Bắc Giang: Ưu tiên sức khỏe người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bắc Giang đang phối hợp với cơ quan cùng cấp của các tỉnh, TP đưa người lao động từ Bắc Giang tạm thời trở về địa phương nơi thường trú để phòng dịch, ổn định đời sống khi các doanh nghiệp (DN) đang chờ hoạt động trở lại. Đồng chí Nguyễn Tiến Cơi - Giám đốc Sở LĐTBXH trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Bắc Giang về chủ trương này.

Xin đồng chí cho biết mục tiêu của việc phối hợp với các tỉnh, TP trong cả nước để đưa công nhân đang ở Bắc Giang trở về các địa phương?

Mục tiêu trước tiên và cao nhất là để bảo đảm an toàn sức khỏe, đời sống cho người lao động. Đến thời điểm này, Bắc Giang đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và những lao động này đều đã được xét nghiệm sàng lọc nhiều lần có kết quả âm tính. Mặc dù vậy, tại địa bàn các công nhân lao động ngoài tỉnh đang lưu trú (chủ yếu ở huyện Việt Yên và một số xã của huyện Yên Dũng) vẫn là vùng có dịch, còn nguy cơ lây nhiễm cao. Trong các khu nhà trọ, số lượng và mật độ công nhân rất lớn, nếu không may chỉ 1 người bị bệnh song với đặc điểm virus biến chủng có khả năng lây lan mạnh, tốc độ nhanh thì hậu quả khó lường được với hàng nghìn, thậm chí có thôn lên đến hàng chục nghìn công nhân như hiện nay.

Công nhân TP Hà Nội được đón về địa phương. Ảnh: Đỗ Quyên

Công nhân TP Hà Nội được đón về địa phương. Ảnh: Đỗ Quyên

Đời sống hiện tại của công nhân trong các khu nhà trọ thuộc vùng cách ly, phong tỏa rất khó khăn, thiếu thốn cả tinh thần và vật chất; mặc dù các ngành, các cấp, cả cộng đồng trong gần 1 tháng qua nỗ lực hết mình chăm lo, hỗ trợ các nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế với 29 siêu thị 0 đồng, tổng mức hỗ trợ khoảng 5 tỷ đồng một ngày. Vậy nhưng không phải chỗ nào, ở đâu cũng có thể tổ chức được mô hình siêu thị này, việc hỗ trợ cũng khó có thể kéo dài trong khi các DN chưa thể gọi người đi làm trở lại ngay được. Vì thế, khi lao động tạm trở về các tỉnh sẽ có điều kiện được chăm sóc, hỗ trợ đời sống tốt hơn.

Thứ hai là sau khi đưa lao động ngoài tỉnh và kể cả lao động thuộc các huyện của tỉnh Bắc Giang trở về địa phương sẽ giảm được mật độ người ở trong các khu nhà trọ trên địa bàn huyện Việt Yên, Yên Dũng để tỉnh tiến hành công tác tiêu độc, khử khuẩn làm sạch môi trường. Đồng thời, tổ chức lại các khu lưu trú của người lao động. Một mặt các nhà trọ phải bảo đảm các yêu cầu về an ninh trật tự, an toàn trong phòng chống dịch (PCD), đồng thời có sự kết nối giữa DN với các nhà trọ, làm sao mỗi nhà trọ là nơi ở của công nhân một DN.

Đây cũng là một giải pháp hỗ trợ DN tổ chức lại hoạt động sản xuất theo phương châm “sản xuất để chống dịch, chống dịch để sản xuất”. Để công nhân trong các DN được an toàn thì phải thực hiện phương châm “4 cùng”: Cùng làm việc, cùng ở, cùng ăn, cùng di chuyển. Khi DN khôi phục sản xuất thì công nhân sẽ sớm được đón trở lại làm việc.

Thứ ba, đây cũng là giải pháp thiết thực mà các tỉnh, TP chia sẻ, hỗ trợ Bắc Giang nói chung, đặc biệt là huyện Việt Yên để sớm vượt qua khó khăn, thực hiện “mục tiêu kép” - vừa PCD, vừa phát triển KT-XH, thực hiện công tác an sinh xã hội.

Đến ngày 15/6 có 10 tỉnh, TP đón hơn 4,5 nghìn lao động; dự kiến từ ngày 16 đến 25/6 có thêm khoảng 15 nghìn lao động được đón về địa phương bạn.

Khi dịch bệnh bùng phát, để dịch bệnh không lan rộng ra các địa bàn ngoài huyện Việt Yên và các tỉnh, Bắc Giang đã quyết định giữ chân toàn bộ hơn 60 nghìn lao động tỉnh ngoài và hơn 10 nghìn lao động của các huyện trong tỉnh ở yên tại chỗ. Vì thế, hơn một tháng qua, tỉnh và đặc biệt là huyện Việt Yên vừa phải gồng mình chống dịch vừa phải chăm lo hỗ trợ đời sống cho mấy chục nghìn lao động hằng ngày.

Xin đồng chí cho biết kết quả thực hiện kế hoạch di chuyển công nhân từ Bắc Giang trở về các tỉnh, TP đến thời điểm này?

Đến ngày 15/6 đã có 10 tỉnh, TP đến đón hơn 4,5 nghìn người lao động về địa phương; các tỉnh còn lại đang phối hợp xây dựng phương án để đưa người về.

Trong quá trình thực hiện cũng phát sinh một số khó khăn, bất cập như: Số lượng và danh sách người lao động có nhu cầu về quê luôn thay đổi do người được DN bố trí đi làm trở lại, nhiều người lại có nhu cầu về quê ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của các địa phương đến đón, nhất là phương tiện đã bố trí hoặc số lượng lao động về từng huyện của các tỉnh liên quan đến bố trí xe, nơi tập trung cách ly. Thêm vào đó là tâm lý e ngại của một số cán bộ làm nhiệm vụ đến đón công nhân nơi vùng dịch.

Công tác phối hợp và biện pháp bảo đảm an toàn khi công nhân từ Bắc Giang trở về các địa phương được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Xuất phát từ thực tế và qua trao đổi với một số tỉnh, sau khi báo cáo UBND tỉnh, Sở LĐTBXH thống nhất với UBND huyện Việt Yên, các ngành liên quan như: Công an tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, Y tế, Giao thông - Vận tải, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện thêm phương án Bắc Giang chủ động đưa lao động về bàn giao tại các tỉnh.

Thực hiện phương án này, trước một ngày đưa công nhân về địa phương, Sở LĐTBXH gửi danh sách chính thức, chi tiết tới từng địa bàn huyện, xã của các tỉnh để tỉnh bạn chủ động bố trí nơi tập trung cách ly; thực hiện xét nghiệm thêm lần nữa và cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm cũng như chỉ giải quyết cho công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính mới được ra khỏi địa bàn.

Phương án này được các tỉnh đồng thuận cao, dự kiến từ ngày 16/6 đến 25/6 sẽ đưa khoảng 15 nghìn công nhân lao động tạm trở về các địa phương bạn. UBND tỉnh đã chỉ đạo phương án, quy trình tổ chức đưa lao động ngoài tỉnh tạm trở về địa phương bảo đảm chặt chẽ, an toàn, đúng quy định PCD.

Thực hiện chủ trương khôi phục sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát, Sở LĐTBXH có các giải pháp gì hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về lao động cho DN, thưa đồng chí?

Cùng với việc thực hiện kế hoạch giãn số lượng công nhân đang tập trung quá đông tại Việt Yên, sở phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn các DN trong việc xây dựng mô hình tổ chức lại sản xuất bảo đảm an toàn trước dịch bệnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động trở lại làm việc khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đến nay, đã có 122 DN được UBND tỉnh đồng ý cho hoạt động trở lại với số lao động được phê duyệt hơn 20 nghìn người, thực tế số lao động đã đi làm trở lại là hơn 10,5 nghìn người.

Như vậy, việc đưa công nhân tạm trở về các địa phương trong giai đoạn này là cần thiết và chưa ảnh hưởng đến việc nối lại sản xuất của các DN. Số lao động dự kiến được làm việc trở lại trong thời gian gần đây còn rất nhỏ. Khi các DN xây dựng xong mô hình tổ chức hoạt động sản xuất mới sẽ nhanh chóng thu hút lao động trở lại làm việc với quy mô phù hợp và bảo đảm nghiêm ngặt về công tác PCD (ví dụ bố trí khu ký túc xá riêng biệt cho công nhân, đưa đón công nhân, giãn cách trong nội bộ DN). Sở sẽ theo sát, nắm chắc tình hình, phối hợp với cơ quan cùng cấp ở các địa phương bạn để có biện pháp hỗ trợ DN một cách hiệu quả.

Xin cảm ơn đồng chí!

Kim Hiếu (thực hiện)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-ncov/362347/bac-giang-uu-tien-suc-khoe-nguoi-lao-dong-ho-tro-doanh-nghiep-khoi-phuc-san-xuat.html