Bác Hồ trong trái tim văn nghệ sĩ

Tác phẩm Bác Hồ với thiếu nhi của họa sĩ Võ Tùng Niên

Tác phẩm Bác Hồ với thiếu nhi của họa sĩ Võ Tùng Niên

Hình tượng Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng vô tận để văn nghệ sĩ cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng sáng tạo nhiều tác phẩm giá trị. Tùy theo đặc trưng của mỗi thể loại (văn học, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu…) mà các tác giả khai thác đề tài ở nhiều góc độ khác nhau.

Ở mỗi thể loại, văn nghệ sĩ thể hiện hình tượng Bác Hồ bằng nhiều ngôn ngữ. Đặc biệt, họ khai thác sự kiện, khắc họa nhân vật trong các tác phẩm tương đối sắc nét, mang tính điển hình, chân thực và giàu sức thuyết phục.

* Sáng tác về Bác bằng cả tấm lòng

Với văn nghệ sĩ Đồng Nai, hầu hết mỗi người đều có ít nhất một tác phẩm về Bác trong “gia tài” sáng tác của mình. Nhạc sĩ Điểu Được - người con của đồng bào Chơro (xã Phú Túc, H.Định Quán) là một trong số các nhạc sĩ tiêu biểu ở Đồng Nai có nhiều sáng tác đoạt giải cao tại các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Đó đều là những bài hát thể hiện tình cảm của người Chơro đối với cuộc sống, với Đảng, Bác Hồ.

Nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ, bản thân ông là người dân tộc, điều kiện sinh hoạt, đời sống rất khó khăn. Ông đến với âm nhạc chuyên nghiệp rất muộn, khi đã gần 40 tuổi. Tuy vậy, ông chưa bao giờ có ý định ngừng sáng tác. Những tác phẩm viết về Bác Hồ được ông cất giữ cẩn thận như một tài liệu quý báu trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình. Tiêu biểu là ca khúc Người Chơro nhớ ơn Bác Hồ (đoạt giải B - giải Trịnh Hoài Đức lần III, 2006-2010). Bài hát đã để lại trong lòng đồng bào dân tộc và công chúng những cảm xúc rất khác, rất đỗi thiêng liêng.

“Tôi viết bài hát Người Chơro nhớ ơn Bác Hồ bằng tất cả tâm huyết và lòng kính yêu Bác vô bờ. Tôi vừa sáng tác vừa biểu diễn. Lời bài hát mộc mạc, chân tình, mang âm hưởng dân ca Chơro nên khiến con tim người hát và người nghe dễ dàng hòa quyện. Khi tôi mang nhạc phẩm này tham gia một số liên hoan, hội diễn đã nhanh chóng được mọi người đón nhận và yêu thích. Đó chính là động lực để tôi sáng tác thêm nhiều ca khúc mới ngợi ca phẩm chất, đạo đức của Người, tình cảm sắt son của người Chơro với Bác Hồ” - nhạc sĩ Điểu Được chia sẻ.

Là tác giả thơ trẻ có nhiều bài thơ về Bác Hồ, chị Hạnh Vân (giáo viên Trường THPT Vĩnh Cửu, H.Vĩnh Cửu) đã dày công chắt lọc những chất liệu cuộc sống để thể hiện đề tài về Bác không hề khô khan, không hô hào khẩu hiệu mà giàu sức lay động. Hạnh Vân cho biết, xuất phát từ công việc của một giáo viên lịch sử, chị rất thích đọc các tác phẩm về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những mẩu chuyện nho nhỏ về Bác đã giúp chị hiểu và cảm phục hơn về tài năng, đức độ và sự hy sinh cao cả của Người.

Để tiếp tục có những tác phẩm văn học - nghệ thuật mới về Bác Hồ, rất cần có những hội thảo trao đổi về lĩnh vực đề tài lớn này; đồng thời tổ chức các chuyến đi thực tế về quê Bác và những nơi đã in lại dấu chân, hình ảnh Người; tổ chức các cuộc thi sáng tác chủ đề về Bác. Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích đầu tư kịp thời việc xuất bản các tác phẩm có giá trị và chất lượng cao về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đó, đáp ứng nhu cầu cũng như sự mong mỏi của công chúng.

Chị Hạnh Vân bày tỏ: “Những hình ảnh đời thường, vừa thanh tao lại vừa giản dị của Bác qua các câu chuyện kể gợi cảm hứng cho tôi sáng tác những vần thơ về Người. Trong thơ, tôi chú tâm thể hiện phong cách giản dị của Bác trong sinh hoạt thường ngày. Đó có thể là những sự vật, sự việc xung quanh như bài Hoa râm bụt ở đồi ATK, Hoa khoai lang trong vườn Bác; cũng có thể là cảm xúc khi Ngắm chân dung Bác Hồ làm từ dây lá buông, hay Đài Kỷ niệm trong trang viết của Bác…”.

Sáng tác về Bác với cả tấm lòng, nhiều tác phẩm điêu khắc, tạo hình đã và đang có chỗ đứng trong lòng công chúng. Các tượng về Bác của họa sĩ Võ Tùng Niên (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được tái hiện một cách chân thực và sống động trên từng đường nét. Ánh mắt Bác ấm áp, hiền từ với thiếu nhi hay rực sáng niềm tin với bộ đội trong các tác phẩm Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ với bộ đội. Cảm giác gần gũi, thân thuộc mang đến cho các bức tượng vẻ đẹp tự nhiên, khỏe khoắn và có chiều sâu. Đó là tâm huyết, tình cảm yêu mến và lòng tôn kính mà họa sĩ dành cho Bác.

“Khi tạc tượng Bác, tôi không chỉ tạc bằng đôi mắt, đôi tay của người nghệ sĩ mà còn tạc bằng tâm, bằng tình cảm mến yêu và lòng tôn kính. Tôi không nhớ mình đã tạc bao nhiêu bức tượng Bác. Tôi thực hiện tác phẩm về Người trên nền nhiều chất liệu: đất, thạch cao, đá, đồng... Đó là những bức tượng Bác trong nhiều thời điểm, tư thế, hình dáng khác nhau, toát lên phong thái của một bậc vĩ nhân nhưng lại rất hiền hòa và gần gũi. Ở tuổi 74, tôi mong có nhiều sức khỏe, bởi còn sức khỏe tôi còn muốn thể hiện hình tượng Bác ở góc độ là nhà thơ, nhà văn, danh nhân văn hóa kiệt xuất” - họa sĩ Tùng Niên bộc bạch.

* Cảm hứng nhiều, thách thức lớn

Các tác giả có tác phẩm về Bác Hồ đều thừa nhận rằng, sáng tác về Bác là không dễ, bởi công ơn vĩ đại của Người khó nói hết bằng lời, bằng hình ảnh. Câu chuyện của danh họa Tô Ngọc Vân vẽ Bác năm 1946 tại Bắc bộ phủ đến nay vẫn được nhắc đến như một giai thoại của làng hội họa. Khi đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân được Hội Văn hóa cứu quốc cử vào Bắc bộ phủ xin vẽ Hồ Chủ tịch. Nhưng vì vẽ chậm nên ông rất lo lắng, thậm chí mất ngủ bởi vẽ Bác không thể chỉ vẽ bề ngoài mà phải thể hiện được phong thái, tâm hồn vĩ đại của người lãnh tụ.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật Sáng mãi tên Người do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn nhân Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Họa sĩ bèn mạnh dạn thưa với Bác: “Thưa Bác, cháu không thể làm việc nhanh như mấy ông nhà báo, cháu xin Bác không phải 3 ngày mà 3 tuần liền được gần Bác mới mong vẽ được”. Người rót nước mời họa sĩ rồi ân cần nói: “Chú cứ yên tâm, 3 tháng cũng thấy là phải, chứ nói gì 3 tuần”. Không lâu sau đó, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã hoàn thành bức tranh sơn dầu Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ nổi tiếng. Trong bức tranh này, ông đã thể hiện sinh động chân dung Hồ Chủ tịch, thể hiện sự hòa hợp giữa thể hình nhân vật và thời gian lẫn không gian lịch sử.

Nhà thơ Minh Hạ cho rằng, đã có rất nhiều người sáng tác về Bác. Vậy nên, việc tìm được những tứ thơ hay mà không trùng lắp chẳng phải là điều dễ dàng. Dù vậy, khi tình cảm tự nhiên lắng đọng, ắt sẽ tự bật ra thành những câu thơ bay bổng, chân thành, gần gũi mà không trùng lắp. Làm thơ về Bác thì không thể giáo điều, khiên cưỡng mà phải xuất phát từ những điều bình dị, gần gũi nhất được chắt lọc trong hơi thở của cuộc sống.

“Tôi rất may từng đi nhiều nơi, được đến thăm nhiều di tích về Bác Hồ… Đó là những nơi lưu giữ nhiều hiện vật, nhiều kỷ niệm gắn liền với cuộc sống thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những chuyến đi thực tế đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn về đức tính cao đẹp của Người, thổi bùng ngọn lửa cảm hứng để bật lên ý tưởng. Bản thân tôi đã chủ động “bứt” ra khỏi những “khuôn mẫu” cứng nhắc, nhàm chán để thể hiện hình tượng của Bác không lặp lại của người khác và cũng không lặp lại chính mình qua từng tác phẩm” - nhà thơ Minh Hạ nói.

Theo NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, những ca khúc ngợi ca Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng bất tận khiến nghệ sĩ, diễn viên thăng hoa trong từng lời ca, điệu múa. NSƯT Quế Anh chia sẻ: “Mỗi khi dàn dựng các chương trình, tiết mục về Bác, tôi cũng như các nghệ sĩ, diễn viên đều cảm thấy rất tự hào nhưng cũng nhiều lo lắng. Bởi vậy mà nỗ lực làm mới mỗi tác phẩm để chuyển tải hình tượng đẹp về Bác qua ngôn ngữ nghệ thuật là rất cần thiết. Từ ngôn ngữ sân khấu, ngôn ngữ múa, chúng tôi mong muốn truyền ngọn lửa về Bác đến với mọi người, tạo dấu ấn trong lòng công chúng”.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202005/bac-ho-trong-trai-tim-van-nghe-si-3003716/