Bác Hồ dặn dò dùng người đừng như 'giã gạo'

Dành trọn tâm huyết hàng chục năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Triết học Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã kể hàng nghìn câu chuyện về Bác. Mỗi câu chuyện là mỗi cảm xúc khác nhau, là những cử chỉ, hành động ân cần của Bác, khiến cho người nghe vô cùng xúc động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, trí tuệ lớn. Sự tinh tế trong tư tưởng, văn hóa, phong cách của Bác sẽ mãi mãi là tấm gương để các thế hệ con cháu sau này noi theo.

Nhân dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, Dân Việt xin trích lại những chia sẻ của Giáo sư Hoàng Chí Bảo về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

“Thiếu một đức không thành người”

Trong một lần chia sẻ về Bác, nói về đạo đức của con người, Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể lại, trong các chương trình lý luận cao cấp của Đảng, Bác Hồ ví đạo đức con người như thế gian, như vũ trụ. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhân hòa là gốc, là quan trọng nhất.

Trời có 4 mùa Xuân - Hạ - Thu – Đông, đất có 4 phương Đông - Tây - Nam - Bắc, người có 4 đức Cần - Kiệm - Liêm - Chính, thiếu 1 mùa không thành trời, thiếu 1 phương không thành đất, thiếu 1 đức không thành người.

“Những lời căn dặn của bác bây giờ có thể coi là thông điệp thiêng liêng, rèn luyện đạo đức, để chấn hưng đạo đức của dân tộc, trước hết là đạo đức trong Đảng.

Phải đủ có 4 đức mới là người hoàn toàn, nhưng mà ở đời thì nhân vô thập toàn. Không có ai là hoàn toàn cả, ai cũng có cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo là người đã kể hàng nghìn câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi câu chuyện ông kể về Hồ Chủ tịch đều mang đến cho người nghe những cảm xúc khó tả.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo là người đã kể hàng nghìn câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mỗi câu chuyện ông kể về Hồ Chủ tịch đều mang đến cho người nghe những cảm xúc khó tả.

Con người là bằng xương bằng thịt, chứ không phải thánh thần. Muốn đạt được 4 đức để làm người thì con người ta suốt đời phải rèn luyện đạo đức để chống lại chủ nghĩa cá nhân” – Giáo sư Hoàng Chí Bảo chia sẻ.

Cũng theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ đã nhận định, cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa cá nhân là một cuộc chiến đấu trường kỳ, sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng. Chống thói hư, tật xấu, hư hỏng trong mỗi người là cuộc chiến đấu thầm lặng, can đảm mà đau đớn nhất.

Chẳng những vì thế, khi ở trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Bác Hồ đã viết hơn 100 bài thơ, trong đó có bài Nghe tiếng giã gạo, bài thơ này chính là lời nhắn nhủ về rèn đạo đức, tổng kết nhân sinh về đạo đức:

Gạo đem vào giã bao đau đớn

Gạo giã xong rồi trắng tựa bông

Sống ở trên đời người cũng vậy

Gian nan rèn luyện ắt thành công

“Rèn đạo đức để rèn luyện mình phải đau đớn như giã gạo vậy. Đấy là lời của Bác. Nhưng chúng ta không quên một điều nữa, Bác 24 năm liền là Nguyên thủ Quốc gia, trong nhiều chục năm, suốt đời Bác nói như Phạm Văn Đồng là “không một vết gợn, không một tì vết.

Đời Hồ Chí Minh trong như ánh sáng, trong suốt như pha lê”. Trước hết vì Bác nêu cao tấm gương rèn luyện đạo đức, chống chủ nghĩa cá nhân. Bác gọi là giặc nội xâm, bác coi là kẻ thù nguy hiểm nhất” – Chuyên gia cao cấp Hoàng Chí Bảo nói.

“Vốn người là quý nhất”

Cũng chia sẻ về vấn đề cán bộ, người đã dành hàng chục năm liền nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, Bác Hồ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ, đến vấn đề dùng người, chính sách với cán bộ.

Bác chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên. Cho nên những ai lọt vào mắt xanh của Bác, đều là những trí tuệ lớn, nhân cách lớn.

“Bác dặn rèn đạo đức phải như giã gạo, nhưng dùng người, dùng cán bộ tuyệt đối không được dùng theo lối giã gạo” – Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhớ lại.

Theo đó, việc dùng người, dùng cán bộ phải vừa nghiêm mà vừa bao dung. Với tự mình phải nghiêm khắc, với người khác phải bao dung, nhân ái. Bao dung là tình thương, là vị tha, chứ bao dung không được hiểu theo nghĩa là xuê xoa cho nhau, rồi che giấu cho nhau.

Riêng vấn đề dùng người là nghiêm mà bao dung. Đây chỉ là một cách nói cụ thể của Bác, ý Bác là Bác phê bình chúng ta là không có kế hoạch, không chăm sóc, giáo dục, đào tạo đầy đủ, cứ để cán bộ trôi nổi tự phát trong phong trào, thấy tốt thì nhấc lên rồi để đấy, không kiểm tra giám sát. Khi họ mắc khuyết điểm thì lại vùi dập người ta xuống.

Bác Hồ ví là cứ nhấc lên đập xuống như vậy 3 lần thì hỏng cả 1 đời cán bộ. Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể, tài sản của Quốc gia, vốn người là quý nhất. Cho nên nâng niu giá trị của con người thì phải vừa nghiêm, vừa bao dung. Mất mát người là mất mát lớn nhất, mất cán bộ là mất lớn nhất.

Phong cách ứng xử, cách dùng người của Bác Hồ càng khẳng định sự tinh tế của một nhân cách lớn.

“Đạo đức Hồ Chí Minh trước hết là Tư tưởng, đạo đức rồi thực hành đạo đức để trở thành tấm gương đạo đức” – Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Cũng theo vị Giáo sư, Phong cách Hồ Chí Minh là cả một hệ thống lớn các giá trị từ phong cách tư duy, đến phong cách trình bày (nói và viết), đến phong cách làm việc (ngăn nắp, đúng giờ, kỷ luật, nề nếp), phong cách kiểm tra giám sát.

Với Bác Hồ, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhận định, Bác có một năng lực kiềm chế rất giỏi.

“Bác có một phong cách tôn trọng người đối thoại, tôn trọng mọi nhân cách con người. Cả đời không bao giờ nặng lời với ai cả, giận lắm cũng chỉ im lặng mà thôi.

Im lặng để kiềm chế, không nói nặng lời vì sẽ “đau đớn trái tim nhau”. Lời nói phải biết lựa, lựa là trấn tĩnh mình, kiềm chế mình để đừng xúc phạm người khác.

Bác để lại trăm nghìn câu nói vàng ngọc, trong đó có một câu ngắn gọn mà quý giá vô cùng “Phê bình công việc chứ không xúc phạm con người”.

Làm sai, làm hỏng thì phê bình việc ấy thôi, không xúc phạm con người, vì mỗi người là một nhân cách” – Giáo sư Bảo kể lại.

Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, ứng xử của Hồ Chí Minh đạt tới mức tinh tế, đến mức kẻ thù cũng phải ngưỡng mộ, khâm phục không dám xúc phạm.

Hình ảnh Hồ Chí Minh ở trong lòng thế giới nhân loại là Hồ Chí Minh có thể có rất nhiều đối thủ, nhưng Hồ Chí Minh tuyệt nhiên không có một kẻ thù nào bởi ai cũng phải ngưỡng mộ một nhân cách lớn, trí tuệ lớn và sự tinh tế văn hóa của Bác.

Nguyễn Hòa

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/bac-ho-dan-do-dung-nguoi-dung-nhu-gia-gao-980279.html