Bác Hồ trong trái tim văn nghệ sĩ

Thời gian qua, văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bằng chính nỗ lực vươn lên để sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT có chất lượng, góp phần thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 9/3/2018 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, các trại sáng tác, văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã gắn việc sáng tác VHNT với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hướng vào thể hiện chủ đề tư tưởng chân - thiện - mỹ, xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh.

Sáng tác những tác phẩm VHNT về hình tượng Bác Hồ cũng là dịp để các văn nghệ sĩ Quảng Ninh thể hiện lòng tôn kính với vị lãnh tụ kính yêu của mình. Người sáng tác nhiều và sớm nhất về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là họa sĩ Nguyễn Hoàng. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, vào mỗi dịp đại lễ, ông đều thực hiện những bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cỡ lớn. Đặc biệt, ông có bức chân dung khổ rộng 10x8m, treo tại nơi diễn ra các lễ mít tinh, kỷ niệm ở trung tâm thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long), bức “Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai” đã vinh dự được treo tại Triển lãm tranh công nhân ở Ba Lan. Ngoài ra, ông còn thành công với bức “Bác Hồ đọc báo Quảng Ninh”.

Một họa sĩ vẽ nhiều về Bác Hồ từ năm 1968 là Vũ Tư Khang. Đến nay ông có 20 bức tranh vẽ về Bác Hồ, trong đó có nhiều tranh đã đoạt giải cao, được triển lãm toàn quốc như: “Bác Hồ với các cháu thiếu nhi”, “Bác Hồ với công nhân mỏ Quảng Ninh”, “Tạc tượng Bác Hồ”...

Bác Hồ với thiếu nhi. (Tranh khắc gỗ của họa sĩ Vũ Tư Khang)

Bác Hồ với thiếu nhi. (Tranh khắc gỗ của họa sĩ Vũ Tư Khang)

Là người đi sau nhưng họa sĩ Đặng Đình Nguyễn cũng có nhiều tác phẩm thể hiện sâu sắc và chân thực chân dung Bác Hồ, như: “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng”, “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”, “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh”. Hai bức tranh “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng”, “Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc” đoạt giải thưởng tại cuộc vận động sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do tỉnh Quảng Ninh phát động năm 2009-2010. Bức tranh “Bác Hồ với thiếu niên và nhi đồng” được treo tại Triển lãm Khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2009. Bức tranh “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh” đã vinh dự được chọn giới thiệu ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2006-2010 tại thủ đô Hà Nội năm 2010.

Có một họa sĩ trẻ say mê vẽ về Bác Hồ bằng chất liệu lụa và sơn dầu là Đào Thế Am. Bức tranh “Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng” của anh đã được trao giải B tại cuộc vận động sáng tác về chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Ninh, năm 2010; tác phẩm “Chúng em nghe kể chuyện Bác Hồ”, vẽ năm 2009, được chọn treo tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2010.

Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê được nhiều người biết đến với 20 mẫu tượng đẹp về chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng thạch cao và đúc đồng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tượng do nhà điêu khắc Kiều Sĩ Khuê sáng tác thể hiện rõ nét tinh thần của Bác, đảm bảo bố cục và nghệ thuật cao. Ông đã có tác phẩm tượng đài Bác Hồ được trưng bày trong Nhà lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng, có tượng được Cục Mỹ thuật chọn làm mẫu để đặt thống nhất ở các hội trường trong cả nước.

Không chuyên tâm về đúc đồng như Kiều Sỹ Khuê, nhà điêu khắc Phạm Duy Thanh đã tạc tượng Bác bằng chất liệu than đá đặc trưng của Quảng Ninh để thể hiện tình cảm mà Vùng mỏ thân yêu dâng tặng đến Người. Các tác phẩm tiêu biểu của ông là “Bác Hồ ở Chiến dịch biên giới”, “Bác Hồ với chiến sĩ Hải quân”, “Bác Hồ với thợ lò”, “Bác Hồ với các dân tộc Quảng Ninh”, “Bác Hồ về thăm mỏ”...

Bác Hồ với thiếu nhi (Tranh lụa của họa sĩ Đào Thế Am)

Về văn học, nhà thơ Lê Duy Thái là người viết nhiều nhất về Bác Hồ với 2 tập thơ: “Hương sen” (NXB Hải Phòng, 2009) và “Quảng Ninh thương nhớ Bác Hồ” (NXB Hải Phòng, 2010). Nhóm tác giả Nguyễn Quang Vinh, Vũ Thảo Ngọc và Phạm Học đã xuất bản cuốn sách "Bác Hồ với công nhân mỏ" (NXB Lao động 2017). Không chỉ những người viết chuyên nghiệp, chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã nhận được sự tham gia đông đảo của nhiều cây bút không chuyên. Cụ thể như ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, có hồi ký “Những lần gặp Bác”, Hội Cựu chiến binh TP Hạ Long đã tuyển chọn 155 bài thơ của hội viên viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh để xuất bản tập thơ “Bài ca dâng Bác”.

Gần như tất cả những tác phẩm vừa kể đã được ưu tiên đăng tải trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, được giải thưởng các cấp. Tiêu biểu như bài thơ “Thế gian này chỉ riêng Bác mà thôi” của nhà thơ Mai Phương được nhận tặng thưởng đặc biệt của Báo Văn nghệ, chùm truyện và ký “Thợ mỏ làm theo lời Bác” cũng của nhà thơ Mai Phương đoạt giải B cuộc thi của Ban Tuyên giáo trung ương. Họa sĩ Nguyễn Thị Thiền có bức tranh lụa “Giữ biển đảo quê hương” được trao giải C - Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đợt 2 tại Hà Nội. Nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê có bức tượng được chọn vào Triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh toàn quốc về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Nghệ An.

Những sáng tác về đề tài hình tượng Bác Hồ của văn nghệ sĩ đã góp phần bồi đắp nền tảng đạo đức cho xã hội, xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới. Đó vừa là ý thức, trách nhiệm công dân, vừa là tình cảm, lòng thành kính và sự tri ân của mỗi văn nghệ sĩ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Huỳnh Đăng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201908/50-nam-thuc-hien-di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-bac-ho-trong-trai-tim-van-nghe-si-2451707/