Bắc Giang: Tự hào con đường mang tên Hồ Công Dự

Con đường mang tên Hồ Công Dự như một dấu ấn mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Giang lưu lại để ghi nhớ đời đời công lao người chiến sĩ cách mạng.

Hồ Công Dự là người huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Được giác ngộ cách mạng từ khá sớm, Hồ Công Dự hoạt động bí mật tại quê hương. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đồng chí và nhiều cán bộ khác bị địch bắt đưa lên nhà tù Sơn La. Tháng 3/1945, Hồ Công Dự vượt ngục trở về hoạt động cách mạng.

Từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp, để đẩy mạnh phong trào cách mạng trong tỉnh cao hơn nữa, Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ đã tăng cường cho Bắc Giang các đồng chí Hồ Công Dự, Phạm Yên, Hoàng (Bạch)... Theo đó, Ban cán sự tỉnh đã phân công đồng chí Hồ Công Dự về Việt Yên phụ trách phong trào cách mạng hai huyện Việt Yên, Yên Dũng.

Con đường mang tên Hồ Công Dự.

Tối ngày 17/8/1945, đồng chí Hồ Công Dự triệu tập một cuộc họp ở đình làng Song Khê (Yên Dũng) quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Bắc Giang. Theo đó, sáng sớm ngày 18/8/1945, đồng chí Hồ Công Dự và một số đồng chí khác dẫn đội tự vệ bí mật đột nhập vào dinh tỉnh trưởng, bắt tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh phải đầu hàng. Đồng thời, ra lệnh cho Nguyễn Ngọc Đĩnh gọi điện thoại báo cho tên chỉ huy quân đội Nhật ở Bắc Giang biết tin Việt Minh, yêu cầu quân Nhật phải điều đình ngay với Việt Minh.

Tình thế lúc này làm cho bọn Nhật không dám từ chối, buộc phải ngồi vào bàn hội nghị chấp nhận những điều kiện do Việt Minh đưa ra. Trong khi ta đang điều đình với Nhật, lực lượng tự vệ và quần chúng nhân dân các phủ huyện Lạng Giang, Việt Yên, Yên Thế, Yên Dũng, Hiệp Hòa từ các ngả đường tiến vào thị xã tuần hành thị uy. Cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ tràn ngập các ngả đường. Bộ máy chính quyền tay sai địch đã hoàn toàn bị đập tan. Khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh Bắc Giang đã hoàn toàn thắng lợi.

Nắm được kế hoạch Tỉnh trưởng Bắc Giang sẽ trao chính quyền tỉnh cho bọn Đại Việt vào sáng ngày 18/8/1945, khoảng 10 giờ đêm ngày 17/8, đồng chí Hồ Công Dự và một số đồng chí khác đi dự Hội nghị do Tỉnh ủy triệu tập tại Yên Lý (Yên Thế), ngay lập tức trở về Song Khê. Tại đây, gần một ngàn tự vệ và quần chúng đã tập trung để chờ lệnh hành động. Đồng chí Hồ Công Dự, ngay đêm đó đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp cán bộ chủ chốt hai huyện Việt Yên, Yên Dũng tại đình Song Khê quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh trước khi Tỉnh trưởng Bắc Giang.

Hội nghị đề ra kế hoạch chọn một số tự vệ cùng 2 đồng chí Hồ Công Dự, Ninh Văn Phan đột nhập vào dinh tỉnh trưởng, bắt tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh đầu hàng. Khoảng 4 giờ sáng ngày 18/8, hai đồng chí Hồ Công Dự, Ninh Văn Phan dẫn đầu một đội tự vệ khoảng 6, 7 người được trang bị vũ khí xuất phát từ đình Song Khê đột nhập vào dinh tỉnh trưởng lúc 6 giờ sáng.

Vốn đã hoang mang lại ở vào một tình thế hoàn toàn bất ngờ không thể chống cự. Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh buộc phải đầu hàng, nộp vũ khí và đích thân gọi chánh bảo an sang dinh tỉnh trưởng nhận lệnh đầu hàng Việt Minh. Chánh bảo an được lệnh, sang ngay dinh tỉnh trưởng. Sau khi nghe đồng chí Hồ Công Dự thuyết phục, hắn xin quy thuận, giao toàn bộ vũ khí và trại bảo an binh cho ta.

Trở lại con đường Hồ Công Dự ngày nay, rất giống một con phố thu nhỏ đang trên đà đô thị hóa. Đầu đường là một loạt các shop đồ ăn, quần áo, làm tóc,… Phía cuối đường dự án Trung tâm Thương mại và Dịch vụ khách sạn sẽ sớm đi vào hoạt động. Thế nhưng, xen lẫn đà phát triển nhộn nhịp là hình ảnh các cụ ông, cụ bà mỗi chiều thảnh thơi ngồi chuyện trò, kể các cháu thiếu nhi về cái ngày xửa ngày xưa, cái ngày có ông họ Hồ đêm thu bắt sống tỉnh trưởng Bắc Giang trong dinh thự…

Hoàng Lê

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhvaphapluat.vn/bac-giang-tu-hao-con-duong-mang-ten-ho-cong-du-p56685.html