Bác Hồ - Một hình mẫu văn hóa Tết hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc

Hơn ai hết, Bác Hồ am hiểu sâu sắc ý nghĩa và các lễ nghi, phong tục Tết và tâm lí của nhân dân ta đối với ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Tết Nguyên Đán là ngày lễ cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất, có phạm vi phổ biến nhất và là ngày lễ tưng bừng, nhộn nhịp nhất của dân tộc. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kì vận hành của đất trời, vạn vật cây cỏ. Nó chứa đựng cả quan niệm sống cũng như những phong tục, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa dân tộc. Chữ “Nguyên Đán” có nghĩa là khởi điểm của năm mới. Về nghĩa nhân sinh của Tết Nguyên Đán đó là Tết của gia đình.

Như một thói quen linh thiêng và bền vững, mỗi năm Tết đến dù đang ở đâu, làm gì, kể cả những người xa xứ vẫn mong được về sum họp dưới mái ấm gia đình, khấn vái dưới bàn thờ tổ tiên.

(ảnh tư liệu)

Hơn ai hết, Bác Hồ am hiểu sâu sắc ý nghĩa và các lễ nghi, phong tục Tết và tâm lí của nhân dân ta đối với ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngay khi còn ở chiến khu, Tết đến, Bác đã gói đồng tiền, đồng xu vào giấy hồng điều để mừng tuổi các cháu nhỏ và đi chúc Tết các ông, bà già. Về Hà Nội, vào Tết Độc lập đầu tiên năm 1946, mới 18 tháng Chạp, Bác đã hỏi ông Vũ Kỳ (thư kí của Bác): “Chú cần xem sắp đến ngày Tết ông Táo chưa nhỉ?”. Tối 30 Tết Bác đi thăm và chúc Tết một số gia đình đồng bào ở Hà Nội, cả nhà nghèo, nhà vừa, nhà sang,…

Là vị anh hùng giải phóng dân tộc đồng thời là nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, trong cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, Bác thấm nhuần nền văn hóa phương Đông cũng như văn hóa phương Tây nhưng Bác không hề quên lễ nghĩa, phong tục xưa của Việt Nam. Trên cơ sở phong tục cổ truyền của dân tộc, Bác đã tìm cách làm cho nó phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bác đã sáng tạo nên những tục lệ mới chưa từng có ở Việt Nam.

Năm nào, Bác cũng có thư và thơ chúc Tết đồng bào. Bài thơ chúc mừng năm mới đầu tiên của Bác làm năm 1942 in trên báo Độc Lập số 114 nhưng lúc đó, bài thơ chưa được phổ biến rộng rãi, chưa mấy ai biết. Phải nói, bắt đầu từ Tết Bính Tuất 1946, khi Bác đã là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tết năm nào Bác cũng có thư và thơ chúc Tết đồng bào.

Những năm đầu, hàng chục thư, thơ chúc Tết của Bác, trừ các chiến sĩ, đồng bào ở thành phố và những nơi có máy thu thanh được nghe còn phần lớn đồng bào chỉ đọc được trên báo. Mãi đến Tết những năm 1960, dần dần người dân ở khắp nơi mới được nghe trực tiếp.

Xuân Đinh Mùi (1967), Ủy ban T.Ư. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam có sáng kiến thu lời chúc Tết của Bác vào băng tiếng làm quà tặng một số gia đình trí thức tiêu biểu ở Sài Gòn trong đó có nhà giáo Dương Minh Thới, thân sinh bà Dương Quỳnh Hoa – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế của Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Ông Thới vô cùng xúc động đã nói với cán bộ mặt trận: “Tôi xin thay mặt gia đình cảm ơn đoàn thể và anh em đã dành cho gia đình một món quà Xuân đặc biệt. Xin qua anh em, cho chúng tôi gửi lời kính chúc Bác Hồ sống lâu để lãnh đạo cuộc kháng chiến mau đến ngày thắng lợi.”

“Thư chúc mừng năm mới” cuối cùng Bác viết là vào Xuân Mậu Thân (1968). Bác còn có bài thơ chữ Hán Mậu Thân Xuân Tết viết vào ngày 14/4/1968.

Mùa Xuân Kỷ Dậu (1969) sức khỏe Bác sút kém, nên Bác chỉ có bức điện bằng bốn câu thơ chúc Tết các đồng chí cán bộ đang công tác tại Paris, Pháp.

Hồi ấy, vào đêm giao thừa, đồng bào ta đều chờ đón nghe Bác đọc thơ chúc Tết, lâu dần thành “Tục lệ” hàng năm dịp Tết Nguyên Đán. Đó là “tục lệ” mới, tốt đẹp của truyền thống dân tộc trong dịp Tết cổ truyền do Bác Hồ sáng tạo, phù hợp với tâm lý của nhân dân, một hình mẫu văn hóa Tết hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc.

Ngày nay, chúng ta hay nhắc đến “Tết trồng cây” của Bác Hồ mỗi độ Xuân sang, đó là sáng tạo văn hóa Tết thứ hai của Bác. Tiếp thu truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Bác Hồ rất thích trồng cây. Ngày 28/1/1959, lấy bút danh Trần Lực, Bác viết bài Tết trồng cây đăng trên báo Nhân Dân kêu gọi toàn dân hưởng ứng một tháng trồng cây vào mùa Xuân (từ 6/1/1960 đến 6/2/1960) nhân dịp 30 năm thành lập Đảng.

Đợt trồng cây này gọi là “Tết trồng cây”, mở đầu cho việc trồng cây quanh năm. Đồng bào ta náo nức hưởng ứng lời kêu gọi của Bác. Những “đồi cây Bác Hồ”, “vườn cây Bác Hồ”… phát triển khắp nơi. Từ đó, “Tết trồng cây” được duy trì liên tục trong các dịp Tết Nguyên Đán cho đến ngày nay và trở thành một phong tục mới, một văn hóa Tết mới của dân tộc ta.

Ngày nay, nhân loại đang phải đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, phấn đấu cho một Trái Đất xanh, chúng ta càng nhận rõ tầm nhìn xa, tư tưởng lớn của Bác, một nhà văn hóa kiệt xuất với hai sự sáng tạo văn hóa Tết hiện đại mà đậm đà bản sắc dân tộc. Bác Hồ tuy đã đi xa nhưng người Việt Nam vẫn thấy như Bác vẫn ở bên cạnh mình, vẫn nghe rõ lời Bác căn dặn: “Hãy mừng Xuân vui vẻ tưng bừng nhưng tuyệt đối không lãng phí”.

Đỗ Nguyệt Hương

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/bac-ho-mot-hinh-mau-van-hoa-tet-hien-dai-ma-dam-da-ban-sac-dan-toc-86615.html