Bác Hồ - Nhà báo vĩ đại của dân tộc

Không chỉ nước ta, mà cả bạn bè quốc tế, ai cũng thừa nhận Nguyễn Ái Quốc - Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà báo lớn.

Không chỉ là người khai sinh ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc còn là một nhà báo quốc tế. Ngay từ đầu những năm 20, 30 của thế kỷ XX, Người đã từng viết rất nhiều cho các tờ báo, đầu tiên là ở Pháp, rồi ở Nga, Trung Quốc...

Nhà báo lớn
Năm 1911, trong những ngày tháng chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước, tại khu vực thương cảng Sài Gòn, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm nghề bán báo dạo để kiếm sống. Niềm đam mê cầm bút bắt đầu hình thành đối với chàng trai trẻ từ khi ấy. Khi bôn ba tìm đường cứu nước, Người làm nghề đánh máy, biên dịch, rồi viết báo.

Bác Hồ là người đã khai sinh và đặt nền móng vững chắc cho báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác là người thầy vĩ đại của báo chí và những người làm báo cách mạng Việt Nam. Bác quan niệm rằng “cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Trang giấy cây bút là vũ khí sắc bén của họ”. Bác dạy chúng ta mỗi khi cầm bút “Viết cho ai, viết cái gì, viết để làm gì?”.

Những năm tháng sống ở Pháp, Hoa Kỳ, Liên Xô và sau này là Trung Quốc, Thái Lan… ngòi bút của Nguyễn Ái Quốc ngày càng được trau dồi, rèn giũa để trở thành nhà báo Hồ Chí Minh như chúng ta biết sau này.

Những bài viết đầu tiên của Người chính là bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” (hay còn gọi là bản yêu sách 8 điểm) được gửi đến hội nghị Versailles (Pháp) năm 1919; “Tâm địa thực dân”, “Sự thực cuộc sống lầm than của người dân An Nam”… được báo chí Pháp đăng tải, khi đó đã gây tiếng vang lớn. Cái tên Nguyễn Ái Quốc bắt đầu được công chúng biết tới với tư cách là một nhà báo; còn nhà cầm quyền Pháp bắt đầu biết tới một nhà cáchmạng “sừng sỏ” khó đối phó.

Với niềm đam mê, Người đã dấn thân vào nghề báo với lý tưởng phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Từ những bài viết tuyên truyền, cổ vũ tinh thần, khơi dậy tinh thần yêu nước, cho tới những bài viết biểu dương những cái tốt, người tốt, việc tốt, ngăn chặn và đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực…

Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, những bài viết của Người mang những sứ mệnh lịch sử khác nhau. Người coi ngòi bút là vũ khí sắc bén, báo chí là mặt trận và mỗi người cầm bút là một chiến sĩ.

Trong suốt hơn 50 năm cầm bút, Bác đã cho đăng trên các báo khoảng hơn 3.500 bài - một con số đầy ấn tượng mà có lẽ hiếm có nhà báo chuyên nghiệp nào ở Việt Nam cho đến nay đạt tới được. Ngoài 174 tên gọi, bí danh, bút danh những bài báo đã được xác thực, Người còn có rất nhiều bài viết, bút danh mà chúng ta đang trong quá trình khảo cứu và tìm hiểu.

Đặc biệt, Bác còn là cộng tác viên rất nhiệt tình. Từ số 1 ngày 11-3-1951 đến số 5525 ngày 1-6-1969, Báo Nhân Dân đã đăng trên 1.200 bài viết của Bác Hồ với 23 bút danh. Trong những bài báo ấy, có nhiều bài báo về xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà ngày nay vẫn là những bài học sống còn của Đảng ta.

Không chỉ viết báo, Bác Hồ còn là tổng biên tập, chủ bút - linh hồn của rất nhiều tờ báo.

Không chỉ viết báo, Bác Hồ còn là tổng biên tập, chủ bút - linh hồn của rất nhiều tờ báo.

Những câu chuyện viết báo của Người đáng để cho những người làm báo chuyên nghiệp suy nghĩ. Là lãnh tụ của đất nước nhưng Bác Hồ viết cho cả những tờ báo nhỏ, viết cho cả các em thiếu nhi. Bác viết tiết kiệm trên một mặt giấy của tờ giấy đã dùng. Bác bao giờ cũng nhờ người có trình độ văn hóa thấp đọc trước xem có dễ hiểu không rồi mới cho đăng, lỡ có chi tiết sai là Bác tự viết lời đính chính. Bác viết bài khen ngợi hai anh hùng ngành quân giới là Trần Đại Nghĩa và Ngô Gia Khảm.

Sau Cách mạng Tháng Tám có một tờ báo tư nhân đến xin bài, Bác cũng sẵn sàng viết tặng một bài thơ chúc Tết. Là một người có trình độ chữ nghĩa uyên thâm song Bác luôn viết bằng tất cả ngôn ngữ giản dị trong sáng, dễ hiểu nhất. Nhuận bút của Bác mà tòa soạn “quên” trả là Bác... nhắc vui, nhưng Bác dùng nhuận bút ấy để gửi cho các nhà trẻ. Bác luôn là người kỹ càng, thận trọng trong viết báo, viết văn. Bác đặt ra tiêu chí: Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra, không nên nói ẩu. Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ viết. Những kinh nghiệm quý báu ấy thật sự là cẩm nang, hành trang không thể thiếu của những người làm báo Việt Nam.

“Linh hồn” nhiều tờ báo
Không chỉ viết báo, Bác Hồ còn là tổng biên tập, chủ bút - linh hồn của rất nhiều tờ báo. Người đã sáng lập ra hàng chục tờ báo, cả nước ngoài và trong nước, trong đó có Báo Thanh niên, tờ báo đầu tiên của nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Năm 1921, với bí danh Nguyễn Ái Quốc, Người cùng một số chính khách các nước thuộc địa tại Pháp thành lập Hội Liên hiệp Thuộc địa, và năm 1922 cũng chính Người lập ra tờ báo Người cùng khổ (Le Paria) - một tờ báo cách mạng mang tính quốc tế.

Bài viết "Trò lố hay Varen và Phan Bội Châu" của Nguyễn Ái Quốcđăng báo Người cùng khổ số 36-37 tháng 9 và 10 năm 1925.

Với báo “Người cùng khổ”, bằng ngòi bút sắc sảo, Người vạch trần tội ác của bọn thực dân ở các xứ thuộc địa, ủng hộ cho cuộc đấu tranh chính nghĩa đòi quyền sống, quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc thuộc địa. Số báo đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 1-4-1922. Tên báo được viết bằng 3 thứ tiếng Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Nguyễn Ái Quốc không chỉ làm chủ bút, mà còn là tác giả của phần lớn các bài báo, các bức ký họa và tranh châm biếm, kiêm cả việc quản lý và phát hành. Từ đây, các số báo Người cùng khổ qua tay các thủy thủ, vượt đại dương về nước, đánh thức phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam. Năm 1924, Người còn sáng lập báo “Quốc tế nông dân”.

Cuối năm 1924, Bác Hồ về Quảng Châu (Trung Quốc), mở lớp huấn luyện cán bộ cách mạng Việt Nam, thành lập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, tổ chức tiền thân của Đảng ta. Người sáng lập Báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21-6-1925, đến tháng 4-1927 được 88 số bằng tiếng Việt. Bác trực tiếp chỉ đạo biên tập và viết nhiều bài chính luận. Và ngày 21-6 hàng năm đã trở thành Ngày báo chí cách mạng Việt Nam.

Tháng 12-1926, Bác lập ra Báo Công nông cho giai cấp công nhân và nông dân nước ta, đều tập trung vào vấn đề cơ bản là truyền bá tư tưởng cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, chuẩn bị cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc thành lập một Đảng Cộng sản kiểu mới đủ khả năng, bản lĩnh chính trị, lãnh đạo nhân dân Việt Nam vùng lên lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp và phong kiến tay sai, giành độc lập, tự do, hạnh phúc, hòa bình cho dân tộc, đưa nước Việt Nam tiến theo con đường XHCN.

Ngay năm 1930, Đảng ta ra đời, Bác đã sáng lập Tạp chí Đỏ, xuất bản từ ngày 5-8-1930, đồng thời là người chỉ đạo và cộng tác viên đắc lực của các báo Đảng khác như: Búa liềm, Tranh đấu, Tiếng nói của chúng ta... Đầu năm 1941, Bác về nước, chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8, thành lập Mặt trận Việt Minh, cho lập Báo Việt Nam độc lập năm 1941 và Báo Cứu quốc năm 1942.

Các tờ báo này thực sự đã là những hồi kèn xung trận, thức tỉnh đồng bào cả nước vùng lên đấu tranh, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo mới. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 2-1951, Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) ngừng xuất bản, Bác chỉ đạo thành lập Báo Nhân Dân, một cơ quan ngôn luận gần gũi hơn, thiết thực hơn, sâu rộng hơn, và số đầu tiên ra ngày 11-3-1951.

Nguyễn Hồng

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/bac-ho-nha-bao-vi-dai-cua-dan-toc-59029.html