Bác Hồ kính yêu và sức sống diệu kỳ của những trang viết năm kỷ sửu 1949 ấy

Năm Kỷ Sửu (1949) ấy là một năm đầy ắp những sự kiện. Có rất nhiều sự kiện trọng đại như những dấu mốc son được người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta lúc bấy giờ là Bác Hồ kính yêu thể hiện trong các bài viết của Người. 72 năm, giờ đọc lại những bài viết của Bác Hồ ngày ấy ta càng cảm thấy xúc động và tự hào bởi cái TÂM, cái TRÍ và TẦM NHÌN vô cùng sáng suốt và mang giá trị thời sự xuyên suốt thời gian.

Từ chiếc máy chữ này, trong phòng làm việc ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã thảo ra nhiều văn kiện quan trọng quyết định đến vận mệnh Tổ quốc. Ảnh Tư liệu

Còn nhớ, năm Kỷ Sửu 1949 ấy cả nước ta đang bước vào năm thứ ba của cuộc chiến đầy cam go chống thực dân Pháp xâm lược, dù trong điều kiện và hoàn cảnh còn rất nhiều khó khăn, nhưng ngoài công việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kháng chiến, Bác Hồ kính yêu vẫn dành chút thời gian hiếm hoi và quí báu để tìm tòi, nghiên cứu để viết những tác phẩm có tác dụng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức, động viên và hướng dẫn quân và dân ta thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vừa sản xuất, xây dựng; vừa quyết tâm chiến đấu tới cùng để mau chóng giành lấy thắng lợi hoàn toàn, để cho đất nước ta, non sông ta thống nhất và độc lập thật sự. Chúng ta thật sự cảm động khi biết rằng, trong bộn bề của trăm công ngàn việc, thế mà bước vào ngày đầu của năm mới Dương lịch, Bác không quên có "Thư chúc mừng năm mới" gửi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước với những lời lẽ nồng ấm tràn đầy yêu thương và cả những định hướng việc làm cho một năm mới đầy ý nghĩa : "Sang năm mới, các chiến sĩ sẽ thi đua xung phong giết nhiều giặc, cướp nhiều súng, lập nhiều công. Đồng bào sẽ xung phong thi đua tăng gia sản xuất về mọi nghề, mọi ngành, diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Các cụ phụ lão xung phong đốc thúc con cháu thi đua. Các cán bộ thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Các cháu thanh niên và nhi đồng xung phong thi đua học và hành…".

Lời căn dặn của Người ngày đó thật sâu sắc, đầy ý nghĩa và luôn mang giá trị thời sự nóng hổi. Cũng ngay từ những ngày đầu năm 1949, Bác lại có một bài viết về Đảng và tiếp tục khẳng định : "Năm nay, Đảng ta mới 19 tuổi. Nhưng suốt 19 năm ấy, năm nào cũng là một năm đấu tranh dũng cảm. Kinh qua bao nhiêu cơn sóng gió, bao nhiêu bước khó khăn, càng nhiều gian nan, Đảng ta càng nhiều rèn luyện, càng thêm vững chắc và rộng lớn. Nhờ chính sách đúng, lãnh đạo chắc, kỷ luật nghiêm, nhờ tư tưởng thống nhất mà Đảng ta và dân tộc ta được những thắng lợi vẻ vang ngày nay". Là người tổ chức và lãnh đạo Đảng ta, Người rất sáng suốt nhận thấy rằng, một Đảng muốn thật sự vững mạnh là một Đảng luôn biết khiêm tốn, biết phê bình và tự phê bình để sửa chữa những khuyết điểm mắc phải trong quá trình hoạt động của mình. Bởi vậy, Người nghiêm khắc nhắc nhở : "… chúng ta tuyệt đối không được tự kiêu, tự đại (…) chúng ta còn nhiều khuyết điểm. Mỗi đồng chí ta cần phải mạnh dạn và thành thật kiểm điểm mình, kiểm điểm đồng chí mình". Người luôn đòi hỏi mỗi một đảng viên phải trăn trở rằng, mình "Đã bỏ hết bệnh chủ quan, hẹp hòi chưa ? Đã luôn cố gắng học tập, luôn cầu tiến bộ chưa ? Đã luôn thực hiện đoàn kết 100% chưa ? Đã thật cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư chưa ?" (Đảng ta- Trần Thắng Lợi).

Người hi vọng rằng, người đảng viên vinh hạnh càng nhiều thì trách nhiệm phải càng lớn để xứng đáng với vinh hạnh ấy; chứ không phải là "Trước mặt quần chúng, ta cứ viết lên trán hai chữ "Cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quí mến những người có tư cách đạo đức", những người không phải chỉ biết "hô hào dân tiết kiệm" mà "mình phải tiết kiệm trước đã". Đó là những người luôn luôn "phải học lấy bốn đức cách mạng : cần, kiệm, liêm, chính …" (Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, HN,1976, tr.86-87). 72 năm đã trôi qua, thế những những lời dạy bảo đó của Người vẫn luôn còn đó tính tích cực và ý nghĩa thời sự nóng hổi của nó. Mong sao mỗi một người đảng viên của chúng ta ngày nay phải thật sự là những người kiểu mẫu trong phong trào thi đua ái quốc và cả trong cuộc sống thường ngày để thật sự trở thành tấm gương sáng trong phong trào "Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

Đặc biệt cũng vào mùa Xuân năm Kỷ Sửu (1949) này, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ kính yêu đã có Thơ chúc Tết gửi tới đồng bào và chiến sĩ cả nước. Lời thơ của Bác như lời non nước được vang vọng truyền đi qua làn sóng của Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam : "Kháng chiến lại thêm một năm mới/ Thi đua ái quốc thêm tiến tới/ Động viên lực lượng và tinh thần/ Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi/ Người người thi đua/ Ngành ngành thi đua/ Ngày ngày thi đua/ Ta nhất định thắng/ Địch nhất định thua"(Báo Sự thật, số 106-107, Xuân Kỷ Sửu). Bài thơ Xuân nói về tầm quan trọng của thi đua là: "Động viên lực lượng và tinh thần" nhằm mục đích "Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi". Đây cũng là một cặp kết cấu nhân - quả.

Vấn đề thi đua được Bác nêu ra thật toàn diện, từ con người (người người) đến công việc (ngành ngành) và xuyên suốt thời gian (ngày ngày). Đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng mà Bác thường đề cập tới trong các bài viết ở năm Kỷ Sửu 1949 này là vấn đề Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Theo Bác thì muốn thật sự Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì phải công khai phê bình và tự phê bình trước dân. Người chỉ rõ rằng : "Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ. Việc phê bình phải từ trên xuống và dưới lên. Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn". Bác nhấn mạnh rằng, nếu không phê bình, kiểm điểm nhất định sẽ dẫn tới hoang phí, và "những món tiền tiêu xài hoang phí ở đâu ra ? Có phải mồ hôi nước mắt của đồng bào không?". Và Bác khẳng định, để không phí phạm của dân, để giữ được đạo đức trong sáng của người cán bộ, phải thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Vâng, Cần, Kiệm, Liêm, Chính là Tứ đức của người cộng sản. Trong bài "Cần kiệm liêm chính" Người viết : Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn Phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức : Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa thì không thành trời/ Thiếu một phương thì không thành đất/ Thiếu một đức thì không thành người.

"Tứ Đức" là những kết tinh được đúc kết từ quá trình lao động, học tập, cống hiến suốt một đời để phụng sự cách mạng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Tứ đức của người chiến sỹ cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh Phản ánh các mối quan hệ tổng hòa trong một thể thống nhất nhưng lại rất thực tiễn trong cuộc sống như cơm ăn, áo mặc, như sự tuần hoàn theo quy luật tự nhiên của đất trời nếu thiếu một mùa, thiếu một phương thì không còn là trời, đất. Tứ đức mới của Hồ Chí Minh là đạo đức mới của một thể chế chính trị mới dưới sự lãnh đạo của một chính Đảng vì lợi ích của giai cấp, của dân tộc. Do đó, Hồ Chí Minh nêu lên những đức tính không thể thiếu đối với mỗi người cán bộ đảng viên. Có thể nói, CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH là tác phẩm rất có giá trị trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và phong trào thi đua yêu nước không chỉ lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa lâu dài, đặc biệt là trong thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Ðảng ta phát động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tác phẩm là tấm gương sáng ngời để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta tự "soi mình" tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.

Ngày 15-10-1949, Bác Hồ viết tác phẩm "Dân vận". Đây là một tác phẩm có giá trị về phẩm chất tư tưởng cao cả. Lời của Người 72 năm trước cho đến bây giờ chúng ta còn rút ra được nhiều bài học bổ ích. Vâng, đó là lời khẳng định của Người : "NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ". Và nội dung của một nước dân chủ theo quan điểm của Người là: "Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Vâng, khát vọng của Người là khát vọng của một dân tộc sạch cả bóng giặc ngoại xâm và bọn "giặc nội xâm", để toàn dân tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, một xã hội mà gia đình, làng xã ai cũng được cơm no, áo ấm và được học hành. Và Người đã gửi gắm khát vọng đó trong tiểu thuyết "Giấc ngủ 10 năm". Không những thế, trong năm 1949 này, Người còn có rất nhiều bài trả lời phỏng vấn các báo chí trong và ngoài nước thể hiện quan điểm của mình trong rất nhiều vấn đề, đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những vấn đề về quan hệ quốc tế, đầu tư nước ngoài và phát triển mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị. Điều đó khiến chúng ta càng ngạc nhiên và khâm phục về tầm nhìn xa trông rộng của Người…

72 năm đã trôi qua, đọc lại một số tác phẩm của Người viết trong năm Kỷ Sửu 1949 ấy, trước hết là để làm dày thêm trong ta lòng kính yêu và tự hào về Bác; làm dày thêm hành trang giúp ta thành công trong việc thực hiện cuộc vận động "Học và làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Nhưng có lẽ, nó sẽ như là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đời ta và muôn đời con cháu của non sông đất Việt ta là ý thức, là kỹ năng, là thói quen đạo đức "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, "giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại" và muôn đời giữ gìn các đức tính quí báu không chỉ riêng của người cộng sản: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.

NGUYỄN THỊ THỌ

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/bac-ho-kinh-yeu-va-suc-song-dieu-ky-cua-nhung-trang-viet-nam-ky-suu-1949-ay-20210208123452056.htm