ/ Ngọc Linh sớm mây về/ Rừng xanh bừng tiếng hát/ Ơn Bác - Đảng cao dày"... ("Chung thủy vẹn tình" - Phan Vững).

Tạ Văn Sỹ

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/bac-ho-voi-dong-bao-kon-tum-trong-tho-ca-khang-chien/